Huawei vừa tung laptop “thuần nội địa”: Tự thiết kế chip, tự viết hệ điều hành, bỏ luôn Windows

    Anh Việt,  

    Laptop Matebook Pro 2025 sẽ chính thức mở bán vào ngày 19/5, và khi đó hiệu năng thực tế của Kirin X90 cũng sẽ sớm được kiểm chứng.

    Tại sự kiện vừa diễn ra, Huawei đã chính thức giới thiệu dòng laptop Matebook Pro 2025 chạy hệ điều hành HarmonyOS - nền tảng do chính công ty phát triển, tách hoàn toàn khỏi nhân Linux và hệ sinh thái Android. Nhưng điều gây bất ngờ hơn cả là các máy thử nghiệm tại sự kiện được phát hiện sử dụng vi xử lý Kirin X90, một chip do chính Huawei thiết kế thông qua công ty con HiSilicon. Đây có thể được xem là "khoảnh khắc Apple Silicon" của Huawei - thời điểm hãng tự chủ hoàn toàn cả phần cứng lẫn phần mềm trong hệ sinh thái thiết bị của mình.

    Kể từ khi bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt năm 2020, Huawei không còn được hợp tác với các công ty thiết kế và sản xuất chip quốc tế. Điều này buộc hãng phải tăng tốc tự lực, từ việc dùng chip của chính HiSilicon đến sản xuất thông qua đối tác SMIC tại Trung Quốc. Khác với các công ty như Loongson - vốn phát triển kiến trúc chip riêng (LoongArch), Huawei chọn hướng đi dựa trên các lõi Arm sẵn có và dần chuyển sang kiến trúc tự thiết kế mang tên Taishan V-series.

    Huawei vừa tung laptop “thuần nội địa”: Tự thiết kế chip, tự viết hệ điều hành, bỏ luôn Windows- Ảnh 1.

    Trên Matebook Pro 2025, các tín đồ công nghệ phát hiện vi xử lý Kirin X90 với tên mã "Charlotte Pro", sở hữu thiết kế 10 lõi / 20 luồng theo cấu trúc 4+4+2. Bốn lõi mạnh nhất được cho là dùng kiến trúc Taishan V121, bốn lõi hiệu năng cao sử dụng Taishan V120, và hai lõi tiết kiệm điện có thể là Cortex-A510. Dù chưa có điểm benchmark chính thức, các kiến trúc server dựa trên Taishan V120 (như Kunpeng 930) từng được đánh giá ngang ngửa với AMD Zen 3 ở hiệu năng đơn nhân. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Kirin X90 vẫn là công nghệ sản xuất, khi nhiều khả năng con chip này được sản xuất trên tiến trình 7nm của SMIC - một công nghệ cũ so với tiêu chuẩn toàn cầu hiện nay.

    Dù vậy, việc Huawei tự phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm mang lại nhiều lợi thế: kiểm soát tốt hơn về tối ưu hóa hệ thống, nâng cao độ ổn định, rút ngắn chu kỳ phát triển, và giảm phụ thuộc vào công nghệ phương Tây - phù hợp với chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc.

    Vấn đề lớn còn lại nằm ở hệ sinh thái ứng dụng. Liệu có bao nhiêu nhà phát triển sẽ sẵn sàng chuyển ứng dụng của họ sang HarmonyOS? Việc thiếu hụt các ứng dụng phổ biến sẽ là rào cản lớn nếu Huawei muốn cạnh tranh với Apple trong phân khúc cao cấp. Dù vậy, hãng có thể lựa chọn tự xây dựng các phần mềm nội địa thay thế, phù hợp với chiến lược dài hạn về công nghệ "tự cung tự cấp".

    Anh Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày