Các chuyên gia nói gì về cam kết cho đi 99% tài sản của Mark Zuckerberg?

    NhungNg,  

    Dù cả thế giới đang dành những lời có cánh cho Mark Zuckerberg trước quyết định dành trọn 45 tỷ USD tài sản làm từ thiện, thực chất chẳng ai có thể lấy đi từ anh dù chỉ 1 xu.

    Trong lá thư gửi đến cô con gái mới ra đời, Mark Zuckerberg cùng vợ là Priscilla Chan đã cam kết dành tặng 99% cổ phiếu Facebook anh đang nắm giữ để hoàn thành sứ mệnh họ tự đặt ra cho bản thân, bao gồm thúc đẩy tiềm năng con người, tăng cường bình đẳng trên thế giới cùng giải quyết dịch bệnh.

    Tuy nhiên, điều gì khiến cam kết thiện nguyện của nhà Zuckerberg trở nên hoàn toàn khác biệt với số đông? Họ không công bố về việc thành lập một tổ chức phi lợi nhuận hay quỹ từ thiện nào. Thay vào đó, toàn bộ tài sản của họ sẽ được chuyển thẳng vào một mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có tên Chan Zuckerberg Initiative. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức này hoàn toàn có quyền tiến hành các hoạt động hướng tới lợi nhuận.

    Không giống như các tổ chức từ thiện khác, với danh nghĩa trên, Chan Zuckerberg Initiative vẫn có thể làm từ thiện nhưng với số tiền cùng chu kỳ quyên tặng không bắt buộc. Thậm chí, tổ chức này còn có thể đầu tư và tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị. Những hoạt động này đều có khả năng sinh lợi nhuận, đồng thời hỗ trợ cho các ứng viên tham chính cũng như chi trả cho công tác vận động hành lang.

    Giáo sư Luật thuế Victor Fleischer tại Đại học San Diego cho rằng, điều Mark Zuckerberg đang làm thực chất chỉ là lời cam kết làm từ thiện nhiều hơn trong tương lai. Khúc mắc duy nhất đến từ bản thân cơ cấu tổ chức này khi khiến người ta có cảm giác đây là một công ty gia đình vừa dùng để đầu tư sinh lời, lại vừa có chức năng làm từ thiện. Tuy nhiên, giáo sư vẫn tỏ ra khá băn khoăn về tương quan giữa các hoạt động từ thiện bên cạnh lĩnh vực đầu tư và chính trị của nó.

    Theo phát ngôn viên Rachael Horwitz của Facebook, Zuckerberg và Chan tin rằng những mục tiêu họ đề ra cho công ty mới sẽ được hoàn thành thông qua các đầu việc: hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phi lợi nhuận, tiến hành đầu tư tư nhân và tham gia chính trị. Ngoài ra, xét theo luật tại Mỹ, bất kỳ hoạt động hảo tâm nào đều được hưởng mức thuế suất hết sức ưu đãi. Nhưng với sự ra đời của công ty từ thiện trách nhiệm hữu hạn Chan Zuckerberg Initiative, 2 vợ chồng Zuckerberg sẽ không được nhận bất kỳ ưu đãi thuế nào trong năm nay.

    Có một điều không nhiều người nhận ra khi dư luận đang mải bàn tán trước quyết định của Zuckerberg: Các mã số thuế "ảo" sẽ là chìa khóa giúp những người nắm trong tay số tài sản lớn né tránh gần như mọi khoản thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế trúng thưởng quà tặng hay thậm chí thuế thu nhập bán tài sản. Theo đó, cho dù từng 2 lần bán cổ phiếu của Facebook vào năm 2012 và 2013, thu về 3,4 tỷ USD, Zuckerberg cũng không phải trả các khoản thuế đánh vào lợi nhuận từ việc bán tài sản do không tạo ra thặng dư vốn, trừ khi anh bán thêm cổ phiếu cá nhân của mình tại Facebook.

    Thực chất, thuế thu nhập cá nhân chưa bao giờ là vấn đề đáng lo với Zuckerberg bởi mức lương cơ sở của ông chủ Facebook chỉ vỏn vẹn 1 USD/năm kể từ 2013. Vài chuyên gia về thuế ở Mỹ từng đề nghị một mức thuế suất đặc biệt áp lên 0,1% người giàu nhất bất kể họ bán cổ phiếu hay tài sản nào khác, tương tự như ở các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Theo luật sư thuế David Miller thuộc hãng luật Cadwalader Wickersham & Taft LLP, nếu mức thuế này được triển khai, rất có thể sẽ thu được 1 nghìn tỷ USD tiền thuế trong 1 thập kỷ tới.

    Trong khi đó, khối tài sản của Zuckerberg vẫn ngày một đồ sộ khi công ty của anh tiếp tục triển khai chiến lược siết chặt hầu bao: Facebook sử dụng một nơi trú ẩn thuế (tax haven) phổ biến của các công ty đa quốc gia ở Mỹ nhằm giảm tải thuế suất. Nói cách khác, đây chính là ví dụ điển hình của chiêu lách thuế "Double Irish" được ưa chuộng ở các công ty sở hữu tài sản trí tuệ. Mánh lới này lợi dụng kẽ hở trong luật kinh tế Ireland để đường đường chính chính thoát được mức áp thuế 12,5% của chính quyền nước này.

    Theo đó, học tập Google và Microsoft, Facebook cũng có một kế hoạch tương tự nhằm chuyển phần lợi nhuận thu được từ Ireland đến Quần đảo Cayman. Chiến thuật này dựa trên khái niệm “chuyển giá” (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ nhằm chuyển giao thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn. Theo thống kê, những mánh lới kiểu này gây tổn hại cho chính quyền Mỹ khoảng 60 tỷ USD mỗi năm.

    Giáo sư Kinh tế học Gabriel Zucman của Đại học California tại Berkeley nhận định về cam kết của nhà Zuckerberg: "Tôi rất tán thành quan điểm đề cao sự bình đẳng trong xã hội, nhưng điều đó nên bắt đầu từ việc đóng thuế đầy đủ". Theo ông, một xã hội nơi người giàu có quyền quyết định mức thuế suất phải trả cũng như loại hình hàng hóa công cộng họ muốn đóng góp thực chất không phải một xã hội văn minh. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chính nhờ những ưu đãi thuế suất này mà tổng giá trị từ thiện của giới siêu giàu tại Mỹ đã đạt 457 tỷ USD chỉ trong năm 2014, tăng 9,3% so với năm trước.

    Bà Berit Ashla, Phó Chủ tịch cơ quan cố vấn của quỹ từ thiện Rockefeller cho rằng, quyết định này đã giúp 2 vợ chồng Zuckerberg đứng vào hàng ngũ câu lạc bộ những nhà hảo tâm của nhân loại. Nhờ cam kết đáng ngưỡng mộ đó, Mark Zuckerberg và vợ đã gia nhập vào truyền thống thiện nguyện kéo dài hàng thế kỷ của giới tài phiệt Mỹ. Trong đó phải kể tới ông trùm dầu mỏ John Rockefeller và “Vua Thép” Andrew Carnegie vào thế kỷ 19 với gần 40 năm cống hiến hàng trăm tỷ đô cho sự nghiệp từ thiện. Tiếp bước các vị tiền bối là 2 vĩ nhân đương đại Bill Gates và Warren Buffett, được coi như những biểu tượng từ thiện mới của nhân loại thế kỷ 20.

    Theo một thông báo riêng của Facebook, Zuckerberg hiện chưa có kế hoạch quyên tặng hơn 1 tỷ USD mỗi năm trong vòng ít nhất 3 năm tới. Điều này có nghĩa vị CEO trẻ tuổi sẽ vẫn tiếp tục nắm lượng cổ phiếu đủ lớn để kiểm soát Facebook trong tương lai gần.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày