Internet đáng giá 45 tỷ, 150 tỷ hay 564 tỷ đôla?

    PV,  

    Lợi ích của Google, Wikipedia bị bỏ qua khi tính GDP.

    Cách tính GDP hiện nay đang bỏ qua lợi ích của Google search, nhiều nhóm nghiên cứu đang cố lượng hóa giá trị này.


    Internet đáng giá 45 tỷ, 150 tỷ hay 564 tỷ đôla? 1


    Khi cô con gái mới hai tuổi bị chẩn đoán ung thu năm 1992, Judy Mollica dành nhiều giờ liền trong thư viện y tế gần nhà để tổng hợp thông tin trên báo chí liên quan tới tình hình bệnh lý con mình.


    Khi thấy một thuật ngữ lạ, chị đều dừng lại tra cứu xem nghĩa của nó là gì trong cái thư viện rộng ngút ngàn ấy. Nó giống như “đi bộ trong bóng đêm”, chị kể.


    Lần ấy con gái chị qua khỏi nhưng đến năm 2005 lại bị chẩn đoán mắc một chứng ung thư khác. Lần này chị đã có thể ở bên con nhờ đọc báo trên mạng, ngay lập tức tra cứu thuật ngữ y tế và khoa học trên Wikipedia, rồi dựa vào chú thích mà tìm đến các nguồn thông tin khác.


    Giờ chị nói chuyện với bác sỹ của con gái mình chẳng khác gì một chuyên gia trong ngành. Với chị, Wikipeida không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn cho chị cảm giác kiểm soát được tình hình. “Điều ấy là vô giá.”


    Phần hấp dẫn nhất lại bị bỏ qua


    Đo lường hiệu quả kinh tế mà internet đã mang lại cho đời sống con người là việc cực khó, không chỉ vì chẳng có cái giá nào cả. Tính toán xem Wikipedia đã gây thiệt hại bao nhiêu cho các nhà xuất bản bách khoa toàn thư vẫn dễ hơn tính xem Wikipedia đã đem lại lợi ích gì cho những người dùng như Mollica.


    Đây là một vấn đề cố hữu của kinh tế học. GDP chỉ đo đếm các giao dịch bằng tiền, còn phúc lợi thì không.


    Ví dụ như một người sẵn sàng trả 50 USD cho cuốn tiểu thuyết Harry Potter mới nhất, nhưng chỉ phải trả có 20 USD. Chênh lệch 30 USD là một loại lợi ích phi tiền mặt gọi là “thăng dự tiêu dùng” (consumer surplus).


    Nhưng khi tính toán GDP, người ta chỉ cộng vào những số liệu như doanh thu quảng cáo của Google và bỏ qua phần phúc lợi do không tính tới thặng dư tiêu dùng của người dùng Google. Vấn đề lớn nhất cần giải quyết là lượng hóa số thặng dư tiêu dùng này.


    Mô hình hóa đường cầu: 44-46 tỷ USD


    Shane Greenstein từ ĐH Northwestern và Ryan McDevitt từ ĐH Rochester đã tính toán thặng dư tiêu dùng của kết nối internet băng thông rộng (bao gồm cả thặng dư do các dịch vụ internet tạo ra, vì đó mới là lý do người ta trả tiền dùng băng thông rộng).


    Phương pháp của họ là mô hình hóa đường cầu. Ví dụ năm 1999 một người trả 20 USD/tháng để vào internet. Đến năm 2006, cước internet băng thông rộng đã giảm còn 17 USD.


    Nay mỗi năm người dùng có 3 USD thặng dư tiêu dùng, dù cho giá giảm khiến nhiều người đăng ký hơn. Hai tác giả tính ra được tới năm 2006, kết nối internet băng thông rộng mỗi năm tạo ra 39 tỷ USD doanh thu và 5-7 tỷ USD thặng dư tiêu dùng.


    Dựa trên tỷ lệ người dùng internet vào Wikipedia, ông Greenstein cho rằng thặng dư tiêu dùng của Wikipedia khoảng 50 triệu USD.


    Có lẽ những số liệu trên vẫn chưa thể hiện hết tầm quan trọng của internet. Tính toán trên đặt giả thuyết kết nối internet có giá trị tương đương vào hai thời điểm 2006 và 1999.


    Nhưng Google và Facebook ra đời cũng có nghĩa kết nối internet vào năm 2006 phải giá trị hơn nhiều so với năm 1999. Vì thế, thặng dư tiêu dùng cũng phải lớn hơn.


    Quan trọng hơn, người tiêu dùng có thể không tính tới giá trị của các dịch vụ internet miễn phí khi quyết định trả cước kết nối internet.


    Hỏi trực tiếp người tiêu dùng: 101 tỷ euro


    Internet đáng giá 45 tỷ, 150 tỷ hay 564 tỷ đôla? 2



    Một phương pháp khác đơn giản hơn là hãy hỏi trực tiếp người tiêu dùng xem họ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền.


    Nghiên cứu của công ty quảng cáo trực tuyến IAB Europe và công ty tư vấn McKinsey khảo sát 3.360 khách hàng ở 6 nước xem họ sẵn sàng trả bao nhiêu cho 16 dịch vụ internet tới nay chủ yếu lấy nguồn thu từ quảng cáo.


    Trung bình, một hộ gia đình sẽ trả 38 euro (50 USD) cho mỗi tháng dịch vụ họ đang hưởng miễn phí. Sau khi trừ đi chi phí do bị quảng cáo làm phiền hay mất tính riêng tư, McKisney cho biết dịch vụ internet miễn phí tạo ra 32 tỷ euro thặng dư tiêu dùng ở Mỹ và 69 tỷ euro ở Châu Âu.


    Email đóng góp 16% tổng thặng dư tiêu dùng ở Mỹ và Châu Âu, công cụ tìm kiếm như Google góp 15% và mạng xã hội như Facebook góp 11%.


    Thời gian là có giá: 65 đến 564 tỷ USD


    Một cách tính thặng dư tiêu dùng nữa là từ thời gian tiết kiệm được khi dùng internet.


    Trong một nghiên cứu có tài trợ của Google, Yan Chen, Grace YoungJoo Jeon và Yong-Mi Kim từ ĐH Michigan hỏi một đội nghiên cứu các câu hỏi chọn lọc từ công cụ tìm kiếm. Họ hỏi cả những câu kiểu như: “Khi làm bánh quy, việc dùng bơ hay margarine có ảnh hưởng tới kích thước bánh không?”


    Trung bình, mỗi người tham gia khảo sát mất 7 phút để trả lời nếu dùng công cụ tìm kiếm và mất 22 phút nếu dùng thư viện ĐH Michigan.


    Kinh tế trưởng Hal Varian của Goolge tính ra được nhờ công ty này mà trung bình mỗi người dùng tiết kiệm được 3,75 phút mỗi ngày.


    Lấy số thời gian ấy nhân với mức lương trung bình tại Mỹ (22 USD/h), ông kết luận công cụ tìm kiếm mỗi năm tạo ra 500 USD thặng dự tiêu dùng cho mỗi người dùng, hoặc 65-150 tỷ USD trên toàn nước Mỹ.


    Có nhóm nghiên cứu còn tiếp cận vấn đề bằng cách tính toán giá trị số thời gian ta lang thang trên mạng.


    Erik Brynjolfsson và Joo Hee Oh từ Viện công nghệ Massachusetts cho biết từ năm 2002 đến năm 2011, thời gian người Mỹ “lang thang” trên internet tăng từ 4 lên 5,8 giờ mỗi tuần.


    Hai tác giả kết luận người tiêu dùng ắt phải đánh giá cao cao thời gian dành cho internet hơn so với các hoạt động khác, và phải tính tới điều này khi tính thặng dư tiêu dùng từ internet, theo họ khoảng 564 tỷ USD, hay 2.600 USD cho mỗi người dùng vào năm 2011.


    Nếu cộng số thặng dư này vào GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2002 sẽ tăng thêm 0,39%.


    Con số ấy thật ấn tượng, nhưng nó cũng khiến nhiều người nghi ngờ. Liệu người tiêu dùng có trả 2.600 USD để vào internet? Liệu các cách thư giãn miễn phí khác như xem ti vi hay chơi với con có giá trị tương đương không?


    Và internet cũng khiến năng suất làm việc giảm đi ở nhiều khía cạnh như khi ta liên tục kiểm tra Facebook hay tương tác giữa người với người bị thay thế bằng email.


    Chị Mollica nói những người cùng đến phòng chờ bện viện từng thân thiết với nhau vì chung hoàn cảnh. “Nhưng nay ai cũng dán mắt vào cái điện thoại để hết nhắn tin lại email.”


    Theo Minh Tuấn
    CafeF

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày