Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi?

    Thanh Long,  

    Cần phải nói rằng nghiên cứu này không phải là để bào chữa cho những người hút thuốc lá. Trên thực tế, nhiều người hút thuốc có thể đã chết vì các căn bệnh khác, như bệnh tim mạch, trước cả khi một khối u ung thư xuất hiện trong phổi họ.

    Cứ 10 người tử vong vì ung thư phổi thì có từ 8-9 người trong số đó hút thuốc lá. Đó là con số thống kê được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là 80-90% những người hút thuốc lá sẽ mắc và sẽ chết vì ung thư phổi.

    Trên thực tế, thống kê của CDC cho thấy ung thư phổi chỉ phát triển trong khoảng 10-20% những người hút thuốc lá.

    Điều đó nghĩa là có một tỷ lệ lớn hơn rất nhiều những người hút thuốc mà không mắc ung thư phổi. Ngược lại, có những người cả đời không hút một điếu thuốc nào nhưng lại mắc căn bệnh chết người này.

    Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Genetics, các nhà khoa học cuối cùng cũng giải mã được bí ẩn: Tại sao có những người nghiện thuốc lá nặng, họ hút mỗi ngày một bao và trong hàng chục năm, nhưng ung thư phổi vẫn chừa họ ra?

    Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi? - Ảnh 1.

    Cần phải nói rằng nghiên cứu này không phải là để bào chữa cho những người hút thuốc lá. Trên thực tế, nhiều người hút thuốc có thể đã chết vì các căn bệnh khác, như bệnh tim mạch, trước cả khi một khối u ung thư xuất hiện trong phổi họ.

    Thống kê cho thấy tuổi thọ của những người nghiện thuốc lá bị rút ngắn trung bình tới 25 năm vì nhiều nguyên nhân, chứ không cứ gì việc mắc ung thư phổi. Trong số 4 người nghiện thuốc lá nặng thì có 1 người sẽ không thể sống quá tuổi 65.

    Ngoài ra, con cái của những người hút thuốc cũng có thể gặp rủi ro do tổn thương di truyền gây ra, nếu cha mẹ chúng có tiền sử hút thuốc trước khi thụ thai. Thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi sinh ra nếu chúng tiếp tục hít phải khói thuốc thụ động từ cha mẹ.

    Do đó, đối với 1,1 tỷ người đang hút thuốc trên hành tinh, lời khuyên đối với họ lúc nào cũng nhất quán: Hãy từ bỏ thuốc lá vì sức khỏe của bản thân và những người thân yêu xung quanh mình.

    Thuốc lá gây ra hàng nghìn tỷ đột biến, nhưng đột biến có dẫn tới ung thư?

    Đó là câu hỏi chủ đạo mà các nhà khoa học tại Đại học Y Albert Einstein đặt ra trong nghiên cứu của mình. Trước đây, một giả định được đặt ra là các đột biến tích tụ trong tế bào phổi là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, bất kể bệnh nhân có hút thuốc hay không.

    Trong dân số nói chung, tỷ lệ một người mắc ung thư phổi trong suốt cuộc đời của mình là 6,7%. Trong khi đối với những người hút thuốc lá là từ 20-30%. Điều này được cho là bởi thuốc lá làm tăng tốc quá trình tế bào phổi đột biến dẫn tới ung thư.

    Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi? - Ảnh 2.

    Một điếu thuốc tỏa ra tới hơn 4.000 hóa chất và chúng sẽ đi vào phổi bạn.

    Một nghiên cứu năm 2016 thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Hoa Kỳ, đã so sánh DNA trong mô khối u của 1.000 người không hút thuốc lá và 2.500 người hút thuốc lá.

    Họ đã đếm ra chính xác bao nhiêu đột biến gây ra bởi việc hút thuốc trên các cơ quan khác nhau của cơ thể. Theo đó, nếu một người hút một bao thuốc mỗi ngày, 365 ngày trong một năm, họ sẽ gây ra:

    150 đột biến trong mỗi tế bào phổi, 97 đột biến trong mỗi tế bào thanh quản, 39 đột biến ở mỗi tế bào hầu họng, 6 đột biến trong mỗi tế bào gan, 18 đột biến ở mỗi tế bào bàng quang, và 23 đột biến trong mỗi tế bào khoang miệng.

    Bạn cũng nên lưu ý rằng đây là số lượng đột biến chia đều cho từng tế bào. Hãy làm thêm một tính toán đơn giản. Một nghiên cứu trước đây chỉ ra gan của một người bình thường chứa khoảng 240 tỷ tế bào. Hút mỗi ngày 1 bao thuốc gây ra 6 đột biến trong mỗi tế bào gan. Tính ra đó là 1.440 tỷ đột biến tất cả, chỉ riêng tại cơ quan này.

    Một hướng hình dung khác ở phổi. Các nhà khoa học tính ra cứ 49 điếu thuốc, bạn sẽ "châm lên" một đột biến mới. Và mỗi đột biến được cho là sẽ làm tăng tỷ lệ xác suất bạn gặp ung thư.

    Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi? - Ảnh 3.

    Tuy nhiên, giáo sư tiến sĩ Jan Vijg, chủ nhiệm bộ môn di truyền học tại Đại học Y Albert Einstein cho biết quan hệ nhân quả giữa đột biến trong phổi và nguy cơ ung thư vẫn là một dấu hỏi cần phải giải đáp.

    "Trước nghiên cứu của chúng tôi, điều này là bất khả thi do không có cách nào để định lượng chính xác đột biến trong tế bào bình thường", ông nói. Nghiên cứu năm 2016 đã sử dụng gen của các khối u ở người đã mắc ung thư phổi hút thuốc và không hút thuốc chứ chưa có nhóm người khỏe mạnh.

    Do đó, giáo sư Vijg muốn kiểm tra các đột biến xảy ra trong nhóm người bị bỏ quên này, trong đó có cả những người hút thuốc mà chưa từng bị ung thư phổi ghé thăm.

    Phát hiện kỳ lạ: Sự chững lại của đột biến ở năm hút thuốc thứ 23

    Để thực hiện cuộc điều tra, nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Albert Einstein đã tuyển mộ 33 tình nguyện viên bao gồm:

    - 12 người trưởng thành không hút thuốc có đội tuổi từ 18-36

    - 2 thiếu niên không hút thuốc

    - 19 người hút thuốc có độ tuổi từ 44-81

    Kế đó, họ thu thập tế bào phổi và khí quản của những cá nhân này. "Những tế bào phổi này sống rất lâu, thường là trong nhiều năm cho tới nhiều thập kỷ. Do đó, chúng có thể tích lũy các đột biến theo cả tuổi tác và từ thói quen hút thuốc", nhà dịch tễ và nghiên cứu mô bệnh học Simon Spivack tại Đại học Y Albert Einstein giải thích. "Trong tất cả các loại tế bào của phổi, đây là một trong những loại có khả năng trở thành ung thư cao nhất".

    Kỹ thuật phân tích di truyền được sử dụng trong nghiên cứu này cũng là một kỹ thuật tiên tiến được chính giáo sư Vijg phát triển. Nó được gọi là phương pháp khuếch đại đa dịch chuyển đơn bào (SCMDA), có ưu việt là giảm được lỗi giải trình tự và xác định tốt hơn các đột biến khi so sánh với các phương pháp giải trình tự gen khác.

    Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi? - Ảnh 4.

    Kết quả cho thấy những người hút thuốc càng nhiều thực sự đang tích tụ nhiều đột biến hơn trong phổi của họ. Đó là một hàm tăng tuyến tính kể từ "năm hút thuốc" đầu tiên đến năm hút thuốc thứ 23.

    Năm hút thuốc được định nghĩa là khoảng thời gian mà người hút thuốc lá tiêu thụ hết 1 bao thuốc 2 điếu mỗi ngày và kéo dài trong 365 ngày. Tuy nhiên, con số có thể cộng dồn nếu người hút thuốc tiêu thụ nhiều hơn, hoặc kéo giãn nếu họ hút ít hơn.

    Một người hút 2 bao thuốc một ngày kéo dài trong 365 ngày được tính là đã trải qua 2 năm hút thuốc. Sau năm hút thuốc thứ 23, các đột biến trong phổi người hút thuốc không gia tăng thêm nữa mà chững lại.

    "Điều này có nghĩa là những người hút thuốc nặng nhất không nhất thiết phải chịu đựng một gánh nặng đột biến cao nhất", Spivack nói. Trong nghiên cứu này, có những người đã trải qua tới 116 "năm hút thuốc" và số lượng đột biến của người đó không tăng theo hàm tuyến tính.

    Giáo sư Vijg giải thích: "Đầu tiên, một số người hút thuốc có thể có một hệ thống giải độc tốt hơn để phân giải các hợp chất có khả năng gây đột biến trong khói thuốc, trước khi chúng có thể gây tổn thương DNA cho bộ gen tế bào.

    Thứ hai, họ có thể có một hệ thống sửa chữa DNA vượt trội, giúp xử lý các tổn thương DNA và chữa lành chúng một cách nhanh chóng. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khả năng thứ hai này, vì chúng tôi có thể kiểm tra và xác nhận nó bằng phương pháp luận của mình".

    Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi? - Ảnh 5.

    Phát hiện mới có thể giúp giải thích tại sao có từ 80-90% những người hút thuốc cả đời không bao giờ bị ung thư phổi. Nó cũng có thể giải thích tại sao một số người không bao giờ hút thuốc lại phát triển các khối u.

    Trong khi khói thuốc lá thực sự kích hoạt thêm nhiều đột biến tế bào trong phổi, việc những đột biến này cuối cùng có phát triển thành khối u ung thư hay không lại phụ thuộc vào mức độ hiệu quả mà cơ thể dung nạp các chất độc và tổ chức sửa chữa những tổn thương DNA sau khi chúng xuất hiện.

    Những người may mắn có các gen sửa chữa DNA hiệu quả được di truyền sẽ có khả năng miễn nhiễm cao hơn với ung thư. Trong khi đó, một số nghiên cứu trước đây cho thấy chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa này.

    Giáo sư Vijg cho biết: "Công việc tiếp theo, chúng tôi muốn phát triển các xét nghiệm mới có thể đo lường khả năng sửa chữa hoặc giải độc DNA của một người nào đó. Phương pháp này có thể được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc ung thư phổi của mọi người".

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ