Hình ảnh người dân tị nạn Syria sở hữu smartphone chẳng có gì đáng ngạc nhiên

    NhungNg,  

    Đâu phải thật giàu có mới có thể sở hữu một chiếc smartphone cho riêng mình?

    Bài viết thể hiện quan điểm của James O'Malley trên Independent.

    “Nhìn kìa, những người tị nạn đó thậm chí còn có cả smartphone! Họ đâu có nghèo chút nào?” – Đây chính là những lời ca thán rộ lên trên các mạng xã hội nhiều ngày gần đây về những bức ảnh người dân tị nạn sử dụng điện thoại di động. Trong trường hợp này, dường như việc sở hữu một chiếc điện thoại di động đang khiến những người dân tị nạn trở nên “không đủ điều kiện” để nhận sự giúp đỡ của cộng đồng, cho dù họ đang phải vật lộn giữa sống chết để bảo toàn mạng sống cho bản thân và gia đình trong cuộc chiến tranh.

    Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, đây có vẻ là một quan điểm khá hợp thời khi chỉ vài tuần trước, một “lữ đoàn bài ngoại” khá đông đảo đã lên tiếng chỉ trích dân nhập cư không hề có tay nghề và chỉ muốn trục lợi cho bản thân. Thế nhưng hiện giờ, họ lại than phiền về việc người dân nhập cư quá giàu có, và cho rằng họ nên giúp đỡ những người nghèo khác thì hơn.

    Vậy chính xác thì, chúng ta nên nghĩ sao về hình ảnh người dân tị nạn từ Syria sử dụng điện thoại thông minh?

    Việc sử dụng smartphone ở những người dân Syria hoàn toàn là một sự thật dễ hiểu.

    Syria không phải là một quốc gia giàu có, nhưng chắc chắn cũng không phải một nước nghèo. Thực chất, theo Ngân hàng Thế giới, Syria được xếp vào các nước “có mức thu nhập trung bình thấp”. Năm 2007, số liệu cho thấy, tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người của Syria rơi vào khoảng 1.850 USD, cao hơn so với Ai Cập ở cùng thời điểm (1.602 USD). Chưa kể đến việc sử dụng smartphone đang là một xu hướng toàn cầu, việc các nước đang phát triển như Syria có tỷ lệ sử dụng smartphone cao là điều không quá khó hiểu. Theo ấn phẩm thường niên của CIA Hoa Kỳ – World Factbook 2014 – cứ 100 người dân Syria thì có tới 87 người sử dụng điện thoại di động.

    Vào năm 2011, người ta đã chứng kiến người dân Ai Cập đổ xuống đường biểu tình phản đối chính quyền, sử dụng sức mạnh của những chiếc điện thoại thông minh nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chính sự kiện này đặt ra câu hỏi: Tại sao người dân Ai Cập có quyền sử dụng smartphone để tiến hành một cuộc cách mạng cho chính họ, trong khi một quốc gia giàu có hơn như Syria lại không được làm điều tương tự?

    Tại Berlin, Đức, 2 người tị nạn Syria đang trò chuyện qua smartphone với người thân.

    Có vẻ các bạn đã tạm chấp nhận sự thật chúng tôi không nghèo, và chúng tôi có sử dụng rất nhiều điện thoại di động. Nhưng tại sao lại là smartphone ư? Đúng, tại sao không? Không ít người phương Tây sở hữu hàng đống máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng cũng như điện thoại thông minh. Nhưng nếu là một công dân Syria, bạn phải tìm cách cân đối cuộc sống với khoản tiền 1.850 USD/năm. Bạn sẽ buộc phải từ bỏ những món đồ đắt tiền trên, và sau khi trang trải cho quần áo và thực phẩm hàng ngày, với số tiền còn lại, bạn sẽ mua gì tiếp theo? Câu trả lời chắc hẳn sẽ là một chiếc smartphone, một thiết bị vô cùng hữu ích cho những người đang phải chạy thật xa khỏi chính căn nhà của họ.

    Nếu các bạn vẫn khăng khăng rằng chúng tôi không cần thiết phải dùng đến những tính năng của một chiếc smartphone, thì lý do cho việc không sở hữu một chiếc điện thoại “cục gạch” cũng rất dễ hiểu. Hãy tự đặt mình vào vị trí đó, khi bạn được “khuyến khích” sắm một chiếc TV màn hình… lồi trong thời đại ngập tràn TV màn hình phẳng như hiện nay! Liệu bạn có làm được không? Trên thực tế, có không ít các dòng smartphone Android được bán với giá dưới 150 USD nhưng vẫn đầy đủ camera, màn hình lớn cùng mọi thứ thiết yếu của một chiếc điện thoại hiện đại. Chưa kể đến thói quen thay đổi điện thoại mỗi 1 hoặc 2 năm của phần đông người dân, giá thành của smartphone đang ngày càng giảm nhanh chóng.

    Dân tị nạn từ Syria đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong những ngày qua.

    Ngoài ra, việc sở hữu một chiếc điện thoại iPhone đời cũ cũng không hề khó. Điển hình như iPhone 3G chỉ có giá chưa đến 40 USD, hơi cũ một chút nhưng vẫn dùng tốt. Hiện tại, số lượng smartphone trên toàn thế giới thậm chí còn nhiều hơn dân cư toàn cầu. Vậy nên bất kỳ ai cũng có đủ khả năng để sở hữu một chiếc điện thoại cho riêng minh. Và người dân Syria cũng vậy.

    Chính vì thế, bạn không cần phải tỏ ra quá kinh ngạc trước hình ảnh nhiều người tị nạn Syria cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh. Giữa hai mảng màu trắng đen, vẫn luôn tồn tại một mảng xám trung lập. Tương tự, giữa hai thái cực giàu nghèo trên trái đất này, mỗi người nên có cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá "mảng màu" ở giữa cho phù hợp. Bởi công nghệ không dành cho riêng ai.

    Theo Independent

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ