Hyperloop One tiết lộ thông tin đầu tiên: tàu siêu tốc sẽ biến một chuyến bay 3,5 tiếng chỉ còn 28 phút

    Neo,  

    Tuy nhiên mức giá cho dự án này lên tới 21 tỷ USD.

    Rất nhiều câu hỏi xuất hiện xung quanh dự án tàu siêu tốc Hyperloop như: Chi phí xây dựng là bao nhiêu? Nó sẽ được xây dựng ở đâu? Nó sẽ di chuyển nhanh như thế nào? Nó có thực sự nhanh như thế không? Liệu cơ thể chúng ta có thể chịu được quá trình di chuyển ở tốc độ cao như thế không? Đâu là điểm khác biệt?...

    Hiện tại, Hyperloop One, một startup tại Los Angeles với sứ mệnh hiện thực hóa tàu siêu tốc di chuyển trong ống của Elon Musk đã có câu trả lời cho một số câu hỏi. Trong một nghiên cứu mới được công bố, Hyperloop One cho biết một tàu siêu tốc nối Stockholm, Thụy Điển tới Helsinki, Phần Lan có thể rút ngắn chuyến đi thường kéo dài 3,5 giờ bay xuống chỉ còn 28 phút. Và họ chỉ cần 21 tỷ USD để xây dựng tuyến đường đặc biệt này.

    Chi phí này bao gồm 3,3 tỷ USD dùng cho việc xây dựng đường hầm dưới biển dài nhất thế giới, qua quần đảo Åland, một chuỗi các hòn đảo ở Biển Baltic. Nhưng Hyperloop One cho biết tổng chi phí sẽ được bù đắp bằng hiệu suất và tốc độ mà hệ thống di chuyển siêu nhanh này mang lại. Các ngôi nhà xây dựng gần Hyperloop sẽ có giá trị hơn, các lô hàng sẽ tới nhanh hơn và công nhân di chuyển giữa các thành phố nhanh chóng hơn nên thời gian làm việc sẽ nhiều hơn.

    Nghiên cứu của Hyperloop One tuyên bố rằng tuyến Hyperloop Bắc Âu này sẽ tạo ra lợi nhuận sau 10 năm nhờ những lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi hóc búa đó là ai sẽ chi tiền cho dự án này? Hyperloop One hình dụng ra một sự kết hợp giữa các quỹ đầu tư công và tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân có thể được hưởng một số quyền lợi từ giá trị thặng dư của dự án. Đây là một phương thức mà các chính phủ trên thế giới đang áp dụng cho các dự án vận chuyển.

    Không chỉ có vậy, Hyperloop One còn dự tính sẽ tạo ra khoảng 969 triệu tới 1,1 tỷ USD tiền bán vé hàng năm nếu số hành khách đạt mức 42,7 triệu.

    Chi phí xây có thể đắt nhưng Hyperloop One cam kết rằng nó rẻ hơn so với giá tàu đường sắt cao tốc. "Chúng tôi cho rằng chi phí xây dựng hệ thống Hyperloop có thể chỉ bằng 50 tới 60% chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao bởi công nghệ Hyperloop xâm lấn ít công trình dân dụng hơn, hệ thống ít cần bảo trì hơn và động cơ đẩy chạy điện của nó cần ít ray hơn so với đường sắt tốc độ cao", Hyperloop One tuyên bố.

    Tuyến Hyperloop nối Phần Lan và Thụy Điển cần 12 năm để hoàn thiện và nó bao gồm cả đường ống trên mặt đất lẫn dưới Biển Baltic.

    Nghiên cứu ban đầu này được FS Links Ab thực hiện và công ty này sẽ bắt đầu tiến hành một nghiên cứu trên phạm vi đầy đủ để trình cho các bên có liên quan. Đây là một động thái cần thiết để có thể huy động vốn và bắt đầu xây dựng các phân đoạn thử nghiệm. Hồi đầu năm nay, Hyperloop One đã tiến hành thử nghiệm công khai đầu tiên. Cuối năm 2016, công ty sẽ xây dựng một hệ thống thử nghiệm đầy đủ với một đường ống cho tàu dy chuyển với tốc độ lên tới 965 km/h.

    Với câu hỏi Hyperloop sẽ được xây dựng ở đâu đầu tiên thì câu trả lời là ở một nơi nào đó bên ngoài nước Mỹ. Ngoài khu vực Baltic, Hyperloop One cũng đang tìm kiếm cơ hội ở Moscow và Thụy Sĩ. Đối thủ của họ, Hyperloop Transportation Technologies, cũng đã ký một thỏa thuận với chính phủ Slovakia để xây dựng một tuyến Hyperloop tại đó.

    Theo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ