Taylor Swift – Nữ hoàng mới của Internet

    Dee Tee,  

    Nếu điểm tên những sự kiện khiến cư dân mạng “sục sôi” vài ngày qua, không thể không nhắc tới việc nữ ca sĩ Taylor Swift lên tiếng phản đối quyết định của Apple Music. Nhưng dường như không phải ai cũng ý thức được sự thật rằng Taylor Swift đang dần trở thành một biểu tượng mới của Internet, nơi cô đang từng ngày “thao túng” các phương tiện truyền thông.

    Nhìn lại nguồn cơn sự việc, cách đây vài ngày, Apple thông báo sắp ra mắt dịch vụ nghe nhạc trực tuyến mới mang tên Apple Music với 3 tháng thử nghiệm miễn phí. Cùng với đó là 3 tháng miễn phí cho tất cả các dịch vụ quảng cáo, Apple dự kiến sẽ cắt giảm khoản phí bản quyền của các nghệ sĩ có tác phẩm trên Apple Music. Rõ ràng điều này khiến nhiều người “nóng máu”, trong đó có cô ca sĩ tài năng Taylor Swift. Rất khó hiểu khi quyết định có phần “hà tiện” này lại được đưa ra bởi một doanh nghiệp lớn với giá trị chạm mức 700 tỷ USD.

    Quyết định ăn dày của Apple khiến Taylor Swift nóng máu.

    Quyết định "ăn dày" của Apple khiến Taylor Swift "nóng máu".

    Các nghệ sĩ indie chưa ký hợp đồng bán nhạc cho Apple vốn cảm thấy không hài lòng về các quy định “bất công” của dịch vụ mới này. Và động thái không trả tiền bản quyền của hãng cho các nghệ sĩ dường như chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Nhưng Apple có quyền làm những gì họ muốn, bởi bản thân hãng luôn có cái uy của một kẻ mạnh. Thế nhưng vào ngày 21/6 vừa qua, nữ ca sĩ Taylor Swift đã “chấp bút” cho một bức tâm thư kỳ công gửi đến Apple trên trang Tumblr của cô, và đại cục dường như hoàn toàn đảo chiều: Công chúng được chứng kiến một sự kiện “ngàn năm có một” khi siêu cường công nghệ toàn cầu phải “ngả mũ” trước một ngôi sao nhạc pop 25 tuổi.

    Cụ thể, vào ngày 21/6, Taylor Swift đăng một bài viết có tiêu đề “Thân gửi Apple” trên trang Tumblr của mình. Đây chính là phát súng dành tặng cho chính sách mới hà tiện của “ông trùm công nghệ” Apple. Trong bài đăng, Swift đã viết rằng cô quyết định rút lại album “1989” trên trang nghe nhạc trực tuyến Apple Music do hãng có chính sách đãi ngộ không công bằng cho các nghệ sĩ, và công ty này nên tự thấy xấu hổ khi buộc cô phải làm như vậy.

    “Tôi cảm thấy rất sốc và thất vọng. Điều này hoàn toàn không giống với phong cách tiến bộ và hào phóng của Apple trước đây. Những lời này không đến từ một đứa trẻ hay than phiền và hờn dỗi. Đây chính là tiếng lòng vang vọng của mỗi ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất trong giới nghệ sĩ chúng tôi khi ai cũng rất ngại phải nói công khai những điều này bởi lòng ngưỡng mộ và kính trọng dành cho Apple. Đơn giản chỉ là chúng tôi không đồng tình với cách làm này của Apple Music.” – Taylor Swift giãi bày trong tâm thư.

    Bức tâm thư gây sóng gió của nữ ca sĩ Taylor Swift.

    Bức tâm thư trên trang mạng Tumblr gây "sóng gió" của nữ ca sĩ Taylor Swift.

    Luôn giữ giọng văn thiện chí dễ chiếm cảm tình “cộp mác” Taylor, cô thậm chí còn đưa ra “lời khuyên” cho Apple nhằm tránh một tương lai tồi tệ hơn: “Xin được kính trọng gửi đôi lời tới Apple. Bây giờ vẫn chưa quá muộn để thay đổi chính sách bất công này, từ đó phần nào thay đổi suy nghĩ tiêu cực về Apple của các nghệ sĩ trong nền công nghiệp âm nhạc hiện nay, những người sẽ phải chịu thiệt hại không nhỏ đến từ quyết định sai lầm của Apple. Chúng tôi không đòi những chiếc iPhone miễn phí. Đừng bắt chúng tôi phải cung cấp âm nhạc mà không nhận được đồng nào.”

    Kết quả là chưa đầy 24 giờ sau khi Swift công bố bức thư ngỏ, Apple đã chính thức “đầu hàng”.

    Tại sao chỉ mình Taylor Swift mới làm được điều này?

    Taylor Swift hiện đang là tâm điểm của mọi sự chú ý và đương nhiên cô biết rõ điều đó. Bức tâm thư của cô hoàn toàn đứng về phía những “kẻ yếu thế” – một “lực lượng xã hội” cô luôn thấu hiểu và nỗ lực đấu tranh giành quyền lợi trong suốt 10 năm sự nghiệp cầm ca. Sau một thập kỷ xây dựng “đế chế” của riêng mình, Swift biết rằng cô có quyền yêu cầu những gì cô đáng được hưởng. Và cuối cùng, Swift đã thắng.

    Nếu vẫn chưa bị thuyết phục bởi sức ảnh hưởng của Taylor Swift, bạn có thể tham khảo lời nhắn của Eddy Cue - Phó chủ tịch cao cấp của Apple mảng dịch vụ phần mềm và Internet – gửi đến Taylor Swift sau khi lắng nghe cô bộc bạch: “Sáng nay thức dậy, tôi đã đọc ngay bức thư của Taylor. Những lời này của cô ấy thực sự đã khiến chúng tôi muốn thay đổi”. Ngay sau đó, Cue đã liên lạc với Swift và chia sẻ, “Cô ấy rất vui mừng khi chúng tôi gọi điện gần như ngay lập tức để có một cuộc trò chuyện đúng nghĩa.”

    Taylor Swift gọi - Apple trả lời.

    Taylor Swift gọi - Apple trả lời.

    Đáp lại thái độ hợp tác của Apple, Taylor Swift sau đó đã tweet: “Tôi đang rất phấn chấn và nhẹ nhõm. Cảm ơn các bạn đã luôn ủng hộ. Ngày hôm nay, họ đã lắng nghe chúng tôi”. Tweet này của cô đã nhận được hơn 52,000 lượt thích và hơn 18,000 retweet, những con số khá ấn tượng bên cạnh 63,000 lượt thích và 38,000 lượt retweet lá thư trên trang Tumblr của cô.

    Nhắc đến Swift, hào quang dường như chưa bao giờ rời bỏ cô gái này. Billboard đã tiết lộ rằng các nghệ sĩ Jack Antonoff và Christina Perri đã “vỗ tay” tán thưởng bức thư ngỏ đầy dũng cảm của Taylor trước “đế chế” Apple hùng mạnh. Taylor Swift có thể chỉ là một cô gái trẻ với tiếng nói nhỏ bé, nhưng cô biết cách “khuếch trương” nó bằng một phương tiện vô cùng đắc lực, đó chính là truyền thông mạng xã hội.

    Một tay “thao túng” cư dân mạng

    Các nền tảng như Twitter và Tumblr hay Instagram đều là những mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ tìm cách gây dựng sự nghiệp. Các mạng xã hội này cung cấp và lan truyền tin tức hoàn toàn miễn phí và là một điểm cộng rất lớn giúp các nghệ sĩ chủ động rút ngắn khoảng cách với các fan hâm mộ. Đây vẫn luôn là một cách “tự PR” rất khôn ngoan. Taylor Swift biết rõ điều này hơn ai hết, bởi từ giữa những năm 2000, cô cùng hàng trăm nghệ sĩ khác đã ý thức được tầm ảnh hưởng của mạng xã hội và bắt đầu sử dụng MySpace nhằm tiếp thị hình ảnh bản thân hiệu quả. Và kết quả rực rỡ của bước đi này đến nay dường như khó có thể tính nổi.

    Dư luận chưa hề làm khó được Taylor, thậm chí cô còn một tay thao túng cư dân mạng.

    Dư luận chưa hề làm khó được Taylor, thậm chí cô còn một tay "thao túng" cư dân mạng.

    Bên cạnh đó, cô còn nghĩ ra đủ kiểu “chiều” fan hết mức. Các fan may mắn hashtag #Taylurking sẽ được cô gửi tặng một món quà nho nhỏ, hay Taylor sẽ xuất hiện bất ngờ trong đám cưới của fan, đến thăm nhà không báo trước hay lời mời tới dự một buổi diễn bí mật,... Không những thế, cô còn thường xuyên cập nhật trên Instagram những thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người hâm mộ, thậm chí còn rất nhiệt tình “comment” lên ảnh của các fan.

    Cho dù hình thức “tự PR” này được gọi là gì đi chăng nữa, không thể phủ nhận rằng nó thực sự rất hiệu quả. Minh chứng rất rõ là các fan không hề làm ngơ hay chỉ trích khi cô lên tiếng phản đối Apple. Lượng fan đông đảo này sẽ ủng hộ và là hậu thuẫn đắc lực cho cô trong bất cứ trường hợp nào. Như vậy có thể thấy, ngoài việc chiều lòng “người đẹp” thì Apple rất khó để tìm một phương án khả quan hơn.

    Apple đã được “dằn mặt” từ trước với sự việc của Taylor và Spotify vào năm ngoái?

    Đây không phải lần đầu tiên Taylor Swift sử dụng Internet để bày tỏ nguyện vọng cá nhân tới các dịch vụ phân phối nhạc phổ biến. Vào tháng 7 năm ngoái, cô đã quyết định rút toàn bộ album của mình khỏi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify với lý do: “Điều này không chỉ gói gọn trong ngành công nghiệp âm nhạc. Tôi hy vọng trong tương lai, mỗi cô gái đều có thể nhận ra giá trị của bản thân và biết đòi hỏi những gì xứng đáng”. Và trong bức tâm thư gửi Apple năm nay, thông điệp cô gửi gắm gần như không thay đổi.

    Sự việc với Spotify năm ngoái dường như là lời cảnh báo dành cho Apple?

    Sự việc với Spotify năm ngoái dường như là lời "cảnh báo" dành cho Apple?

    “Âm nhạc là nghệ thuật, và nghệ thuật luôn rất quan trọng và đáng quý. Những thứ quan trọng và đáng quý luôn có giá trị. Và để có những thứ giá trị, cần phải trả bằng tiền”. Đó là quan điểm của cô khi cho rằng âm nhạc không nên là một khái niệm miễn phí. Swift đã tuyên truyền thành công thông điệp này, và đây không thể là gì khác ngoài lời “cảnh báo” đánh trực diện vào Apple một năm sau đó. Khi Taylor có tới gần 60 triệu tín đồ đứng phía sau bên cạnh các album bán chạy nhất của cả hai năm 2014 và 2015 trong tay, Apple dường như khó có thể đoán trước “đường đi nước bước” của quý cô thông minh này.

    Internet là tất cả những gì Taylor Swift cần

    Chỉ cần một bài viết trên trang Tumblr, các động thái của Apple đã gần như nằm trong tay Taylor Swift.

    Chỉ cần một bài viết trên trang Tumblr, các động thái của Apple đã gần như "nằm trong tay" Taylor Swift.

    Một điểm khác biệt giữa 2 vụ việc với Spotify và Apple chính là cách thức nhân vật chính bày tỏ tiếng nói. Vào năm ngoái, Swift giãi bày tâm sự lên các tờ báo và tạp chí đứng về phía cô, kết quả là đã tạo nên một sự khuấy động lớn. Nhưng năm nay, Taylor Swift chẳng cần nhờ tới hậu thuẫn từ các tạp chí danh tiếng. Tất cả những gì cô cần là một tài khoản Tumblr và Twitter. Bằng cách này, cô đã gián tiếp khẳng định các phương tiện báo chí truyền thống đang dần lỗi thời trong công cuộc đưa tin.

    Taylor Swift chính là Internet được tối ưu hóa

    Đây là một kết luận rất đơn giản nhưng đúng đắn. Hiện tại, có vẻ không một tờ tạp chí nào có khả năng “qua mặt” được Taylor trong việc “đánh bóng tên tuổi”. Người hâm mộ giờ đây sẽ không cần phải chờ đợi để được thấy Taylor Swift trên bìa báo và cập nhật các tin tức nóng hổi của thần tượng. Bởi mọi thứ sẽ xuất hiện trên trang Tumblr của cô.

    Cô chẳng cần tới MTV để quảng bá cho MV “Bad Blood”, bởi cô luôn có hàng chục triệu “tín đồ” trên Instagram, Twitter hay Tumblr ngày đêm trông ngóng “nhất cử nhất động” của nữ ca sĩ. Cô thậm chí còn không bỏ qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí, điển hình là LINE. Người sử dụng sẽ luôn được cập nhật các thông báo mới nhất từ nữ ca sĩ dưới dạng tin nhắn cá nhân, như thể cô chính là một người bạn thân quen của họ.

    Taylor Swift hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Nữ hoàng Internet.

    Taylor Swift hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Nữ hoàng Internet".

    Danh hiệu “Nữ hoàng Internet” là hoàn toàn có cơ sở khi Taylor luôn biết cách thu hút sự chú ý của dư luận và nắm trong tay bí quyết khai thác sức mạnh của Internet. Cô “phủ sóng” các phương tiện truyền thông xã hội bằng những bức ảnh chụp đàn mèo đáng yêu của mình, những tấm ảnh vui tươi của cô bên cạnh bạn bè hay thậm chí cả những chi tiết “úp mở” đắt giá về đời sống tình cảm cá nhân cũng dễ dàng khiến cư dân mạng “dậy sóng” chỉ trong thời gian ngắn.

    Mặc dù vậy, như được dự đoán cách đây không lâu, vụ việc giữa Taylor Swift với Apple có vẻ giống một chiêu trò PR không hơn không kém. Nhưng điều đó thực sự không quá quan trọng. Mấu chốt ở đây, Taylor Swift luôn là một nghệ sĩ trẻ rất thông minh. Cô cực kỳ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng truyền thông qua mạng Internet để chủ động marketing hình ảnh bản thân một cách triệt để nhưng không hề lố lăng, phản cảm. Hiệu quả tích cực của phương án này là không thể phủ nhận, và đây chẳng phải là hướng đi đúng đắn mà các chiến dịch marketing trực tuyến đều đang hướng đến hay sao?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ