Để được triển khai tại Việt Nam, Starlink phải có thoả thuận thương mại hoặc thành lập liên doanh với doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh.
Những ngày gần đây, thông tin việc dự án phủ sóng Internet bằng vệ tinh Starlink do công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk thông báo cho người dùng tại Việt Nam thực hiện đăng ký, đặt cọc giữ chỗ với mục tiêu “phủ sóng ở Việt Nam từ 2022” đang được rất nhiều bạn đọc quan tâm.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Cục Viễn thông cho biết, Starlink hiện chưa có đề xuất, kiến nghị cụ thể nào về việc xin cấp phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ truy nhập Internet - một loại hình dịch vụ viễn thông - là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink hiện có thể sử dụng tại 15 quốc gia trên thế giới. |
Cục Viễn thông hiện đang thu thập thông tin và phối hợp với các đơn vị chức năng để sớm làm việc với Starlink nhằm kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật nếu tiến hành cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. |
Các thông tin được công bố trên website chỉ thể hiện quan điểm, dự kiến kế hoạch kinh doanh của Starlink nhằm thực hiện mục đích quảng cáo, marketing cho hoạt động, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.
Điều này cũng tương tự việc một số doanh nghiệp thực hiện thăm dò, kích thích nhu cầu khách hàng bằng cách cho phép “đặt hàng sớm” trước khi sản phẩm, dịch vụ có mặt trên thị trường.
Thực tế cho thấy, phía Starlink cũng đã cam kết trả lại cọc cho người đặt hàng nếu họ có nhu cầu. Do vậy, các thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không có ý nghĩa pháp lý. Thông tin này cũng không khẳng định chắc chắn rằng Starlink có thể chính thức cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tại thị trường Việt Nam, Cục Viễn thông cho biết.
Trên website của mình, Starlink hiện mới chỉ công bố 15 quốc gia mà doanh nghiệp này sẽ cung cấp dịch vụ. Đây có thể là những quốc gia Starlink đã đạt được thoả thuận với cơ quan quản lý nước sở tại về việc cho phép Starlink cung cấp loại dịch vụ này trên lãnh thổ.
Các quốc gia này bao gồm Úc, Canada, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Hy Lạp, Ý, Ailen, Hà Lan, New Zealand, Phần Lan, Bồ Đào Nha và Mỹ.
Việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam. |
Ở thời điểm hiện tại, Starlink chưa có thoả thuận cho phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Do vậy, Cục Viễn thông khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần tự đánh giá rủi ro có thể gặp phải và thận trọng trước khi quyết định, thực hiện việc đăng ký, đặt cọc với dịch vụ mới này. |
Người dân không nên chỉ tin tưởng, căn cứ hoàn toàn vào các thông tin quảng cáo, thăm dò thị trường do doanh nghiệp cung cấp trên website khi đăng ký dịch vụ.
Dịch vụ truy nhập Internet qua vệ tinh là hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp nước ngoài cho khách hàng sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định, việc cung cấp dịch vụ này sẽ chịu điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông) và cam kết quốc tế (WTO, CPTPP, …).
Theo Cục Viễn thông, để được triển khai tại Việt Nam, dự án Starlink cần đáp ứng các điều kiện cần thiết. Về cơ bản, Starlink phải có thoả thuận thương mại với doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh.
Bên cạnh đó, Starlink cũng có thể thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam (với tỷ lệ tuân thủ quy định của cam kết quốc tế, pháp luật về đầu tư) để đề nghị cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Nếu có nhu cầu triển khai cung cấp dịch vụ chính thức tại Việt Nam, Starlink phải thực hiện các thủ tục cần thiết về mặt pháp lý theo quy định của cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, doanh nghiệp này phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực như đảm bảo an toàn an ninh thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tần số, kiểm soát chất lượng thiết bị đầu cuối truy nhập, chất lượng dịch vụ...
Là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành viễn thông, Cục Viễn thông luôn sẵn sàng làm việc và lắng nghe nhu cầu từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc triển khai các dịch vụ mới. Điều này nhằm đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh của Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hơn hết là bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông Việt Nam.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời