Elon Musk: "Đi xin việc mà ba hoa khoác lác sẽ chẳng thể nào bịp được tôi!"

    NhungNg,  

    Dù đã chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn đến mức nào, một khi ngồi đối diện với “huyền thoại" công nghệ này, bạn sẽ rất dễ… thần hồn nát thần tính.

    Nếu chưa bao giờ ngại thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng nhằm thu hút sự chú ý, hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng trước những nhân vật tầm cỡ… Steve Jobs hay Elon Musk! Lúc này, dường như đây không còn là một cuộc phỏng vấn xin việc bình thường nữa. Bởi nếu muốn trở nên nổi bật trong mắt những "huyền thoại", bạn cũng phải trở nên thật "phi thường".

    Theo giáo sư Sydney Finkelstein giảng dạy chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Dartmouth, Mỹ, các vị CEO hàng đầu khi bắt đầu tuyển dụng đều tập trung tìm kiềm 3 điều: “Đầu tiên là trí tuệ, nhưng không nhất thiết phải có chỉ số IQ cao. Họ tìm kiếm khả năng xã hội, xây dựng mối quan hệ tốt và trí tuệ xúc cảm (EI) cao. Họ cũng mong chờ được tiếp cận với một bộ óc đầy sáng tạo”. Cuối cùng, liệu bạn có thể giữ cân bằng và chu toàn nhiều việc cùng lúc? Bởi các vị CEO luôn rất ấn tượng với những người sở hữu khả năng linh hoạt cao trong công việc.

    Finkelstein cũng tiết lộ một độc chiêu tuyển dụng của ông trùm tư bản người Mỹ Larry Ellison, nhà sáng lập hãng phần mềm quản trị Oracle. Ông luôn bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi có phần... trái khoáy: “Anh có phải người thông minh nhất anh từng biết không?”. Nếu họ nói không, ông sẽ hỏi ra bằng được người có trí tuệ tuyệt đỉnh đó là ai, ngay lập tức tạm biệt thí sinh và liên lạc thẳng với người được nói đến.

    Về phần Elon Musk, ông từng chia sẻ trên kênh Auto Bild TV rằng ông rất hứng thú với việc đặt câu hỏi về quá khứ, để quan sát các thí sinh ứng biến ra sao với những vấn đề đã qua. Ông giải thích, ông muốn biết các ứng viên từng đối mặt với những vấn đề phức tạp ra sao và đã vượt qua nó như thế nào. Hơn nữa theo ông, đây cũng chính là lúc các ứng viên thể hiện rõ nhất khả năng, trách nhiệm cùng những thành tích nổi bật của bản thân: “Tôi hoàn toàn có thể kiểm chứng bằng cách hỏi thêm những chi tiết nhỏ về thành tích anh ta khoe ra. Nếu đúng là người đạt được những thành tựu đó, anh ta sẽ có cách thuyết phục được tôi. Còn nếu chỉ ba hoa khoác lác thì chẳng bao giờ có thể bịp được tôi”.

    Kỹ sư phần mềm Jeff Nelson là một trong hàng trăm ứng viên từng tiếp xúc với Elon Musk trong đợt tuyển dụng năm 1999 của X Commerce (tiền thân của Pay Pal sau này). Anh kể rằng buổi phỏng vấn tưởng như đầy áp lực nhưng hóa ra lại chẳng khác một cuộc trò chuyện là mấy. Sau khi nghe ứng viên giới thiệu bản thân, Musk chỉ hỏi đúng 2 câu: “Anh muốn mình sẽ làm gì trong 5 năm nữa?”“Anh có câu hỏi nào cho tôi không?”.

    Nelson nhớ lại: “Câu đầu tiên là một trong số những câu hỏi phỏng vấn “kinh điển” nhất mà bạn có thể gặp ở bất cứ đâu. Tôi nghĩ là mình đã nói về việc muốn nâng cao trình độ quản lý thì phải”. Anh cũng bật mí câu trả lời của mình cho câu hỏi thứ 2. Chia sẻ trên blog cá nhân, Nelson kể mình đã hỏi về những nguy cơ tiềm tàng có thể đe dọa tới hình mẫu doanh nghiệp của X Commerce: “Tôi còn nhớ, Elon đã nói gì đó về việc phát triển nhanh đột phá, và vì vậy quá trình thanh toán cũng như việc bắt tay với các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Nelson cũng tiết lộ, dù sau đó đã được nhận vào làm tại X Commerce nhưng cuối cùng anh lại từ chối vì mức lương đưa ra không như bản thân mong đợi.

    Tham khảo FastCompany

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ