RIAV cũng muốn tập trung làm chuyện khác, không muốn thu phí nhạc số.
RIAV muốn tập trung làm chuyện khác
Thời điểm thu phí tải nhạc trực tuyến được các bên công bố là ngày 1-11-2012. Đầu quý II-2013 sẽ thu phí việc nghe nhạc trực tuyến. MVCorp dự tính cuối năm 2013 sẽ xong giai đoạn khởi động thu phí tải nhạc với việc chọn thu phí một số album chọn lọc. MVCorp cũng đưa ra dự kiến tỉ lệ người dùng trả phí cho đến hết năm 2013 sẽ vào khoảng 10% (trên tổng số 25 triệu người nghe nhạc qua mạng) và trong năm 2014 con số này sẽ tăng hơn nữa.
Hợp đồng ký kết giữa RIAV và MVCorp có hiệu lực trong vòng ba năm. Trong ba năm đó, 40.000 ca khúc thuộc sở hữu của hơn 20 đơn vị phát hành băng đĩa, nhà sản xuất… là thành viên của RIAV được bán trọn gói cho MVCorp. MVCorp sẽ toàn quyền sử dụng 40.000 ca khúc của các thành viên Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam để thu phí nghe, tải nhạc. Năm trang mạng nghe nhạc trực tuyến trên sẽ trả phí bản quyền bản ghi cho MVCorp.
Trước khi ký kết với MVCorp, RIAV tự làm việc trực tiếp với các trang mạng và tự thu phí bản quyền bản ghi của họ. Lý do RIAV ký kết với MVCorp bởi “chúng tôi đang bỏ trống việc thu phí bản quyền bản ghi từ nhà hàng khách sạn, đài truyền hình, phát thanh… Vì thế, chúng tôi bán khoán cho MVCorp để ban chấp hành hiệp hội có thời gian tiếp tục mở rộng thu phí những lĩnh vực bỏ trống đó” - bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV, cho biết.
Tuy nhiên, thực tế dù MVCorp có mua bản quyền của ai thì vấn đề vẫn thuộc về thói quen sử dụng của người dùng. Với 40.000 ca khúc của RIAV, MVCorp chỉ ký thỏa thuận hợp tác được với năm trang mạng lớn, còn rất nhiều trang mạng nghe, tải nhạc trực tuyến khác vẫn không thực thi việc thu phí bản quyền. Vì thế, người nghe nhạc sẽ tìm đến những trang mạng miễn phí này để nghe.
Tan rã sau sáu tháng
25 triệu người nghe nhạc qua mạng tại Việt Nam năm 2012, trong đó 6 triệu người nghe nhạc trên điện thoại di động. Thị phần nhạc số tại Việt Nam hiện rơi vào tay vài “đại gia”: Zing MP3 (44%), nhaccuatui (27%), nhacvui.vn (20%) còn lại các trang: nhacso.net, nghenhac.info… chỉ chiếm từ 2% đến 5% thị phần.
“Lúc đó chúng tôi bán độc quyền ba năm. Việc thanh toán phí với chúng tôi theo từng kỳ. Tuy nhiên, sau thời gian thực tế tiếp cận việc thu phí MVCorp gặp khó khăn. Một phần do là công ty cổ phần nên để các thành viên đồng thuận với nhau trong việc chịu lỗ dài ngày không phải là chuyện dễ, bởi muốn thu phí nhạc trực tuyến phải chấp nhận đi đường dài. Đầu tiên phải vượt qua thói quen tiêu dùng là xài chùa của người dùng. Sau đó mới đến việc đầu tư vận hành một bộ máy cả kỹ thuật, nhân sự cho việc người dùng trả tiền. Giờ người dùng nghe nhạc muốn trả tiền nhưng trả ở đâu, như thế nào, cách nào… phía MVCorp vẫn chưa có phương thức cụ thể để khách hàng dễ dàng thực hiện việc tải trả tiền” - bà Dung nói.
Vậy là chỉ sau năm tháng thử nghiệm thu phí, đến cuối tháng 3-2013, liên minh RIAV và MVCorp bắt đầu trục trặc và đầu tháng 5 này, liên minh đã chính thức tan rã.
Theo lời bà Dung, MVCorp nhiều lần kéo dài thanh toán tiền theo thỏa thuận hợp đồng, RIAV cũng tìm cách hỗ trợ để đi đến cùng hợp đồng nhưng quá khó khăn. Vì thế MVCorp đã có văn bản xin thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
Không dễ thu bạc cắc
Sau khi liên minh tan rã, RIAV lại tiếp tục hành trình tự đi đòi tiền phí bản quyền nhạc trực tuyến. Các trang mạng âm nhạc trực tuyến thay vì trả tiền cho MVCorp bây giờ sẽ trả trực tiếp cho RIAV.
Một đại diện của trang mạng nghe nhạc hàng đầu tại Việt Nam chia sẻ, trở ngại lớn nhất của thị trường nhạc trực tuyến là hệ thống thanh toán khó khăn. Có thể xem việc người dùng trả tiền nghe, tải nhạc trực tuyến là trả tiền lẻ. Bởi mỗi lượt tải ca khúc về giá chỉ 1.000 đồng/ca khúc, nếu tải hết album cao lắm cũng chỉ mất 10.000 đồng. Dù nhiều trang mạng áp dụng cách thức trả tiền qua thẻ cào điện thoại, trừ tiền bằng tài khoản điện thoại thậm chí trả bằng các loại thẻ thanh toán của ngân hàng nhưng với “số tiền quá nhỏ rất khó tạo thói quen phải trả cho người dùng” - ông Nhan Thế Luân, Giám đốc NCT Corporation (trang mạng nghe nhạc trực tuyến Nhaccuatui), cho biết.
Cũng theo ông Luân, “khi thỏa thuận hợp tác với MVCorp chúng tôi cũng xác định sẽ thực hiện việc thu phí này trong ba năm. Tuy nhiên, thực tế thói quen nghe, tải nhạc miễn phí của người dùng rất khó thay đổi”.
Sau động thái thu phí nhạc trực tuyến của MVCorp trong năm qua, tiếp theo sau đó là phong trào Nghe có ý thức thì người dân phần nào có thói quen nghe nhạc trả tiền. “Dù sao cũng cám ơn MVCorp, vì nhờ đó mà người dùng từ thói quen không trả tiền đã đi đến ý thức trả tiền nghe nhạc, dẫu số tiền không nhiều. Còn muốn thực thi tốt việc thu phí bản quyền âm nhạc rất cần một sự hỗ trợ liên ngành. Nếu không thì không chỉ MVCorp mà tất cả đơn vị đều không dễ dàng thu phí người dùng vì phương thức thanh toán quá khó khăn” - bà Thu Dung khẳng định.
Giấc mơ thu phí tải nhạc qua điện thoại
Sau năm tháng thu phí (1-11-2012 đến 1-4-2013) tổng số tiền MVCorp thu được từ tải nhạc bản quyền các ca khúc, album khoảng vài trăm triệu đồng. Với hai hình thức thu phí nhạc: Thu theo từng bài và thuê bao tháng (từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng) thì hình thức thứ hai được nhiều người lựa chọn hơn.
Nguồn thu cao nhất của âm nhạc trực tuyến từ nghe, tải nhạc là qua điện thoại di động. Như tại Trung Quốc, trong 14 dịch vụ nhạc có thu phí thì ba dịch vụ đứng dầu về doanh thu thuộc về nhà mạng điện thoại di động chứ không phải các trang mạng nghe nhạc trực tuyến.
Chỉ có trên di động mới giải quyết được những khó khăn về phương thức thanh toán phí tải nhạc. Người dùng có thể thanh toán qua SMS, cổng wap... với tỉ lệ ăn chia ít nhất là 50-50. Trong đó, nhà mạng thu về 50% phí, 50% còn lại dành cho các trang mạng phân phối, ca sĩ, nhạc sĩ. Với tỉ lệ ăn chia này, hiếm nhà mạng nào chịu “nhả” ra cho các trang mạng thu phí trực tiếp với người dùng.
Theo PL. TPHCM
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?