Trung Quốc tiếp tục gây khó dễ cho các ứng dụng đi chung xe

    NhungNg,  

    Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thắt chặt hoạt động của các công ty tư nhân bằng dự thảo luật mới nhất.

    Trong nỗ lực đưa các dịch vụ tư nhân vào tầm kiểm soát, mới đây chính phủ Trung Quốc đề ra kế hoạch tăng cường giám sát các dịch vụ chia sẻ chuyến đi trực tuyến, trong đó có Uber và đối thủ chủ nhà Didi Kuaidi. Cả 2 cái tên này đều đã chi hàng tỷ đô để thúc đẩy tiềm năng phát triển tại thị trường đông dân nhất thế giới. Dự thảo luật mới từ chính phủ có thể được coi như một đòn giáng mạnh xuống các công ty tư nhân khi gò ép mọi hoạt động đi chung xe trong phạm vi Trung Quốc. Theo đó, chính phủ yêu cầu các hãng này phải tăng chi phí vận hành hay đồng phục bắt buộc như các hãng taxi truyền thống.

    Phát ngôn viên của Uber cho biết, hãng này đang nỗ lực đối thoại với các nhà dự thảo luật Trung Quốc và cam kết sẽ tuân thủ chặt chẽ mọi điều luật mới ban hành. Một trong số đó là lệnh cấm tài xế làm việc cho nhiều ứng dụng đi chung xe cùng lúc. Điều này cũng làm củng cố thêm khả năng, dự thảo luật mới lần này chủ yếu nhằm mục đích “lật ngược thế cờ”: Chọn ra một nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ chuyến đi được ưa chuộng nhất trong lãnh thổ Trung Quốc. Trong tháng tới, dự thảo luật này sẽ được phổ biến rộng rãi nhằm trưng cầu dân ý.

     Chính phủ Trung Quốc mới ban hành dự thảo luật nhằm đưa các dịch vụ taxi vào khuôn khổ.

    Chính phủ Trung Quốc mới ban hành dự thảo luật nhằm đưa các dịch vụ taxi vào khuôn khổ.

    Không hề e ngại trước sự o ép từ phía chính phủ, các công ty này vẫn tỏ ra khá lạc quan về dự thảo luật và cam kết đảm bảo một chính sách quản lý rõ ràng. Tuy nhiên, những quy định này sẽ được triển khai và áp dụng ra sao trong thực tế vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Trong bản dự thảo luật công bố vào ngày 10/10 vừa rồi, Bộ Giao thông vận tải cho biết các nhà cung cấp dịch vụ đi chung xe trực tuyến bắt buộc phải đặt máy chủ tại Trung Quốc, chia sẻ dữ liệu hành trình với các cơ sở giao thông vận tải và chính quyền địa phương, đăng ký dịch vụ taxi cho hệ thống xe, ký hợp đồng lao động với lực lượng tài xế cũng như các điều khoản bảo hiểm cho phương tiện của họ và hành khách.

    Thêm vào đó, Bộ cho biết các công ty nước ngoài phải sở hữu giấy phép triển khai kinh doanh viễn thông tại Trung Quốc, đồng thời phải trải qua các thủ tục an ninh quốc gia. Tuy rằng không trực tiếp đề cập đến Uber nhưng dự thảo luật lần này đã vạch ra hướng đi mới cho các công ty tư nhân như Uber hay Didi Kuaidi nếu muốn kinh doanh hợp pháp tại Trung Quốc. Với 700 triệu hành khách đô thị cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong xã hội Trung Quốc hiện tại, liệu đây sẽ là cách thuần hóa hai con mãnh thú đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh giành lãnh thổ không hồi kết tại thị trường đầy hứa hẹn này?

     Didi Kuaidi cũng rất hoan nghênh dự thảo luật mới của chính phủ Trung Quốc.

    Didi Kuaidi cũng rất hoan nghênh dự thảo luật mới của chính phủ Trung Quốc.

    Người phát ngôn của Didi Kuaidi cho biết hãng này rất hoan nghênh quy định mới và sẽ nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Tuy nhiên, hãng cũng từ chối bình luận về bất kỳ vấn đề cụ thể nào. Những doanh nghiệp như thế này hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Trung Quốc với các hoạt động gói gọn trong phạm vi “vùng xám”, nơi các doanh nghiệp tự do có phần trái phép vẫn tôn trọng luật lệ của chính phủ ở một mức độ chấp nhận được. Cũng giống với nhiều nước trên thế giới, cho tới nay, các công ty taxi tư nhân tương tự đang bị coi là hình thức kinh doanh trái phép tại quốc gia này. Theo một báo cáo chính thức từ Tân Hoa Xã hồi tháng 7, đã có hơn 1.200 lái xe tư nhân của hãng Didi Kuaidi và 170 tài xế của Uber bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ trong năm nay vì bị tình nghi hoạt động taxi bất hợp pháp và có hành vi trốn thuế.

    Cả Didi Kuaidi lẫn Uber đều đang đầu tư mạnh vào dịch vụ đi chung xe đang ngày một phổ biến tại Trung Quốc thông qua các ứng dụng smartphone. Theo thống kê, 1 tỷ USD là khoản tiền Uber đã chi cho thị trường này trong khi Didi Kuaidi đã dành tới 3 tỷ USD vốn liếng hòng trở thành cái tên số 1 ở Trung Quốc. Dù vậy, những nỗ lực phi thường của 2 công ty này vẫn không thể thắng nổi chính phủ. Theo đó, tuy các dịch vụ đi chung xe lần đầu tiên được hợp pháp hóa nhưng các điều luật do Bộ giao thông vận tải ấn hành vẫn buộc các hãng Uber và Didi Kuaidi phải thay đổi cơ cấu doanh nghiệp. Nếu các quy định này được áp dụng, mọi tài xế thuộc 2 hãng này phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm cầm lái hay mỗi xe chỉ được tối đa 7 chỗ ngồi. Ngoài ra, các tài xế không sở hữu giấy phép chạy taxi cũng không được phép tham gia hoạt động.

     Uber vẫn đang ăn nên làm ra kể cả khi bị o ép bởi chính quyền địa phương.

    Uber vẫn đang ăn nên làm ra kể cả khi bị o ép bởi chính quyền địa phương.

    Cũng phải nói rằng, các loại hình chia sẻ chuyến đi đang thắng lớn trong khi những nhà dự luật đang chùn chân trước tốc độ phát triển thần kỳ của thị trường này. Vào ngày 8/10 vừa qua, sở giao thông địa phương của Thượng Hải cho biết đã cấp cho Didi Kuaidi giấp phép hoạt động hợp pháp cho dịch vụ chọn chuyến xe trực tuyến tại thành phố này. Đây cũng là công ty vừa được hỗ trợ tới 16 tỷ USD bởi 2 gã khổng lồ Internet của Trung Quốc – Alibaba và Tencent. Didi Kuaidi cũng cho biết, đây là giấy phép kinh doanh đầu tiên hãng này có được, và đang lên kế hoạch chinh phục chính quyền của các thành phố khác. Bắt nhịp thời cuộc, Uber cũng đang ráo riết tìm cách xin giấy phép hoạt động từ chính quyền địa phương các thành phố để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu chinh phục 100 thành phố tại Trung Quốc.

    Theo Uber, để có thể đường đường chính chính làm ăn, Uber phải được địa phương hóa bằng mọi giá. Theo đó, hãng này cũng chính thức đăng ký tại Khu Mậu dịch Tự do Thượng Hải cách đây vài ngày nhằm khẳng định “chủ quyền” như một thực thể riêng biệt với số vốn 330 triệu USD. Tại đây, Uber có tên gọi khác là “Công ty Công nghệ thông tin Wubo Thượng Hải”, điều hành bởi các quản lý người Trung Quốc. Nghiêm túc tuân thủ các điều luật trong dự thảo, Uber thu thập đủ các loại giấy phép và đáp ứng các quy chuẩn cần thiết như một công ty Internet và dĩ nhiên có trụ sở tại Trung Quốc. Đây có thể coi là một viên gạch nữa nhằm củng cố thêm pháo đài Uber tại nước này, nhất là khi hãng này đã bắt tay với công ty tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc Baidu vào tháng 12 năm ngoái trong một sự hợp tác chiến lược.

     CEO Travis Kalanick của Uber và CEO Robin Li của Baidu ký kết thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược giữa 2 công ty vào tháng 12 năm ngoái.

    CEO Travis Kalanick của Uber và CEO Robin Li của Baidu ký kết thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược giữa 2 công ty vào tháng 12 năm ngoái.

    Theo công ty nghiên cứu thị trường Analysys International, tính đến cuối tháng 6/2015, Didi Kuaidi vẫn là kẻ nắm giữ tới 80% thị trường dịch vụ đi chung xe dựa theo số lượng chuyến đi. Trong khi đó, Uber mới chỉ kiếm soát được vỏn vẹn 15%. Tuy nhiên, Uber cũng vừa tuyên bố Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất hiện tại của hãng này cách đây không lâu. Đồng thời, chưa hài lòng với mạng lưới 20 thành phố Uber đang phủ sóng, hãng này cũng lên kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh tới hơn 100 thành phố của Trung Quốc vào năm sau.

    Tham khảo WallStreetJournal

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ