Iceland đang nghiên cứu dự án biến nham thạch núi lửa thành nguồn năng lượng khổng lồ

    Dink,  

    Có sẵn và có rất nhiều thì tội gì mà không lợi dụng nhỉ?

    Iceland, đất nước băng giá nhưng đầy sức nóng bỏng, theo đúng nghĩa đen. Nơi đây có cho mình một tính chất địa lý rất đặc biệt: Iceland nằm giáp vòng Cực Bắc nên có khí hậu rất lạnh giá nhưng đất nước này lại nằm trên vành đai núi lửa Đại Tây Dương, nên có rất nhiều núi lửa, suối nước nóng và nguồn địa nhiệt khổng lồ.

    Nhưng những con người Iceland đang biến những đặc điểm không giống ai đó thành một nguồn năng lượng tương lai đầy tiềm năng. Một đội ngũ các nhà nghiên cứu dũng cảm đang tìm hiểu cách biến magma thành một nguồn năng lượng địa nhiệt khổng lồ.

    Những nghiên cứu ấy thuộc Dự án Khoan sâu Iceland (IDDP), hiện tại họ đang cố gắng lấy được năng lượng từ magma tồn tại bên dưới một dòng nham thạch tại Reykjanes. Và nếu họ thành công, kết quả của nghiên cứu này hoàn toàn có thể “dẫn tới một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp địa nhiệt ở rất nhiều nơi trên thế giới”, trích lời Wilfred Elders, một giáo sư địa chất tại Đại học California cũng thuộc nhóm nghiên cứu nói trên.

    Iceland đang nghiên cứu dự án biến nham thạch núi lửa thành nguồn năng lượng khổng lồ - Ảnh 1.

    Dàn khoan Thor.

    Để có thể với tới được magma sâu bên dưới lòng đất, một dàn khoan (có cái tên cực kì đặc biệt, Thor) được sử dụng để xuyên phá mảng kiến tạo lớn, nằm trong khu vực mang tên Dải đất Trung Atlantic.

    Đa số diện tích Dải đất này nằm dưới nước, nhưng một phần lớn chúng, gồm có cả Dải Reykjanes đang được nghiên cứu, trải ngang qua địa phận của Iceland và nằm trên mực nước biển. Dàn khoan này sẽ phải xuyên qua lớp địa chất dày gần 5 km và chịu một sức nóng có thể lên tới hơn 480 độ C.

    Khoan một lỗ xuống một dòng chảy magma, nghe chừng như các nhà khoa học đang tạo ra một núi lửa nhân tạo và có vẻ nguy hiểm. Nhưng chúng ta nên đặt niềm tin vào các nhà nghiên cứu, bởi lẽ đây là lần thứ hai họ thử nghiệm phương pháp này để nghiên cứu nguồn năng lượng địa nhiệt rồi.

    Năm 2009, một dàn khoan cũng thuộc dự án IDDP này được đặt tại Krafla, phía Bắc đất nước Iceland đã khoan được một hồ chứa magma cách mặt đất chỉ 1,6 km. Ngay lập tức họ đã bắt tay với Công ty Năng lượng Quốc gia Iceland, tiến hành lắp đặt hệ thống khai thác địa nhiệt. Thành công của hệ thống này đã đem lại một dòng magma cung cấp hơi áp suất cao cực nóng, lên tới 427 độ C. Thời điểm ấy, con số ấy đã đạt mức địa nhiệt kỷ lục.

    Iceland đang nghiên cứu dự án biến nham thạch núi lửa thành nguồn năng lượng khổng lồ - Ảnh 2.

    Nhà máy năng lượng địa nhiệt tại Krafla.

    Đáng buồn là năng lượng tạo được từ hồ magma Krafla này không được đưa vào lưới điện quốc gia, và dự án bị đình trệ năm 2012 do một van hơi cực kì quan trọng bị hỏng đột ngột.

    Bên cạnh đó, một vài chuyên gia cũng lên tiếng không ủng hộ việc nghiên cứu và khai thác này. Họ cho rằng khoan thủng một lỗ trên hồ magma như vậy sẽ khiến áp suất hồ không ổn định, thậm chí sẽ gây thảm họa cho con người.

    Họ nói vậy không phải là không có căn cứ. Năm 2006, một dự án khoan địa nhiệt tại Basel, Thụy Sỹ đã với quá sâu, tạo nên một cơn động đất 3,4 độ richter. Cùng năm ấy, tại Đông Java, Indonesia, một dự án nghiên cứu khí gas đã bị “buộc tội” là nguyên nhân gây ra thảm họa phun trào núi lửa. Tro bụi đã khiến 30.000 người mất nhà cửa.

    Iceland đang nghiên cứu dự án biến nham thạch núi lửa thành nguồn năng lượng khổng lồ - Ảnh 3.

    Dải đất Reykjanes, Iceland.

    Những hố magma như vậy rất nhạy cảm khi diễn ra sự tăng áp suất, thậm chí magma còn có thể phun trào lên mặt đất. Mặc dù vậy, sẽ không có vụ phun trào lớn nào diễn ra”, theo lời giáo sư địa chất Gillian Foulger, giải thích về việc không có tác động địa chất lớn thì sẽ không có vụ phun trào lớn, việc tiến hành khoan để nghiên cứu là an toàn. Giáo sư Foulger đã phát biểu như vậy tại một hội nghị nghiên cứu năm 2014.

    Mặc dù vậy, chỉ với một thí nghiệm từng được thực hiện trước đây, ta vẫn không đảm bảo được tính an toàn của những dàn khoan khi tiến hành nghiên cứu tại những nơi gần khu vực dân cư”, giáo sư bổ sung.

    Hiện tại, có những nguồn năng lượng địa nhiệt khác cũng đang được khai thác, Mạch Nước Phun tại California là một nơi như vậy. Hệ thống tại đó hoạt động bằng phương pháp đưa nước lạnh tiếp xúc với đá cực nóng và khô, từ đó sẽ tạo nên hơi nước và họ sẽ biến đổi chỗ hơi ấy thành năng lượng. Nhưng với năng lượng magma, IDDP mong muốn rằng họ sẽ tìm ra một loại “siêu nước” khác, một nguồn năng lượng là thứ chất lỏng “đặc như dung dịch nhưng lại dễ chảy dễ trôi như khí gas”.

    Hiện tại, xấp xỉ 71% lượng năng lượng hàng năm của Iceland đến từ năng lượng thủy điện, 29% còn lại là từ địa nhiệt. Tại thủ đô Reykjavik, gần như toàn bộ các hộ dân đều sử dụng hệ thống sưởi ấm từ nguồn năng lượng địa nhiệt.

    Nếu như có thể lợi dụng được cấu trúc địa lý đặc trưng nơi đây, Iceland sẽ có cho mình một nguồn năng lượng địa nhiệt khổng lồ để mà khai thác.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ