"Xin lỗi nhé Apple, dân thiết kế chúng tôi không dùng iPad"

    NhungNg,  

    Nhắm vào nhóm khách hàng là các nhà thiết kế đồ họa hay họa sĩ, Apple đang vô cùng tự tin về khả năng đánh chiếm thị trường của iPad Pro. Tuy nhiên, nhiều dân thiết kế chuyên nghiệp lại tỏ ra khá thờ ơ và… phũ phàng.

    Trong sự kiện tuần trước của Apple tại San Francisco, Adobe đã chính thức trình diễn bản thử nghiệm của ứng dụng chỉnh sửa ảnh di động mới có tên Photoshop Fix. Màn trình diễn này được kết hợp với lời giới thiệu thiết bị iPad Pro gây nhiều xôn xao của Apple, phô diễn hàng loạt điểm mới có thể giúp các nhà sáng tạo kỹ thuật số làm việc hiệu quả hơn trên máy tính bảng. Bản demo của Photoshop Fix là sự kết hợp của hai công cụ chỉnh sửa ảnh Photoshop Comp CC và Photoshop Sketch.

    Ban đầu, đây có vẻ là phương pháp thiết kế hiệu quả nhất cho các họa sĩ đồ họa khi tận dụng tối đa màn hình rộng tới 12.9 inch của iPad Pro. Tuy nhiên, Apple lại không tính đến thực tế rằng, có tới 64% dân thiết kế chuyên nghiệp không sử dụng đến phần mềm để sáng tạo. Với họ, giấy và bút đã là quá đủ.

     Giấy và bút - Cặp đôi vô đối mọi thời đại.

    Giấy và bút - Cặp đôi "vô đối" mọi thời đại.

    Con số gây ngạc nhiên này được nhà thiết kế Khôi Vinh “khai quật” cách đây không lâu. Khôi Vinh vốn là nhà thiết kế đồ họa tương tác nổi tiếng người Mỹ gốc Việt, từng là Giám đốc thiết kế của thời báo New York Times. Hiện tại, anh đang đảm nhận chức vụ Thiết kế trưởng của Adobe. Anh là tác giả của bản khảo sát “Các nhà thiết kế đồ họa đang sử dụng những công cụ nào?”, tập trung vào các phần mềm đồ họa và công cụ sáng tạo được sử dụng nhiều nhất bởi các nhà thiết kế, nhằm hoàn thành 6 đầu việc lớn bao gồm: lên ý tưởng, phác thảo, thiết kế giao diện, tạo mẫu, quản lý dự án, kiểm soát phiên bản và quản lý tập tin.

    Tuy nhiên, chính Khôi Vinh cũng thừa nhận rằng bản khảo sát trên thực chất không hề có tính khoa học xác đáng. Nó đơn thuần chỉ dựa trên sự tìm hiểu cá nhân cùng sự tò mò của bản thân anh. Chính điều đó đã thôi thúc anh – một chuyên viên thiết kế của các hãng thiết kế lớn – thu thập ý kiến từ các “đồng nghiệp” trên khắp thế giới. Sau khi hình thành ý tưởng và cho chạy thử, Khôi Vinh quyết định đưa bản khảo sát này lên các trang mạng xã hội. Thật bất ngờ, chỉ sau vài ngày, anh đã nhận được tới hơn 4.000 lượt phản hồi từ các độc giả từ khắp mọi nơi, phần lớn từ Mỹ và châu Âu. Sau cùng, anh phân tích và tổng hợp số liệu trước khi công khai thành quả cuối cùng lên blog cá nhân.

     Các ứng dụng hay phần mềm hiện đại đều phải ngả mũ trước giấy và bút.

    Các ứng dụng hay phần mềm hiện đại đều phải "ngả mũ" trước giấy và bút.

    Kết quả thu được rất đáng ngạc nhiên với số liệu thống kê về các công cụ thiết kế chuyên nghiệp dưới lăng kính phương tiện truyền thông. Khôi Vinh nhận định: “10 năm trước, Adobe vẫn độc chiếm thị trường. Thế nhưng hiện tại, ngày càng xuất hiện thêm nhiều startup và phần mềm đối thủ từ những nhà phát triển độc lập cho đến các hãng công nghệ lớn. Điều đó khiến lĩnh vực thiết kế giờ đây trở thành một sân chơi hết sức sôi nổi”. Theo đó, điểm nhấn đắt giá nhất của bản khảo sát này là con số 64% người tham gia cho biết, họ có thói quen thiết kế và sáng tạo chủ yếu bằng bút và giấy, thay vì những ứng dụng hay phần mềm hiện đại.

    Ngoài ra, bản khảo sát còn cho thấy các phần mềm máy tính dường như khá “vô dụng” trong việc trợ giúp hình thành ý tưởng cho các nhà thiết kế. Kết luận này của Khôi Vinh dường như khá có trọng lượng khi chính anh là người tạo nên công cụ giúp lên ý tưởng thiết kế Adobe CC xuất hiện trên chiếc iPad Pro của Apple vào tuần trước. Đó cũng chính là lý do chủ yếu khiến các nhà thiết kế thấy rằng, bút và giấy là 2 công cụ duy nhất có khả năng giải phóng bộ não và giúp họ sáng tạo tối đa, cho dù có bất tiện hơn chút ít.

     Bản khảo sát về Công cụ thiết kế được ưa chuộng nhất do Khôi Vinh sáng tạo.

    Bản khảo sát về Công cụ thiết kế được ưa chuộng nhất do Khôi Vinh sáng tạo.

    Bên cạnh đó, một số nhà thiết kế nhất trí rằng, nếu muốn động não nhanh để lên ý tưởng thiết kế, không gì lý tưởng hơn một phương pháp thô sơ và có phần hơi... lỗi thời như giấy bút. Cụ thể, nhà thiết kế Natasha Jen cho biết, cô thường có thói quen phác thảo hay nguệch ngoạc danh sách công việc lên giấy: “Tôi thường lựa chọn cách thủ công này để thể hiện những nội dung không thể diễn tả bằng lời. Và điều hay ho nhất, tôi luôn cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi… quăng hết đống giấy đó đi sau khi xong việc”. Hơn nữa, mẫu phác thảo trên một tờ giấy luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nhiều so với những pixel "vô cảm" trên màn hình máy tính.

    Nhà phê bình Steven Heller chỉ ra rằng, những ý tưởng sáng tạo trên máy tính bảng hay điện thoại đều gặp nhiều rào cản trong việc chia sẻ tới nhiều người: “Trong một cuộc họp, việc chuyền tay nhau một bản vẽ trên giấy sẽ trực quan và dễ tiếp thu hơn rất nhiều so với việc nhìn chằm chằm vào một màn hình máy tính nhỏ xíu”.

     Kết quả: Bút chì và giấy vô địch trong khoản lên ý tưởng.

    Kết quả: Bút chì và giấy vô địch trong khoản lên ý tưởng.

    Nếu từng ấy lý do vẫn chưa đủ thuyết phục, hãy thử đặt bản thân mình vào tình huống sau đây. Khi bỗng nhiên trong đầu nảy lên một ý tưởng vô cùng xuất sắc, bạn sẽ lựa chọn phương án nào: Một tờ giấy và cái bút - có thể biến ý tưởng của bạn thành một sản phẩm hữu hình ngay lập tức, hay một chiếc smartphone hoặc tablet - sẽ bắt bạn mất vài giây để bật máy, mở khóa màn hình, mở ứng dụng, chỉnh sửa tùy chọn trước khi ý tưởng đó nhanh chóng biến mất? Rõ ràng, phương án đầu tiên sẽ luôn là lựa chọn hoàn hảo trong mọi trường hợp cấp bách nhất.

    Có thể thấy, để bắt kịp tốc độ hình thành ý tưởng chóng mặt của não bộ, giới thiết kế chuyên nghiệp luôn có nhu cầu được làm việc với các công cụ có sức đáp ứng gần như ngay lập tức. “Tóm lại”, nhà thiết kế Khôi Vinh kết luận, “Giấy và bút là quá đủ để đánh bại bất kỳ một phần mềm thiết kế cũng như công cụ tiên tiến nào”.

    Tham khảo Wired

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ