(Khởi nghiệp) Thế hệ Y và câu chuyện "săn" việc làm qua mạng xã hội

    Quang Khải,  

    Thế hệ Y- bao gồm những người sinh ra trong khoảng những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ trước- "săn" việc làm qua Internet, đặc biệt là qua các mạng xã hội như thế nào? Hãy cùng nghe chia sẻ của những người trong cuộc.

    Gen Y – Generation Y – Thế hệ Y:Thuật ngữ được dùng để chỉ những người được sinh ra trong khoảng những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX. Họ đều là những người trẻ, được hưởng nền giáo dục tiên tiến nhất nhưng lại gặp không ít khó khăn khi tìm cho mình một công việc ưng ý và phải đối mặt với vấn nạn thất nghiệp kéo dài.


    Và trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng ảm đạm của khủng hoảng, lạm phát và thất nghiệp; thì tìm kiếm việc làm với mỗi người trẻ thuộc thế hệ Gen Y lại càng khó khăn gấp bội; là một thử thách không dễ gì vượt qua; nhất là khi các bạn vừa bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, tự bản thân mình đi trên con đường đời với bao bỡ ngỡ, lạ lẫm, kinh nghiệm làm việc thì gần như bằng 0.



    Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Michele Cuthbert, người đứng đầu Baker Creative, một công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tiếp thị, quan hệ công chúng, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới. Michele sẽ cùng chúng ta bàn về vấn đề “săn việc” của thế hệ Y trên các mạng xã hội – ngôi nhà chung kết nối netizen trên khắp toàn cầu. Đây là điều tất yếu sẽ xảy ra khi mà Internet ngày càng gần gũi và phủ rộng trong mọi mặt đời sống của mỗi chúng ta.


    Trong một thời đại mà 50% số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm hoặc không thể tìm kiếm được một ngành nghề đúng với những gì mà mình đã được đào tạo (theo số liệu phân tích của chính phủ Mỹ được công bố bởi hãng thông tấn AP) thì các ngành công nghệ; đặc biệt là công nghệ cao đã như chiếc “phao cứu sinh”; như “ánh Mặt Trời” rọi sáng cho tình trạng tuyển dụng lao động ảm đạm bởi dư âm của những cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo số liệu của Cục Thống kê việc làm Mỹ, ngành công nghệ thông tin đã làm tăng lượng việc làm được tạo ra một cách ổn định theo thời gian. Điều này có nghĩa là, công nghệ đóng góp một phần quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng sinh viên tốt nghiệp “nằm dài” chờ việc. Công nghệ càng phát triển thì cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ cũng tăng lên theo.



    Là những người trẻ, năng động, nhanh nhạy với cái mới; thế hệ Y có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp cho mình trên Internet. Một trong những cách tốt nhất để nắm bắt lấy những cơ hội quý báu này là thông qua các mạng xã hội lớn như Facebook, Google , Twitter.. - ngôi nhà chung của cư dân mạng toàn cầu. Tuy nhiên, với mỗi người trẻ, hiểu biết được những cơ hội này mở ra ở đâu và khi nào cũng là một chìa khóa quan trọng giúp họ sớm thành công khi tìm việc.


    Alexa Lindsay, nhân viên công ty tổ chức chiến dịch quảng cáo ePrize cho biết việc vượt qua những thông tin tuyển dụng đăng tải tràn làn trên các trang việc làm trực tuyến luôn luôn là một thử thách khó vượt qua nhất với mỗi ứng viên khi bắt tay vào tìm việc trên các mạng xã hội.


    Việc tìm kiếm ngày càng trở nên dễ dàng nhờ tiến bộ công nghệ và các tiện ích đi kèm với các trang việc làm online. Tất cả những gì bạn cần làm là gõ vào ô tìm kiếm một vài từ khóa, nhấn OK và rồi bắt đầu lựa chọn công việc mà bạn cảm thấy ưng ý dựa trên những đường link tuyển dụng tưởng như kéo dài đến vô tận. Bạn có thể lọc những công việc theo mức lương, nơi làm việc, trình độ tuyển dụng, lĩnh vực công việc…. Khi công nghệ mang tới cho bạn điều tuyệt vời này, nó cũng đòi hỏi bạn phải đủ tỉnh táo để loại trừ những công việc không phù hợp; hướng tới cái đích mà bạn đang thực sự kiếm tìm. Mức lương và hình thức/ chế độ làm việc là hai điều dễ khiến bạn rơi vào tình trạng nhiễu loạn thông tin nhất”.



    Tất nhiên, mọi nỗ lực rồi sẽ được đền đáp cho những người xứng đáng. Theo thông tin từ trang CareerEnlightenment.com, 1/5 trên tổng số người sử dụng lao động tìm kiếm các ứng viên cho các vị trí công việc cần tuyển dụng thông qua các mạng xã hội. Gần 2/3 các doanh nghiệp, tổ chức cho biết họ đã “may mắn” khi “khai quật” được những nhân viên tài năng qua công cụ trên, và có tới 56% bộ phận nhân sự của các công ty chọn mạng xã hội là nơi đầu tiên để họ kiếm tìm những con người đầy tiềm năng. Trong năm 2010, 92% các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng các mạng xã hội để tuyển dụng nhân tài. LinkedIn, Facebook và Twitter là những mạng xã hội đầu tiên mà bộ phận nhân sự các công ty tìm đến khi họ quyết định tuyển dụng trực tuyến. Qua đó, có thể thấy cơ hội cho các ứng viên tài năng không hề nhỏ chút nào!


    Không quá ngạc nhiên khi LinkedIn được coi là mạng xã hội chuyên nghiệp nhất trong việc tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Anh chàng sinh viên Zach Holdren đặc biệt đánh giá cao mạng xã hội này. “LinkedIn là mạng xã hội tuyệt vời. Nó mang tới cho tôi những thông tin cực kì giá trị về những công ty, doanh nghiệp tôi nhắm tới khi ra trường. Kế đó, Twitter cũng hữu ích không kém”.

     


    James Purdy mới đây đã được nhận vào làm việc tại UI Evolution, một công ty chuyên nghiên cứu phát triển các thiết bị di động ở thành phố Washington, Mỹ. Anh đã quyết định tìm kiếm một công việc mới khi cảm thấy công việc tại công ty cũ dường như không còn phù hợp với mình. Trong blog cá nhân của mình, Purdy đã viết “ Với công việc mới này, tôi thậm chí còn có thể về nhà ăn trưa và thực hiện dự án iOS của mình tại nhà. Chính điều này khiến tôi không còn cảm thấy quá áp lực với công việc của mình – nhân tố khiến cho tuần làm việc của tôi ít dư dả thời gian dành riêng cho bản thân – nữa”. 


    Purdy đã sử dụng cả cách truyền thống và công cụ mạng xã hội để kiếm tìm cơ hội này cho bản thân mình. Anh đã tìm thấy danh sách những cơ hội việc làm cho bản thân trên trang Craiglist. Để chứng minh rằng bản thân mình có những kĩ năng và tố chất cần thiết cho công việc, Purdy đã tự làm một video clip ngắn ghi lại những dự án gần nhất anh đã thực hiện; cùng một ứng dụng dành cho iPad mà gần như anh đã hoàn thành. Sau đó, anh đưa đoạn clip này lên mạng xã hội Youtube.


    Một tuần sau đó, Purdy nhận được lời mời phỏng vấn từ một vài công ty. Kết quả như thế nào thì chắc bạn cũng đoán được.



    Mạng xã hội là một con đường lí tưởng cho phép những ứng viên tài năng kết nối tới những cơ hội việc làm trong mơ đang mở cửa chờ đón họ. Francesca Krihely mới đây cũng tìm được một công việc khá ổn tại 10gen, công ty sáng tạo nên hệ quản trị cơ sở dữ liệu MongoDB. Francesca đã follow các công ty này trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Tumblr…; và sau đó, cô cũng follow tài khoản của hai vị giám đốc điều hành 10gen -những người gặp mặt nhân viên gần như là nhiều nhất trong một doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cô còn follow group của công ty trên LinkedIn và theo dõi từng bước phát triển của hệ quản trị cơ sở dữ liệu MongoDB. Sau nhiều tháng âm thầm theo dõi, Francesca bắt đầu tham gia vào các hội, nhóm này; hoạt động sôi nổi những mong gây được sự chú ý, quan tâm của các thành viên khác. Chiến thuật của cô đã thành công ngoài mong đợi. Sau 5 tháng tìm kiếm, cô đã trở thành thành viên chính thức – quản lí cộng đồng tại 10gen - một công ty công nghệ đầy năng động.


    Lindsay cho biết “Hãy cần trọng khi hoạt động trên mạng xã hội vào thời điểm bạn đang xin việc. Nếu bạn sử dụng các mạng xã hội để theo dõi một công ty; công ty cũng sẽ thực hiện điều tương tự đối với bạn. Và khi đó, chỉ một câu nói tục bâng quơ từ đời tám hoánh nào cũng có thể khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng hoặc bị mất việc”.


    “Săn việc làm” qua mạng xã hội – bên cạnh việc là một thử thách khó khăn, cũng là một cuộc chơi thú vị. Nếu là một người ưa khám phá và nhanh nhạy với cái mới, hãy thử xem sao? Biết đâu, nhưng cơ hội sẽ sớm đến với bạn, giúp bạn thoát khỏi chuỗi ngày dài “nằm nhà chờ việc” đến mỏi mòn. Bạn có ngạc nhiên khi biết rằng cũng chính nhờ mạng xã hội Facebook mà tôi đã trở thành một biên tập viên của Trang thông tin dành cho tín đồ công nghệ và game GenK?


    Tham khảo: Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ