Hầu hết các chuyên viên thiết kế đều phải chịu áp lực vô cùng lớn trong dự án lần này, đến nỗi không ít người trong số họ luôn phải đối mặt với cảm giác “sợ gần chết” khi làm việc.
Trong suốt 8 năm qua, Apple vẫn luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “đơn giản và hoàn hảo hóa” mọi sản phẩm. Cho dù hầu như chưa bao giờ là người đầu tiên khởi tạo xu hướng, Apple vẫn luôn là kẻ đi sau có thành phẩm hoàn hảo nhất. Và tính năng 3D Touch trên sản phẩm iPhone 6S mới nhất của hãng cũng không nằm ngoài quy luật này. Theo như lời của Giám đốc bộ phận thiết kế Jony Ive, “3D Touch chính là thứ khiến chúng tôi dốc sức chế tạo trong hàng năm trời”.
Nhiều năm trước, đội ngũ thiết kế và kỹ thuật của Apple đã nhận thấy rằng, những sản phẩm smartphone hiện thời khiến người dùng mất quá nhiều thời gian vào việc bấm phím home để di chuyển qua lại giữa các ứng dụng có trong máy. Và Apple muốn cải thiện triệt để điều này nhằm rút ngắn tối đa khoảng cách giữa điện thoại và người sử dụng. Theo Phó chủ tịch nhóm thiết kế phần mềm Alan Dye, “Chúng tôi luôn mong muốn khách hàng lựa chọn sản phẩm của chúng tôi một cách tất yếu”.
Tính năng 3D Touch chính là bước đi đột phá mới nhất của iPhone thế hệ mới.
Từ mẫu iPhone đầu tiên có 4 góc bo tròn, Apple luôn muốn khách hàng của mình thấy được từng sự nỗ lực không ngừng sau từng lần ra mắt. Theo ông Phillip Schiller, Phó Chủ tịch cấp cao mảng tiếp thị sản phẩm toàn cầu của Apple, “Mọi công đoạn kỹ thuật nhằm chế tạo phần cứng đều vô cùng phức tạp. Và nếu thành phẩm là một thứ không ai muốn sử dụng, chúng tôi sẽ lãng phí 1 đến 2 năm làm việc, chưa kể hàng đống tiền đầu tư đổ vào cũng như lãng phí chất xám của các kỹ sư”. Ông Schiller tin rằng 3D Touch sẽ là một bước đột phá của Apple. Mặc dù vậy, đội ngũ thiết kế của Apple lại không quá lạc quan khi Jony Ive tỏ ra khá thận trọng: “Trong một bộ máy luôn đề cao tính toàn mỹ của sản phẩm như Apple, rất khó để xác định khối lượng công việc của những người thiết kế. Thậm chí, chúng tôi phải dốc sức làm việc trong một thời gian dài dù không biết thành quả này có khiến sản phẩm hiệu quả hơn hay không”.
Như thông lệ, các dự án thiết kế lớn nhỏ của Apple đều bắt đầu và kết thúc không hề theo kế hoạch. Cùng với đó là hàng tá các dự án không tên đi kèm, đến nỗi tốn công hàng tháng trời cho một nước cờ sai lầm cũng không phải chuyện hiếm gặp. Thế nhưng, không một ai nghĩ về việc trang bị tính năng 3D Touch cho chiếc iPhone. Họ chỉ liên tục trăn trở: Thay vì phải trở về màn hình chủ để tiếp tục di chuyển sang ứng dụng khác, liệu rằng còn cách nào tối ưu hơn? Liệu rằng một shortcut xuất hiện sau khi nhấn 1 lần duy nhất lên màn hình sẽ giải quyết được vấn đề đó? Nếu chỉ dựa trên lực bấm của ngón tay lên màn hình, liệu rằng chiếc iPhone sẽ đủ thông minh để hiểu được và đáp ứng chính xác yêu cầu của người dùng?
Với 3D Touch, chiếc iPhone 6S/6S Plus sẽ có khả năng đáp ứng chính xác yêu cầu của người dùng.
Ai cũng có thể nhận ra Apple là công ty rất coi trọng khâu thiết kế trong mọi sản phẩm. Tuy nhiên, không mấy người biết được sự thật rằng, bộ phận thiết kế chính là kẻ sở hữu quyền năng “hô mưa gọi gió” trong nội bộ Apple. Theo Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật phần mềm Craig Federighi, thường thì bộ phận thiết kế sẽ đề xuất mọi thứ họ muốn, sau đó đội ngũ kỹ thuật sẽ cân nhắc và bắt tay vào chế tạo những chi tiết khả thi nhất trong bản thiết kế. Ông tiết lộ: “Mỗi một tính năng ra đời của Apple đều là thành quả của một quá trình thỏa hiệp không hề êm đềm. Thế nhưng với 3D Touch, ngay từ giây phút đầu tiên xem bản thiết kế, chúng tôi đã gần như ngay lập tức thốt lên: Đây chính là thứ chúng tôi cần!”
Quả thực không hề dễ dàng để hiện thực hóa bản thiết kế trong mơ này. Nhưng đương nhiên, không gì có thể làm khó được Apple. Người ta tính toán rằng Apple đã đổ một khoản tiền chưa từng có – tới 200 tỷ USD tiền mặt – để “chiêu nạp” những chuyên gia hàng đầu thế giới trên mọi lĩnh vực nhằm khiến công ty này như hổ mọc thêm cánh. Bên cạnh đó, một nguồn tin nội bộ giấu tên tiết lộ rằng thương vụ mua lại Beats Audio vào năm ngoái của Apple thực chất không phải để thâu tóm thị trường tai nghe hay điều gì tương tự. Mục tiêu của ông lớn này chính là Jimmy Iovine, CEO của Beats, người sở hữu vốn kiến thức không hề tầm thường về thị trường kinh doanh âm nhạc. Alan Dye cũng cho rằng: “Apple gần như miễn nhiễm với mọi vấn đề, bởi hầu như những người giỏi nhất thế giới đều đã tập trung về đây”.
Hầu như mọi chuyên gia giỏi nhất đều đã tập trung về Apple cho loạt sản phẩm mới lần này.
Ông Alan Dye còn cho biết, hầu hết các chuyên viên thiết kế đều phải chịu áp lực vô cùng lớn trong dự án lần này, đến nỗi không ít người trong số họ luôn phải đối mặt với cảm giác “sợ gần chết” khi làm việc. Dù vậy, thành quả thu được lại là niềm an ủi tuyệt đối cho những công sức đã bỏ ra. Trong lớp hiển thị nằm dưới màn hình iPhone thế hệ mới nhất, Apple đã trang bị thêm một tính năng mới cho phép nhận biết áp lực do ngón tay người dùng tạo ra khi sử dụng. Nằm bên dưới lớp hiển thị LCD là một lớp gồm 96 cảm biến điện dung được tích hợp vào đèn nền của màn hình. Nhờ đó, khoảng cách của ánh sáng từ đèn nền đến lớp cảm biến điện dung sẽ thay đổi mỗi khi tiếp nhận lực nhấn mạnh nhẹ khác nhau.
Thực ra, tính năng rung phản hồi (haptic feedback) đã có từ rất lâu trên nhiều loại smartphone. Tuy nhiên, bộ rung này lại được hoàn thiện tối ưu trên iPhone 6s và 6s Plus. Cụ thể, theo lời Jony Ive, các bộ rung truyền thống cần đến 10 dao động để đạt đến độ rung mạnh nhất, trong khi mô-tơ của iPhone 6S/6S Plus chỉ cần tới 1 dao động để đạt mức tối đa. Tính năng 3D Touch hỗ trợ 2 thao tác cảm ứng “Peek” (chạm nhẹ để xem trước nội dung) và “Pop” (giữ và nhấn mạnh để mở hoàn toàn nội dung).
Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc thiết kế, Jony Ive đã bị chỉ trích ngay bởi sự thiếu kiên nhẫn khi “nhồi nhét” quá nhiều cái mới vào các dòng sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời buộc tội thiếu căn cứ. Bản thân Ive luôn vô cùng thận trọng trước những phản ứng trái chiều về mỗi sự thay đổi của Apple: “Trở ngại lớn nhất của sự đổi mới đôi khi chính là độ phức tạp và khả năng tương tác người dùng. Tôi thường tự hỏi rằng mình đang làm ra những sản phẩm dễ sử dụng cho khách hàng hay chế tạo những thiết bị tinh vi mang tính cách mạng? Nhưng tôi biết rằng mình sẽ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những món “đồ chơi” trong gia đình”.
Tính năng rung phản hồi (haptic feedback) cũng được "hoàn hảo hóa" trên chiếc iPhone 6S/6S Plus.
Jony Ive có quyền tự hào về 3D Touch, bởi lẽ chính tính năng này đã giúp trải nghiệm người dùng trên một chiếc iPhone thực sự “thăng hoa”. Ngay cả khi sự thay đổi tinh tế này đã từng xuất hiện trên nhiều sản phẩm đối thủ, anh vẫn không hề bận tâm: “Tại sao chúng tôi lại mất hàng năm trời để phát triển tính năng này thay vì phó thác cho một nút bấm ư? Bởi chính sự thiếu sáng tạo đó sẽ dẫn đến sự kết nối lỏng lẻo giữa thiết bị và người sử dụng. Và quan trọng là mọi thứ không phải lúc nào cũng ở dạng nhị phân”.
Có thể thấy niềm tin vững vàng của Apple trong khâu thiết kế chính là yếu tố chủ chốt đưa công ty này trở thành cái tên đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường hơn 750 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong tương lai, công ty này sẽ phải đặt cược vận mệnh của chính mình vào tay hàng trăm con người sở hữu những chính kiến hoàn toàn khác nhau. Và đương nhiên, có lẽ Jony Ive sẽ thà sống cả đời với một chiếc điện thoại… nắp gập còn hơn phải chứng kiến người ta thay nhau mổ xẻ “đứa con tinh thần” của mình trong tương lai. Ngoài ra, mọi thay đổi trong kế hoạch kinh doanh của Apple luôn có sự đóng góp rất lớn của Giám đốc thiết kế cùng đội ngũ của anh. Chính vì thế, trong mọi hoàn cảnh, Apple luôn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đặt niềm tin tuyệt đối vào đôi bàn tay tài hoa của “phù thủy” Jony Ive.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"