Những người Việt trẻ làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới khẳng định, lương 6 số là đãi ngộ xứng đáng mà Google dành cho nhân viên xuất sắc.
Vừa qua, Nguyễn Hải Khánh - sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) - được Google nhận làm việc từ 2017 với mức lương 6 con số (USD) một năm. Ngay lập tức, con số này thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Nhiều bạn trẻ thắc mắc làm sao có được mức lương này và cần làm gì mới được hưởng lương 6 con số?
Trần Tuấn Anh từng làm việc tại Rolls-Royce, hiện là nhân viên tại Misfit Wearables, start-up hàng đầu tại thung lũng Silicon, Mỹ.
Lương cao dành cho nhân viên giỏi
Theo Trần Tuấn Anh, tiến sĩ tốt nghiệp tại Oxford (Anh), cựu nhân viên Rolls-Royce, đang làm việc tại Misfit Wearables, start- up hàng đầu tại thung lũng Silicon, mức lương 6 con số rất ấn tượng, đạt được không dễ, nhưng không phải không thể.
"Các tập đoàn hàng đầu thế giới sẵn sàng trả lương cao cho nhân viên giỏi, có khả năng phát triển công việc, sẵn sàng chịu trách nhiệm với công việc", tiến sĩ trẻ nói.
Từng làm việc tại nhiều tập đoàn quốc tế, Trần Tuấn Anh khẳng định, mức lương thể hiện giá trị của nhân viên. Bạn làm được gì, bạn có gì trao cho doanh nghiệp, bạn giúp công ty như thế nào, bạn mang lại lợi ích gì cho cơ quan..., bạn sẽ được số lương tương ứng.
Hà Ngọc Anh - CEO trẻ tuổi của Student Life Care, top seller của Vodafone thị trường Australia - chia sẻ, anh bắt đầu đi làm từ khi còn học đại học. Khi đó, tiền lương không phải tất cả, mà là kinh nghiệm, mối quan hệ và học hỏi phương pháp làm việc.
"Thời điểm ấy, lương không cao, nhưng mình tích lũy được nhiều thứ, như giao tiếp tiếng Anh, nói chuyện cùng khách hàng, tìm hiểu cách công ty vận hành, kinh nghiệm sống", Ngọc Anh chia sẻ.
Chàng trai nói thêm, không ai cho không ai cái gì. Với số tiền lương cao, bạn phải làm việc xứng đáng. Công ty trả cho bạn tiền vì trí tuệ, sức lực, sự chăm chỉ. Để được như vậy, trước đó, bạn phải học tập, làm việc, trau dồi kiến thức liên tục.
“Nếu được làm việc tại Google, lương thấp mình cũng làm”, Ngọc Anh bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, Trần Xuân Trường, người giành học bổng toàn phần Đại học Công nghệ Virginia (Boston, Mỹ) cho rằng những mối quan hệ, sử dụng máy móc hiện đại, kiến thức học hỏi được... là điều tuyệt vời hơn nhiều lần bất cứ số tiền lương nào.
Anh giải thích, môi trường làm việc tại những công ty và tập đoàn lớn cho phép nhân viên tiếp xúc môi trường chuyên nghiệp mỗi ngày.
Cùng suy nghĩ với Xuân Trường, Nguyễn Đình Gia, học bổng toàn phần Bộ Năng lượng Nga, đang làm việc tại Công ty Dầu Khí Tambov, Nga cười nói, việc tò mò số tiền lương đến 6 con số cũng là dễ hiểu.
Hà Ngọc Anh hiện là CEO của Student Life Care, từng làm việc và là top seller của Vodafone thị trường Australia.
Được Chính phủ Nga trả toàn bộ học phí đào tạo kỹ sư dầu khí, sau đó được giữ lại làm việc ngay tại thành phố theo học, Đình Gia làm thêm tại nhà máy lọc dầu ngay từ khi năm hai đại học. Sau một thời gian, anh trở thành kỹ sư tập sự. Khi ra trường, nhà máy mời chàng trai đến từ Việt Nam này ký hợp đồng làm việc 4 năm với mức lương khá cao.
“Mình yêu thích công việc hiện tại, nhất là quá trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Được làm đúng công việc, đúng chuyên ngành mới là điều quan trọng”, Đình Gia cho biết.
Kỹ sư dầu khí 9X chia sẻ, làm thế nào để có được số lương đó mới là vấn đề quan trọng.
Để lương 6 số không là giấc mơ
Theo công bố của Business Insider vào tháng 9/2015, công ty công nghệ trả lương cao nhất là Netflix (180.000 USD/năm), Mozilla, Good Technology, Altera (147.000 USD/năm), Google, Synopsys, TrueCar (143.000 USD/năm), và Apple 123.000 USD/năm).
Lê Yên Thanh - người đang chuẩn bị "Google tiến" vào tháng 6 năm nay - khẳng định: Hãy lên kế hoạch cho việc đi làm tại các công ty lớn ngay từ khi học cấp ba, hoặc sinh viên năm nhất.
"Việc này giúp bạn tìm hiểu kỹ công ty mình muốn tới, cũng như vị trí công việc bản thân mong muốn, từ đó có sự chuẩn bị cần thiết. Tìm được công việc phù hợp yêu cầu có sự đầu tư kiến thức, thời gian, công sức trong thời gian dài",Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 này nhận định.
Còn Nguyễn Hoàng Hải (sinh viên khoa Tài chính, Đại học Victoria, nhân viên Yahoo thị trường Australia) cho biết, trước khi ứng tuyển, hãy tìm hiểu mức lương công ty trả cho nhân viên là bao nhiêu, định mức số lương ngành mình học, so sánh với các công ty khác.
Qua kinh nghiệm từng làm tại Yahoo, Hoàng Hải chia sẻ vòng phỏng vấn, hầu hết nhà tuyển dụng đều đưa câu hỏi: Mức lương ở nơi làm cũ của bạn là bao nhiêu? Hãy đề xuất mức lương của bạn.
Ở Việt Nam, sinh viên thường đưa ra mức lương vừa phải, hoặc đôi khi còn nói "em có thể làm miễn phí", với suy nghĩ mình cần khiêm tốn, không đòi hỏi. Ở nước ngoài không có chuyện như vậy.
"Tuyển dụng nhân viên đồng nghĩa tìm một 'món hàng' đặc biệt. Công ty nào muốn có nhân viên tài năng, xuất sắc, chăm chỉ thì phải chấp nhận đắt xắt ra miếng", nam sinh nhận định.
Hoàng Hải tâm sự, khi ứng tuyển làm việc tại Yahoo, được hỏi về mức lương mong muốn, nam sinh trả lời thẳng thắn muốn có 9.000 USD cho 3 tháng thử việc, và 14.000 USD khi được làm chính thức, cơ hội tăng lương sau mỗi 3 tháng.
"Điều này giúp cả công ty lẫn mình đều rõ ràng trong việc trả lương. Công ty dễ đánh giá nhân viên và nhân viên cố gắng làm việc xứng đáng với mức lương ấy", "chàng trai Yahoo" nói thêm.
Còn Nguyễn Trần Minh Lan - nhân viên Công ty Công nghệ Synopsys tại Pháp - khẳng định: Có vấn đề gì đâu nếu bạn nói ra mong muốn của mình. Còn hơn không được thỏa mãn về vấn đề tiền lương, rồi làm việc không hiệu quả, chẳng mang về giá trị gì cho công ty.
"Tại Việt Nam, tiền là vấn đề rất nhạy cảm, người ta thường tránh không nói tới, hoặc muốn công ty tự đưa ra mức lương hợp lý. Trong khi, đây lại là vấn đề rất quan trọng, bạn không thể mong chờ người khác đánh giá được đúng năng lực của mình, trong khi chính bạn còn chẳng biết bản thân đáng giá đến đâu", Minh Lan tâm sự.
Vừa qua, thông tin nam sinh ở TP HCM sẽ sang Google làm việc từ năm 2017 với mức lương 6 con số gây ra tranh luận trên mạng.
Nguyễn Hải Phượng (Hà Nội) bình luận: "6 số ít nhất khoảng 220 triệu/năm, làm sao sinh viên mới tốt nghiệp có thể được trả mức lương như thế?".
Lê Quỳnh Trang đặt câu hỏi "6 số không biết là 100.000 USD hay 900.000 USD đây?".
Facebook Trần Minh Tâm đưa ý kiến, lương 6 số dành cho lập trình viên mới vào Google là hợp lý và hoàn toàn bình thường.
Nguyễn Hải Hà cho hay, tại Mỹ, mức lương cho một lập trình viên kinh nghiệm có thể lên tới hơn 2.000.000 USD/năm. Đây là đãi ngộ tại các công ty và tập đoàn lớn, như Microsoft, Facebook, Google, Apple.
Ngân Giang/Theo Zing.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Trải nghiệm Tineco Floor One Stretch S6: Lau hút khô ướt là chuyện thường, tự giặt, tự sấy bằng khí nóng, khớp gập 180 độ linh hoạt