Lật lại phát ngôn của Steve Jobs cách đây 18 năm: "Flash phải chết!"

    Yến Thanh,  

    Với liên tiếp 3 lỗ hổng Zero-Day được công bố trong thời gian gần đây, có lẽ đã tới lúc chúng ta cần quên đi Flash.

    Sau những lời qua tiếng lại giữa cố CEO của Apple, Steve Jobs và CEO của Adobe về việc công cụ Flash có thực sự an toàn vào năm 1997, giới công nghệ luôn hiện hữu 2 trường phái: gật đầu với Flash hoặc chống đối lại nó. Và cho tới tận ngày hôm nay, khi lần lượt các đại gia như FireFox, Facebook hay Google đã chủ động chặn Flash Player vì lý do bảo mật, cuộc chiến này đã dần ngã ngũ.

    Không thể phủ nhận những tiện ích, tính năng mà Flash đã đem lại cho người dùng trong việc hiển thị các tập tin media ( như video, ảnh gif…). Tuy nhiên, trên thực tế, với liên tiếp 3 lỗ hổng Zero-Day được công bố trong thời gian gần đây, từ gói tài liệu 400GB của HackingTeam, nhiều trang công nghệ lớn trên thế giới như Mashable, Arstechnica cho rằng đã tới lúc Flash cần an nghỉ và nhường chỗ cho HTML5.

    Vậy tại sao Flash phải chết, trong khi HTML5 lại trở thành tương lai của trình đa phương tiện? Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu HTML5 là gì, và Flash là gì?

    HTML5

    HTML5 là viết tắt của cụm từ Hyper Text Markup Language. HTML5 là một ngôn ngữ cấu trúc và trình bày nội dung cho các trình đa phương tiện, đồng thời là phiên bản thứ 5 của ngôn ngữ HTML - được tạo ra năm 1990. Hiểu nôm na thì HTML sẽ quyết định những gì chúng ta sẽ nhìn thấy khi đi đến một trang web, hoặc trang blog nào đó.

    Với HTML, chúng ta có thể dễ dàng nhúng các ảnh động, video clip và các công cụ đa phương tiện khác chỉ với một tập tin văn bản. Trong đó, HTLM5 sẽ tập trung vào những yếu tố chính là: ít phụ thuộc vào các chức năng bổ sung, có sẵn trên tất cả các thiết bị, hiển thị quá trình phát triển để mọi người có thể xem những gì đang diễn ra.

    Đặc biệt, một trong những lợi thế quan trọng của HTML5 đó là khả năng render các nội dung đa phương tiện mà không cần phải cài đặt trước một plugin nào đó. Nói cách khác, công nghệ này ra đời nhằm mục đích thay thế các ứng dụng như Adobe Flash.

    Ngoài ra, HTML5 còn có khả năng tương thích với bất kỳ máy tính và các thiết bị di động như iPhone, các thiết bị Android, iPad, máy tính bảng và smartphone, nhất là khi các sản phẩm của Apple đều nói không với Flash Player. Thêm vào đó, HTML5 cũng cho thấy hiệu suất tuyệt vời trên các nền tảng phổ biến như Linux và Mac OS X.

    Adobe Flash

    Adobe Flash là một công cụ để phát triển các trình đa phương tiện tương tự HTML5. Với Flash, người dùng cũng có thể thêm các ảnh động, trò chơi, quảng cáo và các video lên trang web của mình. Điểm mạnh của Flash chính là kỹ thuật đồ họa vectơ và đồ họa điểm, giúp các lập trình viên tạo ra chính xác các chương trình đa phương tiện mà mình mong muốn.

    Ngoài ra, đồ họa dạng vectơ trên Flash cũng sinh ra các file có kích thước rất gọn nhẹ, thuận tiện cho việc truyền tải dữ liệu qua Internet. Tuy nhiên, gần đây, các lỗ hổng trên Flash đang xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi đó, Adobe cũng tỏ ra ngày càng "lười" cập nhật Player của mình hơn, dẫn đến tình trạng các trang web luôn phải đối mặt với các nguy cơ bị tấn công, khai thác trái phép.

    Tại sao nói HTML5 sẽ "đá đít" Adobe Flash?

    Một trong những lợi thế khiến HTML5 nổi trội hơn Flash đó là HTML5 được vận hành bởi rất nhiều nhà phát triển khác nhau, và quan trọng hơn, Flash là công nghệ nặng tính độc quyền của Adobe và làm mất đi tính mở của trình duyệt. Ngoài ra, Flash cũng tỏ ra rất chậm chạp trên một số nền tảng như Linux và Mac OS X, bởi công cụ này không có quyền để truy cập các GPU.

    Điều này có đồng nghĩa, việc xử lý đồ họa sẽ được thực hiện hoàn toàn trên các CPU, khiến các ứng dụng hoạt động chậm chạp vô cùng. Do đó, chỉ những thiết bị, nền tảng cài đặt sẵn Adobe Flash mới có thể chạy mượt mà trình đa phương tiện này.

    Thực tế đã chỉ ra rằng, HTML5 vượt trội so với Flash khoảng 58% khi cùng hiển thị một nội dung nên các nền tảng như Linux hay Mac OS X. Bên cạnh đó, HTML5 cũng được coi là lựa chọn tốt nhất cho các thiết bị di động như smartphone và tablet. Trong khi HTML5 có thể tương thích với các thiết bị có màn hình cảm ứng, thì Adobe Flash lại khiến các sản phẩm này tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, đồng thời tỏa ra nhiều nhiệt.

    Steve Jobs có thể đã đúng

    Quay lại với "mối thâm thù" hàng thập kỉ, có thể cố CEO của Apple đã đúng khi từng khẳng định rằng : "Flash quá nhiều lỗi bảo mật, quá nặng nề và làm hao tốn rất nhiều năng lượng đặc biệt đối với các thiết bị di động như iPhone và iPad". Bởi lẽ, với vị CEO này, "sự tin cậy, tính bảo mật, hiệu năng cao" luôn là vấn đề hàng đầu được ông quan tâm.

    Có thể, cách đây 18 năm, khi Bill Gates gật đầu với Flash, rất nhiều người sẽ cho rằng, Steve Jobs là kẻ thích phát ngôn gây sốc, lập dị hay khác người. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, những chiếc iPhone, iPad hay hệ sinh thái iOS đã cho thấy tầm nhìn đúng đắn của ông. Rằng Flash không phải tương lai của nền tảng di động, và hệ quả nhãn tiền là khi hơn 90% máy tính có nguy cơ bị hack nếu tiếp tục sử dụng Flash như hiện nay.

    Tất nhiên, ở đâu đó, người ta sẽ nói rằng, việc Steve Jobs cương quyết nói không với Flash, là bởi tính... thù dai của ông, khi CEO Adobe đã từng chế nhạo hệ điều hành của Apple.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ