[Infographic] Đây là kịch bản mà Covid-19 có thể kết thúc nhanh nhất với tỷ lệ tử vong thấp nhất
Muốn vậy, chúng ta phải cách ly hiệu quả và triệt để những người nghi nhiễm bệnh.
Khi các chính phủ và cơ quan y tế trên toàn thế giới đang làm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, một số nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu để xây dựng một kịch bản chấm dứt của dịch bệnh.
Dựa vào số ca nhiễm mới mỗi ngày, số ca tử vong và sự hiệu quả của các biện pháp như cách ly kiểm dịch, họ có thể xây dựng một mô hình trên máy tính để nhìn thấy trước tương lai của dịch bệnh, cách nó phát triển, suy yếu và đi đến kết thúc.
Một trong số các kịch bản đó cho thấy số lượng các ca nhiễm bệnh có thể đạt đỉnh trong vòng tháng này. Bài viết dưới đây sẽ trình bày một mô hình đơn giản hóa, dự đoán cách mà dịch Covid-19 có thể kết thúc nhanh nhất với tỷ lệ tử vong thấp nhất.
Nhưng để hiểu được các mô hình này, trước khi xem bạn cần biết những số thông số cơ bản của nó.
Các mô phỏng dưới đây đều được thực hiện trong một quần thể dân số 4.000 người. Những người nhiễm bệnh được mô phỏng bằng dấu chấm đỏ. Những người tử vong được thể hiện bằng dấu chấm đen. Và những người được chữa khỏi sẽ là dấu chấm xanh.
Bạn có thể theo dõi quá trình diễn biến và lây lan của bệnh theo ngày hiện thị. Trong đó, có hai thông số mà bạn cần để ý.
Đó là hệ số lây truyền cơ bản (R0) – hiểu một cách đơn giản đó là số người trung bình sẽ lây bệnh từ một người nhiễm duy nhất trước đó. Với dịch Covid-19, các nhà khoa học cho biết R0 của nó là 2,3. Điều đó có nghĩa là trung bình một người nhiễm bệnh sẽ lây cho 2,3 người khác.
Ngoài R0 là con số trung bình cố định, tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh còn được biểu thị qua Re – là hệ số lây truyền hiệu quả, cũng tính bằng trung bình số người nhiễm bệnh từ một người mới, nhưng chỉ tại một thời điểm nhất định trong dịch.
Có thể hiểu rằng, Re là biến thiên của R0 và nó luôn thay đổi cho tới khi nhỏ hơn 1 - điều đó có nghĩa là một người mắc bệnh nhiều khả năng sẽ không lây cho ai được nữa, dịch bệnh khi đó sẽ chấm dứt.
*Cập nhật những tin tức mới nhất về dịch Covid-19 trên thế giới tại đây.
Và trong khi xem, bạn có thể sẽ hỏi tại sao có những lỗ hổng màu trắng trong mô hình này, đó là tượng trưng cho một bộ phận dân số may mắn không hề bị nhiễm bệnh từ ai. Có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra, nhưng về cơ bản là họ không tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.
Một số người như bác sĩ hoặc y tá có thể tiếp xúc với hàng trăm người bệnh một ngày trong dịch bệnh. Một số người có nguy cơ lớn khi tiếp xúc nhiều người khác là tiếp viên, lễ tân hoặc người thu ngân. Nhưng trong dân số cũng có những người đơn giản ít tiếp xúc, họ chỉ ở nhà và không đi đâu cả cho đến khi dịch bệnh kết thúc, và bởi vậy, họ sẽ được bảo vệ.
Mô phỏng dịch Covid-19
Bây giờ, hãy bắt đầu với mô phỏng kịch bản một quần thể 4.000 người dân trong dịch Covid-19. Hệ số lây truyền cơ bản là 2,3 và toàn bộ dân số này rất nhạy cảm. Họ không được bảo vệ bằng bất kỳ biện pháp nào bao gồm cách ly những người nghi nhiễm, rửa tay, đeo khẩu trang hay tiêm vắc-xin:
Bạn có thể thấy, trong kịch bản này, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng, nó đạt đỉnh sau khoảng 2 tháng, ở ngày thứ 70 với hơn 1.000 người nhiễm bệnh. Nhưng cũng ở đỉnh dịch đó, hệ số lây truyền hiệu quả Re đã giảm từ 2,3 xuống còn 1,1.
Sau đó, nó tiếp tục giảm xuống 0,5 vào ngày thứ 77, kết quả là lúc số ca nhiễm đã giảm xuống chỉ còn một phần ba. Dịch bệnh kết thúc ở ngày thứ 84 khi không còn ai lây nhiễm cho người khác, Re lúc này là 0,3.
Nhưng đó không phải là vì chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh, mà là vì gần như tất cả mọi người đã nhiễm virus. Một tỷ lệ 2,25% dân số đã tử vong và tất cả những người nhiễm bệnh khác đã được chữa khỏi tạo ra miễn dịch cộng đồng bảo vệ một lượng nhỏ dân số khác an toàn.
Điều đáng nói là ở chỗ, kịch bản này được áp dụng cho một quần thể kín với 4.000 người. Nếu những người này không được cách ly, một người nhiễm bệnh trong số họ có thể đi tới nơi khác và tạo ra một mô hình lây nhiễm tương tự ở quần thể mới.
Dịch bệnh khi đó sẽ chỉ kết thúc khi gần như tất cả mọi người ở mọi quần thể đã bị nhiễm bệnh, hoặc họ sẽ chết hoặc sẽ được chữa khỏi để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tổng con số tử vong khi đó sẽ rất lớn.
So sánh với một dịch bệnh bùng phát cao...
David Fisman, một nhà dịch tễ học và bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Toronto cho biết: "Chỉ số R0 càng cao, một dịch bệnh sẽ càng bùng phát nhanh chóng". Cùng với một đồng nghiệp của mình Ashleigh R. Tuite, Fisman đã xây dựng một mô hình tính toán hệ số R0 cho dịch Covid-19.
Tuy nhiên R0 của dịch bệnh này thực sự còn rất thấp để gây ra một đợt bùng phát cao. Muốn biết một dịch bệnh bùng phát cao sẽ diễn ra như thế nào, bạn phải so sánh nó với sởi, với hệ số R0 có thể lên tới 18. Nghĩa là một người mắc sởi sẽ lây trung bình cho 18 người khác. Hãy xem điều gì đã xảy ra khi đó:
Để có thể ngăn chặn được những dịch bệnh bùng phát cao như thế này, con người cần đến một thứ vũ khí mạnh mẽ: vắc-xin. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tiêm vắc-xin là một biện pháp phòng ngừa dịch sởi hiệu quả. Tuy nhiên, các phong trào chống vắc-xin trong những năm gần đây đã khiến số lượng trẻ được tiêm phòng sởi giảm xuống. Năm 2018, chỉ có 86% trẻ em dưới 2 tuổi trên toàn thế giới được tiêm vắc-xin phòng sởi.
Và dịch sởi khi đó đã tấn công lại Châu Âu và Mỹ, nơi sởi từng là căn bệnh gần được xóa sổ hoàn toàn. Kịch bản mà bạn vừa xem trên đây là quần thể 4.000 dân số không được tiêm phòng sởi. Chỉ mất 48 ngày để nó lây nhiễm cho toàn bộ và giết chết 47 người.
... và một bệnh ít truyền nhiễm nhưng có tỷ lệ tử vong cao
Có một sự thật rằng, có những căn bệnh có hệ số lây truyền cơ bản R0 thấp, nhưng tỷ lệ tử vong của nó lại cao. Đó là những căn bệnh nguy hiểm từng gây ra đại dịch toàn cầu như Ebola.
Trong đợt bùng phát năm 2015, hệ số lây truyền của Ebola chỉ nhỏ hơn 2, vì bệnh truyền qua đường máu sẽ khó khăn hơn lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, Ebola có thể giết chết tới một nửa số người nhiễm phải nó, tỷ lệ tử vong lúc này cao hơn rất nhiều so với Covid-19 hay sởi.
Mô phỏng này cho thấy một quần thể 4.000 người cũng không được bảo vệ bằng bất kỳ biện pháp nào. Dịch bệnh cũng sẽ kết thúc chỉ khi nó lây nhiễm gần như tất cả mọi người, nhưng bởi R0 thấp hơn, nó sẽ mất thời gian lâu hơn. Phải tới ngày thứ 224 dịch bệnh mới kết thúc, khi Re giảm xuống mức 0,4.
Làm chậm sự lây lan bằng các biện pháp bảo vệ bản thân
Trở lại với dịch Covid-19, kịch bản dưới đây cũng là mô phỏng một quần thế 4.000 người. Tuy nhiên, một phần ba trong số họ đã thực hành các biện pháp bảo vệ bản thân (được mô phỏng bằng chấm màu vàng) như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người nghi nhiễm bệnh.
Kết quả là sự lây lan của Covid-19 đã chậm lại. Mặc dù số người nhiễm bệnh vẫn cao, nhưng chúng ta đã có thêm thời gian để chuẩn bị và đối phó với nó. Số người tử vong vì vậy giảm xuống chỉ còn một nửa, 50 người tương ứng với 1,25%.
Kịch bản tốt nhất: Kiểm dịch và cách ly hiệu quả
Đây chính xác là những gì mà Trung Quốc và toàn thế giới đang cố gắng thực hiện. Kịch bản này là những gì chúng ta đang hướng tới. Những người nhiễm bệnh và nghi nhiễm được cách ly một cách hiệu quả và triệt để, những thành phố tâm dịch được phong tỏa để không làm lây lan bệnh ra ngoài.
Mặc dù hệ số R0 trong quần thể vẫn là 2,4, nhưng nhờ vào biện pháp cách ly kiểm dịch, chúng ta đã có thể ngăn chặn sự lây lan của nó. Lúc này, dịch bệnh có thể được nhanh chóng dập tắt, sau khi số ít trường hợp đầu tiên được phát hiện và chữa khỏi.
Nhưng phong tỏa và cách ly kiểm dịch phải được thực hiện từ đầu tới cuối, cho đến khi không còn bất kỳ ai trong vòng tròn này có thể phát bệnh hay tái phát để lây nhiễm cho quần thể bên ngoài được nữa.
Thực ra mà nói, khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán Trung Quốc, việc cách ly và phong tỏa đã được thực hiện quá muộn, tạo cơ hội cho Covid-19 lan ra nhiều nơi khác.
Nhưng chúng ta có thể hi vọng rằng, với những sự chuản bị tốt nhất và sự cảnh giác cao độ, từ giờ trở đi, các điểm nóng mới có thể cách ly những người nghi nhiễm hiệu quả theo kịch bản này. Nếu vậy, chúng ta vẫn có khả năng cao sẽ chiến thắng Covid-19.
Tham khảo Washingtonpost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"