Buổi họp tài chính hồi tuần trước của Intel dường như
không chỉ nói về ARM. Theo ghi nhận từ
X-bit Labs, CEO của Intel còn đồng thời mô tả về hoạch định tương lai của hãng này. Paul Otellini cho hay hãng này đang có một kế hoạch nghiên cứu khá dài hơi:
"Việc nghiên cứu & phát triển (R&D) của chúng tôi sẽ rất lâu dài. Tôi muốn nói tới chừng 10 năm".
Như bạn thấy trong slide, nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất thế giới hiện đang trong giai đoạn sản xuất các mẩu silicon 22nm. Hãng này đang tích cực phát triển quy mô cho node 14nm để có thể đi vào sản xuất đại trà trong năm sau. Node 10nm hiện đang được nghiên cứu (chưa ra được sản phẩm mẫu) và dự kiến đến 2015 hoặc muộn hơn mới tiến lên sản xuất. Các node bé hơn, chưa có mốc thời gian cụ thể...
Nếu "nhắc lại"
"tầm nhìn 2008" của Intel, bạn sẽ thấy có nhiều thay đổi. Node 16nm biến mất và thay bằng 14nm. Còn node 11nm chuyển thành 10nm. 8nm chuyển thành 7nm còn 6nm "hạ xuống" 5nm. Dường như việc nghiên cứu bán dẫn đang ngày một khó khăn hơn để dự đoán. Song căn bản có thể thấy "lộ trình 10 năm" vẫn được giữ nguyên.
Cho dù R&D các node bán dẫn mới ngày một phức tạp, song đây là lợi thế giúp Intel dẫn đầu trong giới công nghiệp điện tử. Việc sớm ra mắt được các con chip mới dựa trên các transistor bé hơn cho phép Intel có được khoảng cách đáng kể với các đối thủ. Hãng này thậm chí còn "nhăm nhe" đến khả năng sẽ tấn công vào mảng di động mà cụ thể là "giật" hợp đồng
cung cấp chip xử lý cho Apple.
Châm ngôn hãng này đưa ra rất đơn giản: số lượng, số lượng và số lượng. Ngoài sự tiên tiến do có được các node bán dẫn mới, Intel còn có lượng fab sản xuất chip khổng lồ lớn hơn bất kỳ đối tác ARM nào. Intel tự tin rằng với năng lực của mình, các hãng như Apple sẽ quay sang dùng chip Atom x86. Otellini nói tiếp: "Quá trình phát minh sẽ tiếp tục. Chúng tôi vẫn tiếp tục mang lại lợi ích cho (các cổ đông và) đối tác của mình dựa trên các tiến trình công nghệ silicon".
Nhưng ở đâu đó vẫn trực chờ câu hỏi: "mất bao lâu để vượt mốc 10nm?" ...
Tham khảo X-bit Labs.