Bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà mạng nhờ dự án mới của Facebook

    Nguyễn Hải,  

    Dự án Open Compute Project của Facebook trước đây đã tạo ra một thay đổi lớn về phần cứng cho các trung tâm dữ liệu, giờ Facebook muốn tạo ra một thay đổi tương tự với thế giới mạng di động.

    Facebook với những dự án nhằm mang dịch vụ internet không dây đến mọi người trên trái đất, dường như cho thấy ý định biến mình trở thành đối thủ của các nhà mạng như Verizon, AT&T, Deutsche Telekom hay Vodafone. Không chỉ như vậy, các dịch vụ gọi và nhắn tin miễn phí của Facebook như Messenger, Whatsapp và Free Basics, còn làm ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng.

    Nhưng đó là câu chuyện của một năm trước, giờ đây tại MWC 2016, ông chủ của Facebook, Zuckerberg lại cho thấy mình đã trở thành bạn của của các nhà cung cấp mạng di động như thế nào. Ngày 29-2 vừa qua, Facebook đã tiết lộ một dự án mới, không chỉ tăng tốc cuộc cách mạng công nghệ nhằm thúc đẩy mạng điện thoại di động của chúng ta, mà còn chia sẻ miễn phí với các công ty viễn thông trên thế giới.

    Hợp tác cùng với Deutsche Telekom, SK Telecom, và Nokia Networks (nhà cung cấp phần cứng cho các nhà mạng trên thế giới), Facebook dự định thiết kế lại mọi thứ, từ thiết bị thu phát sóng radio không dây mới đến sợi quang học thế hệ mới, để chuyển đổi dữ liệu giữa những sóng radio này. Sau đó, công ty cho biết, họ sẽ mở mã nguồn những thiết kế này, để bất cứ nhà mạng nào cũng có thể sử dụng chúng.

    Kỳ vọng cho dự định này sẽ dẫn đến việc tạo ra các mạng không dây tốt hơn – có thể theo kịp với tốc độ phát triển về nội dung trên điện thoại di động, như nghe nhạc, xem phim trực tuyến, hay thậm chí đắm mình trong thế giới thực tế ảo. Quả thật, hạ tầng mạng không dây hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu truyền tải nội dung của Facebook. Đó là lý do tại sao công ty cần triển khai dự án này. Facebook muốn đảm bảo rằng các nhà mạng có thể truyền tải toàn bộ video và nội dung thực tế ảo, đến mạng xã hội của mình trên toàn thế giới, trong vài năm tới.

    Một dự án mở cho hạ tầng mạng

    Ông Jay Parikh, phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Facebook, là người đưa ra ý tưởng về việc tạo ra dự án này, Telecom Infra Project (TIP). Trên thực tế, ý tưởng của dự án này khiến người ta liên tưởng đến một nỗ lực tương tự của Facebook: Open Compute Project (OCP: dự án điện toán mở). Nếu như với OCP, Facebook thiết kế lại các phần cứng bên trong các trung tâm dữ liệu điện toán, và chia sẻ thiết kế với những người muốn có chúng, còn với TIP, Facebook sẵn sàng để làm điều tương tự với phần cứng mà các nhà mạng sử dụng bên ngoài trung tâm dữ liệu.

    Ngoài ra, dự án TIP cũng liên quan đến một dự án khác của phòng thí nghiệm Connectivity Labs thuộc Facebook, sử dụng máy bay không người lái và laser để mang internet đến các nước đang phát triển. Nhưng TIP còn ở quy mô rộng hơn nhiều, khi tác động đến từ các trạm chính – đóng vai trò trung tâm của mạng di động – đến các thiết bị truyền phát dữ liệu của cột thu phát sóng.

    Cuối tháng trước, Facebook đã phát động một nỗ lực mới bên trong dự án OCP, nhằm giúp các nhà mạng cải thiện phần cứng trong các trung tâm dữ liệu của họ. Giờ công ty lại giúp họ cải thiện phần cứng cho hệ thống mạng của họ - giúp họ mở rộng và đem lại một tốc độ mạng nhanh hơn nhiều.

    Đối với Axel Clauberg, chịu trách nhiệm về kiến trúc của Deutsche Telekom cho biết, dự án này mang lại nhiều điều, không chỉ tốt cho Facebook mà còn cho các công ty viễn thông. “Chúng tôi tin rằng sự tăng trưởng theo hàm mũ của lưu lượng Internet đòi hỏi những cách tiếp cận mới.” Ông cho biết. “Dự án OCP đã chứng tỏ rằng việc mở các chi tiết kỹ thuật cho phần cứng, kết hợp với một cộng đồng năng động có thể có một tác động mạnh mẽ đến hiệu quả và chi phí. TIP sẽ tiếp tục mang lại điều tương tự cho lĩnh vực mạng.

    Ông Erik Ekudden, nhà chiến lược công nghệ tại Ericsson – công ty cung cấp thiết bị mạng tương tự như Nokia Networks – cũng nhìn thấy tiềm năng của ý tưởng cơ bản này. Bài học mà các công ty như Facebook đã học được về trung tâm dữ liệu, có thể giúp các nhà mạng cải thiện mạng di động của họ. Nhưng ông cũng cho rằng, các ý tưởng này có thể đi theo hướng khác – từ các nhà mạng đến những người khổng lồ Internet như Facebook.

    Hy vọng về mạng tốt hơn cho Facebook

    Hai năm trước đây, trong một cuộc họp với Zuckerberg tại trụ sở Facebook, Parikh đề nghị công ty tiến hành một dự án tương tự như OCP, cho phần cứng của các nhà mạng. Lý do của việc này bắt nguồn từ kỳ vọng của Facebook khi yêu cầu các nhà mạng cải thiện cơ sở hạ tầng của mình với tốc độ nhanh hơn, và Parikh thấy một dự án như OCP là một cách rõ ràng để khuyến khích việc này.

    Chúng tôi đã có dự án Điện toán mã nguồn mở,” Parikh nhớ lại. “Và nó làm tôi liên tưởng đến cùng loại vấn đề mà các nhà mạng đang phải đối mặt, nhưng tệ hơn 20 lần. Có rất ít sự lựa chọn ở đây. Các thiết bị mạng này rất đắt đỏ, khó triển khai và khó vận hành.

    Đó cũng là những điều Facebook từng phải đối mặt khi mở rộng đế chế của mình. Họ không muốn sử dụng các phần cứng truyền thống của những nhà cung cấp truyền thống như HP, Dell và Cisco nữa. Chúng quá đắt, quá phức tạp và khó vận hành với quy mô lớn như vậy. Vì vậy, họ tạo ra những thiết bị rẻ hơn, hợp lý và linh hoạt hơn, như máy chủ, thiết bị lưu trữ và mạch chuyển mạng. Đây là những điều mà Google từng làm, nhưng Facebook còn đi xa hơn khi mã nguồn mở những thiết bị này, bằng dự án Open Compute Project.

    Những người khổng lồ công nghệ khác như Apple, Rackspace và Microsoft, nhanh chóng nhận thấy những thiết kế phần cứng họ cần và gia nhập dự án này. Kết quả là một thị trường hoàn toàn mới cho các phần cứng của trung tâm dữ liệu, khi kéo theo các nhà cung cấp phần cứng, nắm lấy các thiết kế này và thương mại hóa chúng. Với nhiều nhà cung cấp hơn gia nhập thị trường, những trung tâm dữ liệu khổng lồ giờ có nhiều sự lựa chọn hơn, những phần cứng tốt hơn với giá thành rẻ hơn. Đó là điều mà Parikh muốn tái hiện lại với dự án TIP này, nhưng trong lĩnh vực thiết bị mạng.

    Những cách tiếp cận mới

    Nhưng ý tưởng này cần một vài năm để thai nghén. Vào năm 2014, Facebook ra mắt Connectivity Lab, đứng đầu bởi Yael Maguire, người trước đó đã góp phần thúc đẩy nhiều dự án của OCP. Phòng thí nghiệm này hướng đến việc xây dựng các công nghệ, có thể truyền tải Internet đến các vùng nội địa trên toàn thế giới. Các nỗ lực này bao gồm việc sử dụng các vệ tinh và drone (máy bay không người lái), sử dụng laser để chuyển tiếp dữ liệu giữa các trung tâm.

    Dù công ty đã có dự định mã nguồn mở những chiếc drone này, nhưng với Telecom Infra Project (TIP), đó mới chính xác là những gì công ty dự định làm. Nói cách khác, bất cứ thứ gì công ty xây dựng bên trong Connectivity Lab, đều sẽ được áp dụng vào TIP, nghĩa là đều được mã nguồn mở. Bao gồm cả drone, thiết bị phát laser và các thiết bị khác. “Cách duy nhất mà công nghệ của Connectivity Lab tác động, là chúng ta mở mã nguồn nó.” Yael Maguire cho biết.

    Cùng lúc đó, TIP sẽ khám phá công nghệ có thể thúc đẩy những nơi như Mỹ và châu Âu hướng tới công nghệ mạng “5G” – với tốc độ vượt trội so với mạng 4G hiện tại. “Không nên mất đến mười năm để nâng cấp mạng di động của bạn nhằm đạt đến công nghệ này.” Parikh cho biết. Đối với các vùng đang phát triển, anh hy vọng những mạng vượt trội so với 2G sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn.

    Đặc biệt, Parikh cho biết, dự án có thể khám phá những công nghệ sóng radio mới, theo hướng công nghệ pWave được phát triển bởi Steve Perlman và công ty của ông, Artemis Research. Các ăng ten của pWave không chỉ phủ sóng cho các thiết bị trong khu vực của mình, mà còn truyền tín hiệu bằng cách tạo ra một “cell cá nhân” trên điện thoại của bạn. “Cell cá nhân” này sẽ giúp bạn có thể nhận tín hiệu từ nhiều ăng ten cùng lúc, thay vì chỉ một cột thu phát sóng duy nhất. Perlman ước tính công nghệ này sẽ giúp tăng tốc độ mạng không dây lên gấp 1.000 lần hiện tại.

    Cơ hội cho mọi người

    Cho đến nay, Perlman không mấy may mắn khi đưa công nghệ của mình tiếp cận với các nhà mạng tên tuổi lớn. Nhưng Nokia Networks đã đang để mắt đến pCell, và giờ Nokia đang là một phần của dự án TIP. Những đối tác của dự án, không chỉ bao gồm Facebook và các nhà mạng khác, mà còn các công ty tham gia thiết kế phần cứng mạng viễn thông. Nhà sản xuất chip Intel cũng là một thành viên.

    Dù các nhà cung cấp thiết bị viễn thông khổng lồ khác như Ericsson hay Huawei không tham gia dự án này, và chính Facebook đã nhận được những lời chỉ trích nặc danh về hành động của mình. Nhưng đó lại là cách mà Facebook hoạt động: khi bạn sẵn lòng tạo ra những thay đổi lớn, những nguồn lực khác sẽ đi theo bạn. Với dự án như Open Compute Project, triết lý này đã chứng minh sự hiệu quả to lớn của mình.

    Chúng tôi mong đợi thấy những thay đổi tương tự với những gì đã diễn ra trong các trung tâm dữ liệu,” ông Clauberg của Deutsche Telekom cho biết. “Trong khi điều này tác động đến những người chơi hiện tại, nó cũng tạo ra các cơ hội lớn.” Cơ hội ông muốn đề cập ở đây là cho những công ty cung cấp mạng và các công ty sản xuất phần cứng cho mạng viễn thông. Nhưng không chỉ vậy, cơ hội còn cho chúng ta, những người dùng. Khi mạng không dây trở nên tốt hơn, những người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi cuối cùng. Chúng ta sẽ là người xem tất cả lượng video trực tuyến và tận hưởng thế giới thực tế ảo đó. Cũng như dành thêm thời gian cho Facebook.

    Tham khảo Wired.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ