Những bài học từ thương vụ CareerBuilder đầu tư vào VON

    PV,  

    Điều quan trọng không phải bạn trị giá bao nhiêu mà là bạn có giá trị như thế nào đối với xã hội.

     Đã một tuần trôi qua kể từ ngày họp báo thông tin chính thức về việc DFJ VinaCapital thoái vốn, CareerBuilder đầu tư toàn diện 100% Công ty Cổ phần VON (đơn vị chủ quản của Kiemviec.com và HR Vietnam). 


    Những bài học từ thương vụ CareerBuilder đầu tư vào VON 1



     Đây có thể là thương vụ mua bán sáp nhập đầu tiên giữa tập đoàn nước ngoài và công ty công nghệ trong nước. Một số thương vụ đầu tư từ các quỹ đầu tư, công ty nước ngoài khác chỉ dừng lại ở mức độ đầu tư hợp tác chiến lược, sở hữu một ít số lượng cổ phần và không tham gia sâu vào hoạt động công ty. 


     Mối lương duyên cũ giữa DFJ VinaCapital và VON 


     Vào ngày 18.10.2006, công ty quản lý quỹ VinaCapital đã chính thức khai trương quỹ đầu tư DFJ VinaCapital L.P – là liên doanh giữa VinaCapital và Draper Fisher Jurvetson (DFJ), một công ty vốn mạo hiểm quốc tế có trụ sở tại Sillicon Valley. Với số tiền 50 triệu USD, DFJ VinaCapital tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ thông tin và viễn thông nhà nước đã được cổ phần hoá. 


     Ngay trước lễ khai trương, DFJ VinaCapital đã đầu tư 2 triệu USD vào website tìm kiếm Timnhanh.com – sản phẩm do VON chủ quản, với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của người dùng. 


     Timnhanh.com, Kiemviec.com, HR Vietnam và Yume.vn là 4 sản phẩm chính của Công ty Cổ phần VON. Sau nhiều năm hoạt động, các sản phẩm hiện đã được tách ra thành từng nhóm để chào bán đến các nhà đầu tư, các công ty lớn khác có nhu cầu. Trong năm 2012, Yume.vn đã được bán cho MJ Group – đơn vị chủ quản NhomMua.com. Timnhanh.com đang hoạt động độc lập, tách khỏi hoàn toàn VON để chuẩn bị cho thương vụ đầu tư hoặc mua bán sáp nhập khác trong thời gian tới. 


     Một vài nguồn tin đồn từ cuối năm 2011 cho biết DFJ VinaCapital đã "rục rịch" chuẩn bị cho việc thoái vốn khỏi hoàn toàn VON trước đây. Sau một thời gian khó khăn trong việc chào bán trọn gói, quỹ đầu tư mạo hiểm này quyết định để các nhóm sản phẩm hoạt động riêng biệt. 


    Những bài học từ thương vụ CareerBuilder đầu tư vào VON 2

     Lễ ký kết chuyển nhượng giữa CareerBuilder và CTCP VON 

     Những điều học được qua thương vụ giữa VON và CareerBuilder 


     Qua việc CareerBuilder đầu tư toàn diện vào VON cho thấy các công ty công nghệ trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực Internet hoàn toàn vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với các tập đoàn quốc tế. Song, một thực tế khác cần được nhìn nhận công bằng là việc DFJ VinaCapital thoái vốn đã phản ánh phần nào việc "đuối sức" trong bài toán xây dựng và phát triển bền vững của các công ty khởi nghiệp. Những tưởng số tiền đầu tư năm nào rót vào, có thể hỗ trợ VON phát triển sánh ngang hàng với VNG, VC Corp hay FPT Online như hiện nay (doanh thu, độ phủ thương hiệu, số lượng người dùng,...), song, các sản phẩm chủ chốt của VON hiện tại gần như chỉ hoạt động cầm chừng, không có động thái chuyển mình đổi mới. 


    Một số bài học được Action.vn ghi nhận tại buổi họp báo và qua quá trình theo dõi sự phát triển của VON như sau: 


     1. Tập trung giải quyết các nhu cầu của địa phương. Timnhanh.com, Kiemviec.com, Yume.vn – đều xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm thông tin nội dung, nhu cầu cần tìm việc làm và tuyển dụng nhân sự trực tuyến, chia sẻ cảm xúc cá nhân và giao lưu cộng đồng của người Việt Nam. Không nhất thiết bạn phải làm một sản phẩm vô cùng để đời trên toàn thế giới, mà đôi khi, chỉ cần phát triển thứ đáp ứng những vấn đề đơn giản và cần thiết của thị trường trong nước. 


     2. Khi thương thuyết, điều CareerBuilder ấn tượng nhất ở VON không phải số lượng người dùng lớn, nhiều khách hàng doanh nghiệp trong hệ thống sẵn có, mà là khi tiếp xúc với anh Paul Nguyễn (CEO VON) để chia sẻ nhiệm vụ, những trải nghiệm, sự hỗ trợ và mong mỏi mang đến nhiều việc làm tốt đến người phù hợp, CareerBuilder cảm thấy đã tìm được tiếng nói và tầm nhìn chung cùng với đối tác của mình. Điều quan trọng không phải bạn trị giá bao nhiêu mà là bạn có giá trị như thế nào đối với xã hội. 


     3. Ở từ góc độ ngược lại, bài học thành công từ CareerBuilder là đi rộng và đi sâu vào yếu tố địa phương hóa của sản phẩm. Thay cho việc xây dựng một nhóm phát triển sản phẩm CareerBuilder tại Việt Nam, việc mua lại và hợp tác với công ty đã có kinh nghiệm trong ngành vẫn mang đến hiệu quả hơn cả. Nếu bạn đang có sản phẩm muốn phát triển ở thị trường khác ngoài thị trường hiện tại, thay cho việc đau đầu tính toán nhân sự phụ trách tại nơi đó, bạn có thể suy nghĩ đến việc hợp tác chiến lược. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức tìm hiểu và nhanh chóng hiểu được nhu cầu của khách hàng ở một nơi xa lạ để hoàn thiện sản phẩm của mình nhiều hơn.  


    Theo Action

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày