Intel "khè" Microsoft, cảnh cáo về vấn đề bản quyền trên các công nghệ giả lập x86
Dù không nói ra nhưng khả năng lớn thứ Intel đang nói đến là Windows 10 chạy trên ARM.
39 năm sau ngày vi xử lý 8086 ra mắt thị trường lần đầu tiên vào 8/6/1978, trong ngày sinh nhật mới của kiến trúc x86, Intel đã có một động thái không được vui vẻ lắm khi “nhắc nhở” các công ty đang nghiên cứu công nghệ giả lập x86.
Trong blog của mình, Intel đã “trải lòng” khi nói về những khoản đầu tư lớn để mở rộng và cải tiến tập lệnh x86 với các tính năng như SSE, AVX, TSX hay SGX, những thứ đã nâng tầm tập lệnh cũ kĩ này thành một thứ vượt trội và hướng về phía trước. Tuy nhiên, phần còn lại của blog lại có ý cảnh cáo rằng rất nhiều các công nghệ này đã được đăng kí bản quyền và Intel cũng có truyền thống sử dụng bằng sáng chế để bảo vệ công nghệ x86 của mình. AMD, Cyrix, VIA và Transmeta là một trong nhiều cái tên là nạn nhân của Intel.
Thực tế, bài blog này của Intel không hề chỉ mặt điểm tên nhưng giới phân tích đều có thể dễ dàng nhận ra là người khổng lồ xanh đang ám chỉ Microsoft cũng như Qualcomm. Từ giờ đến cuối năm, các công ty như ASUS, HP hay Lenovo cũng sẽ trình làng laptop Windows chạy chip Qualcomm Snapdragon 835. Microsoft trước đây cũng đã từng thử nghiệm Windows với chip ARM trên Windows RT vào năm 2012 nhưng thất bại thảm hại bởi những chiếc Surface khi đó chẳng chạy nổi một ứng dụng x86 nào. Giờ đây, mọi chuyện đã khác bởi Windows 10 cho máy tính chạy chip ARM sẽ được tích hợp giả lập x86 phần mềm để chạy các ứng dụng x86 32-bit.
Khả năng tương thích này của các máy tính ARM bỗng dưng trở thành một mối đe dọa cho Intel. Khi WinARM có thể chạy các ứng dụng Wintel với mức giá rẻ hơn, thời lượng pin tốt hơn, nhẹ hơn hoặc tương đương thì vị trí bá chủ thị trường laptop của Intel sẽ bị lung lay dữ dội. Với ẩn ý trong bài blog, Intel sẽ không chỉ khẳng định ngôi vị của mình bằng công nghệ mà còn dùng cả đến luật pháp.
Hiện giả lập x86 trên Windows 10 vẫn còn là một ẩn số khiến bộ phận pháp chế của Intel chưa thể thực sự vào cuộc. Thực tế, tập lệnh x86 32-bit gốc đã hơn 30 tuổi nên không thể sử dụng để tranh chấp bản quyền. Trong khi đó, giả lập của Microsoft cũng có thể né các tập lệnh mở rộng như TSX, SGX và MPE bởi các phần mềm sử dụng chúng khá hiêm gặp. Tính năng ảo hóa VT-x cũng có thể được bỏ qua bởi cấc ứng dụng Windows cũng không sử dụng tập lệnh này.
Các tập lệnh mở rộng còn có giá trị tranh tụng sẽ được Intel tận dụng hết mức có thể. Đây sẽ là các tập lệnh dạng SIMD (đơn lệnh, đa dữ liệu) được sử dụng nhiều trong việc xử lý số liệu, hình ảnh và video, gaming cũng như các lĩnh vực khác. Tập lệnh mới nhất, AVX, lại được coi là quá mới khiến các lập trình viên còn dè dặt trong việc ứng dụng. Bởi vậy, họ sẽ sử dụng cả AVX lẫn các tập lệnh không phải AVX tương đương để khi hệ thống không hỗ trợ AVX, ứng dụng của họ vẫn có thể sử dụng các tập lệnh cũ, tuy không nhanh bằng nhưng vẫn đủ ổn định để hoạt động.
Một hệ tập lệnh khác cần chú ý là SSE. Trong khi các lập trình viên có thể lựa chọn sử dụng AVX hoặc không, câu chuyện của SSE là hoàn toàn khác. AMD đã biến SSE2 trở thành một phần bắt buộc trong các tập lệnh 64-bit AMD64 của họ. Như vậy, các vi xử lý được bán ra trong hơn một thập kỷ vừa qua đều sẽ hỗ trợ SSE2, dẫn đến việc các nhà phát triển sẽ không có nhu cầu tích hợp cả phương án 2 cho các ứng dụng SSE2 như với AVX. Nếu không có SSE2 thì các phần mềm sử dụng tập lệnh này sẽ đơn giản là không chạy.
Không những thế, toàn bộ các tập lệnh mở rộng thuộc hệ SSE cũng còn khá mới, xuất hiện sớm nhất từ 1999 nên các bản quyền chắc chắn đều còn hiệu lực. Nếu Intel nắm được các bản quyền của các tập lệnh này, Microsoft sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng bộ giả lập x86 với mức tương thích tạm ổn.
Dù gì đi nữa, blog này của Intel vẫn chỉ được nhận định là đòn gió bởi chỉ đến khi phần mềm giả lập của Microsoft được phát hành, sẽ khó để biết nó sẽ tích hợp những gì. Bản quyền của các tập lệnh x86 là điều ai cũng biết nên chắc chắn Microsoft phải nắm rõ được những khó khăn mà họ gặp phải khi xây dựng phần mềm giả lập. Việc kinh doanh của Intel phụ thuộc khá nhiều vào Microsoft nên đôi khi Intel sẽ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” thay vì đưa khách hàng của mình ra tòa.
Tham khảo ArsTechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4