Khi bác sĩ nói bạn nên đến bệnh viện kiểm tra lại huyết áp, đó là một lời đề nghị hết sức nghiêm túc.
Bạn dưới 35 tuổi và cảm thấy mình vẫn còn rất trẻ trung và khỏe mạnh. Nhưng trong một lần khám sức khỏe, bác sĩ nói rằng huyết áp của bạn hơi cao, và bởi vậy, bạn nên đặt lịch kiểm tra lại ở bệnh viện một lần nữa.
Thế nhưng, “không giống như người lớn tuổi, người trẻ ít khi tin rằng họ bị huyết áp cao và khả năng họ quay lại bệnh viện kiểm tra rất thấp”, Tiến sĩ Daniel Lackland, phát ngôn viên Hiệp hội Huyết áp cao Hoa Kỳ cho biết.
Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 360.000 trường hợp tử vong xuất phát từ tình trạng huyết áp cao, theo số liệu của Cơ quan Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Con số này gần như là 1.000 người mỗi ngày. Đó là lí do tại sao huyết áp cao được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Khi bác sĩ nói bạn nên đến bệnh viện kiểm tra lại huyết áp, đó là một lời đề nghị hết sức nghiêm túc
Bởi vậy, bạn nên biết rằng một khi bác sĩ nói bạn nên đến bệnh viện kiểm tra lại huyết áp, đó là một lời đề nghị hết sức nghiêm túc. Thông thường, những bệnh nhân trẻ có thể kiểm soát lại huyết áp dễ dàng bằng việc quản lý cân nặng hoặc thay đổi lối sống, Tiến sĩ Daniel Lackland cho biết.
Vấn đề là họ đang quá coi thường tình trạng của mình mà không biết huyết áp cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó sẽ lặng lẽ làm hỏng cơ thể bạn trong nhiều năm trước khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Hãy cùng tìm hiểu xem nếu không được kiểm soát, huyết áp cao có thể tàn phá cơ thể bạn như thế nào:
1. Làm tổn thương động mạch ở bất cứ đâu trên cơ thể
Nếu bạn có huyết áp cao, áp lực máu dần dần sẽ tác động lên động mạch và gây ra một loạt các vấn đề
Động mạch là con đường dẫn máu, mang chất dinh dưỡng và oxy tới từng cơ quan và mô quan trọng trên cơ thể. Bởi vậy, động mạch cần phải khỏe mạnh, linh hoạt và có tính đàn hồi tốt. Lớp lót phía bên trong động mạch phải mịn để máu có thể chảy với ít sức cản.
Nếu bạn có huyết áp cao, áp lực máu dần dần sẽ tác động lên động mạch và gây ra một loạt các vấn đề, bao gồm:
- Tổn thương và thu hẹp lòng động mạch: Huyết áp cao có thể gây tổn thương cho các tế bào lót trong động mạch của bạn. Điều này khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện, làm thành động mạch trở nên dày và cứng. Chính xác thì đó là một căn bệnh tên được đặt tên là xơ cứng động mạch.
Những sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến động mạch trên khắp cơ thể bạn, làm giảm lưu lượng máu đến tim, thận, não, các chi. Trong quá trình tiến triển, nó gây ra nhiều vấn đề bao gồm đau thắt ngực, tắc động mạch ngoại biên ở chân, cánh tay, tổn thương mắt, chứng phình động mạch nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và đột quỵ…
- Phình động mạch: Nói riêng về phình động mạch, qua một thời gian khi mà thành động mạch đã bị suy yếu, cộng với huyết áp vẫn tiếp tục cao, động mạch tất yếu sẽ bị giãn. Nó chính là chứng phình động mạch. Nguy hiểm của chứng bệnh này khi động mạch bị phình quá lớn, nó có thể bị vỡ và gây chảy máu trong, một tình trạng đe dọa tính mạng.
Phình động mạch có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở động mạch chủ, động mạch lớn nhất của bạn.
2. Gây nguy hiểm cho tim: Bạn có thể đột tử
Huyết áp cao buộc trái tim của bạn phải làm việc vất vả hơn và sớm gặp tổn thương
Trái tim là bộ phận giúp bơm máu lưu thông đi khắp cơ thể. Không kiểm soát được huyết áp có thể gây nhiều tổn hại cho tim, ví dụ như:
- Bệnh động mạch vành: Căn bệnh ảnh hưởng lên các động mạch đang cung cấp máu cho tim. Các động mạch bị thu hẹp, không cho phép máu lưu thông dễ dàng tới tim của bạn có thể gây ra những cơn đau ngực, loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim.
- Phì đại bên trái tim: Huyết áp cao buộc trái tim của bạn phải làm việc vất vả hơn mới có thể bơm máu đến các cơ quan trên cơ thể. Điều này làm cho tâm thất trái dày lên và cứng lại (phì đại thất trái). Tình trạng này làm hạn chế khả năng bơm máu của tâm thất, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim và đột tử.
- Suy tim: Khi huyết áp cao kéo dài, trái tim của bạn sẽ dần mệt mỏi vì làm việc quá sức. Nó sẽ trở nên suy yếu và làm việc kém hiệu quả. Những cơn đau tim cũng sẽ thúc đẩy trái tim của bạn sớm bị suy yếu.
3. Gây tổn thương não bộ: Bạn có thể bị đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi một phần của não thiếu oxy và dưỡng chất dẫn đến cái chết của tế bào
Cũng giống như trái tim của bạn, bộ não cũng cần một nguồn máu và dưỡng chất để nuôi sống và giúp nó hoạt động tốt. Và huyết áp cao tiếp tục gây ra nhiều vấn đề:
- Thiếu máu não thoáng qua: Đôi khi nó được gọi là một "cơn đột quỵ mini". Thiếu máu thoáng qua là sự gián đoạn tạm thời của dòng máu cung cấp đến não của bạn. Nó thường là kết quả của xơ vữa động mạch hoặc sự hiện diện của một cục máu đông. Cả hai nguyên nhân này đều có thể phát sinh từ huyết áp cao. Một cơn thiếu máu thoáng qua là cảnh báo cho bạn về những cơn đột quỵ trong tương lai.
- Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi một phần của não thiếu oxy và dưỡng chất dẫn đến cái chết của tế bào. Nếu huyết áp cao không được kiểm soát, nó sẽ dẫn đến một cơn đột quỵ thông qua những thiệt hại mạch máu não như hẹp lòng mạch, rò rỉ hoặc vỡ mạch máu não. Huyết áp cao cũng có thể tạo ra những cục máu đông trong động mạch, ngăn chặn máu tới não và gây đột quỵ.
- Chứng mất trí nhớ: Mặc dù được gọi là chứng mất trí, căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến cả các vấn đề suy nghĩ, khả năng nói, thị giác và vận động. Có một số nguyên nhân của chứng mất trí. Hẹp và tắc nghẽn động mạch cung cấp máu tới não là một trong số đó. Đột quỵ cũng gây ra sự gián đoạn lưu lượng máu tới não và gây ra mất trí. Trong cả hai nguyên nhân này, huyết áp cao đều là một thủ phạm ẩn mình.
- Suy giảm nhận thức nhẹ: Đây là một giai đoạn chuyển tiếp giữa sự thay đổi trong nhận thức và trí nhớ gây ra bởi lão hóa và các vấn đề nghiêm trọng hơn gây ra bởi bệnh Alzheimer. Giống như mất trí nhớ, suy giảm nhận thức nhẹ có thể là kết quả của lưu lượng máu kém tới não khi mà huyết áp cao gây tổn hại cho động mạch.
4. Gây bệnh thận: Bạn có thể phải lọc máu bằng máy
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận
Thận là bộ phận lọc chất lỏng dư thừa và các chất thải ra khỏi máu của bạn. Cả quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào sự khỏe mạnh của mạch máu. Huyết áp cao có thể làm tổn thương cả các mạch máu dẫn đến thận, gây ra một số bệnh. Nếu kết hợp với tiểu đường, huyết áp cao còn có thể gây ra nhiều thiệt hại ở thận hơn nữa.
- Suy thận: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Lý do vì nó có thể làm hỏng cả động mạch lớn dẫn đến thận lẫn các mạch máu nhỏ trong thận. Những tổn thương sẽ khiến thận của bạn không thể làm việc hiệu quả để lọc chất thải khỏi máu. Suy thận cuối cùng sẽ dẫn đến việc bạn phải sử dụng máy lọc máu hoặc ghép thận.
- Xơ hóa tiểu cầu thận: Tiểu cầu thận là các cụm nhỏ mạch máu trong thận làm nhiệm vụ lọc chất thải ra khỏi máu. Khi các tiểu cầu thận bị tổn thương với những vết như sẹo, chúng sẽ khiến thận không thể lọc máu hiệu quả, cuối cùng dẫn trở lại bệnh suy thận.
- Phình động mạch thận: Như đã nói, huyết áp cao có thể dẫn đến phình động mạch ở bất cứ đâu trên cơ thể. Khi nó xảy ra, động mạch có thể bị vỡ và gây chảy máu trong, đe dọa tính mạng.
5. Tổn thương mắt: Bạn có thể mất hoàn toàn thị giác
Chảy máu trong mắt do các mạch máu bị tổn thương
Mắt của chúng ta chứa rất nhiều mạch máu nhỏ. Cũng giống như các mạch máu khác, chúng cũng có thể bị hư hại do huyết áp cao:
- Tổn thương mạch máu mắt (võng mạc): Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho võng mạc gây ra các bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể dẫn đến chảy máu trong mắt, suy giảm thị giác, nhìn mờ cho đến mất hoàn toàn thị lực. Nếu bạn mắc cả tiểu đường lẫn huyết áp cao, nguy cơ sẽ trở nên lớn hơn.
- Tích dịch lỏng dưới võng mạc: Khi một lớp mạch máu dưới võng mạc bị rò rỉ, chúng sẽ gây tình trạng tích tụ chất lỏng dưới võng mạc. Kết quả là tầm nhìn của bạn có thể bị méo mó. Kể cả khi được chữa trị, nó cũng có thể để lại sẹo làm suy yếu thị lực.
- Tổn thương thần kinh thị giác: Khi dòng máu bị chặn và không đến được các tế bào thần kinh thị giác, chúng sẽ chết. Bạn sẽ gặp các triệu chứng như chảy máu trong mắt cho tới mất thị giác.
6. Rối loạn chức năng tình dục
Ở cả nam giới và nữ giới, huyết áp cao có thể gây rối loạn chức năng tình dục
Rối loạn chức năng cương dương thông thường sẽ xảy ra ở nam giới khi họ đạt tới độ tuổi 50. Tuy nhiên, nếu có tiền sử cao huyết áp, dấu mốc này có thể được lùi lại. Qua thời gian, cao huyết áp sẽ gây tổn hại niêm mạc mạch máu, các chứng xơ cứng động mạch, hạn chế lưu lượng máu. Điều này có nghĩa là ngày càng ít máu chảy đến dương vật.
Đối với một số người đàn ông, lưu lượng máu giảm là cho họ khó khăn hơn để cương cứng và duy trì cương cứng. Chứng bệnh thường được gọi là rối loạn chức năng cương dương. Thực tế rằng vấn đề này xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những người không điều trị sớm tình trạng cao huyết áp của họ.
Thế còn đối với phụ nữ thì sao? Rối loạn chức năng tình dục cũng là một tác dụng phụ xảy ra của bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao làm giảm lưu lượng máu tới âm đạo, làm giảm ham muốn, gây kích thích, khô âm đạo hoặc khó đạt đến cực khoái.
Ở cả nam giới và nữ giới, rối loạn chức năng tình dục có thể gây ra vấn đề trong mối quan hệ và chứng lo âu, trầm cảm.
7. Những mối nguy hại khác gây ra bởi huyết áp cao
Huyết áp cao là một nguyên nhân dẫn đến ngưng thở khi ngủ.
Cao huyết áp cũng có thể ảnh hưởng tới những khu vực khác của cơ thể, dẫn đến tình trạng:
- Mất xương: Huyết áp cao có thể làm tăng lượng canxi đi ra ngoài qua nước tiếu. Loại bỏ canxi có thể dẫn đến mất xương, loãng xương. Ở mức độ nặng có thể làm xương dễ bị gãy.
- Vấn đề giấc ngủ: Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng các cơ cổ họng chèn ép đường thở, tạo tiếng ngáy, xảy ra ở một nửa số người mắc huyết áp cao. Huyết áp cao được cho là một nguyên nhân dẫn đến ngưng thở khi ngủ. Ngược lại thì ngưng thở khi ngủ cũng lại có thể làm tăng huyết áp. Nó giống như một nghịch lý vòng lặp.
8. Trường hợp huyết áp cao cần phải được cấp cứu
Huyết áp cao gây nhiều tình trạng cực kỳ nguy hiểm
Huyết áp cao thường là một tình trạng mãn tính, gây tổn thương dần dần trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, huyết áp tăng quá nhanh có thể phải được xem như một ca cấp cứu nội khoa cần được điều trị ngay lập tức, bệnh nhân phải nhập viện. Đó là những tình trạng cực kỳ nguy hiểm mà huyết áp cao có thể gây ra:
- Một cơn đột quỵ
- Đau tim
- Suy tim đột ngột, dẫn đến trào phổi, khó thở, phù phổi
- Vấn đề với não bộ, biểu hiện bằng việc mất trí nhớ, thay đổi tính cách, khó tập trung, khó chịu hoặc mất dần ý thức
- Động kinh ở phụ nữ mang thai, sản giật hoặc tiền sản giật
- Tổn thương nghiêm trọng ở động mạch chính cơ thể
- Suy thận cấp
Hầu hết các trường hợp huyết áp cao cần cấp cứu là nguyên nhân của việc kiểm soát huyết áp và điều trị huyết áp cao không tốt.
Tham khảo Webmd, Mayoclinic, CDC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"