iPadOS: Lời tuyên chiến tiếp theo trong cuộc chiến 30 năm đầy cay đắng giữa Apple và Microsoft
Apple thành bại là nhờ iPhone (và có lẽ là dịch vụ). Microsoft vươn lên đỉnh cao thế giới bằng sức mạnh đám mây. Nhưng 2 gã lớn ấy vẫn cứ dành mọi công sức để tiếp tục một cuộc chiến đầy duyên nợ, một cuộc chiến đã nuốt trọn lịch sử của cả 2.
Bất kỳ ai quan tâm đến chiếc PC nói riêng và lịch sử hi-tech nói chung đều sẽ biết rằng, cuộc chiến điện toán cá nhân là cuộc chiến của Apple và Microsoft. Chính Microsoft sau khi thấy thành công của Macintosh – cỗ máy có giao diện đồ họa trực quan đầu tiên – đã copy về tạo ra Windows. Chính thành công của Windows đã khiến máy Mac dần lụi bại, Apple dẫn đứng sát bên bờ vực phá sản.
Đến cuối thập niên 90, với lần lượt iMac, iPod, iPhone và cuối cùng là iPad, Táo Cắn Dở hồi sinh thần kỳ. Đặc biệt nhất, khi iPad ra đời trong sự mỉa mai của CEO Steve Ballmer và chủ tịch Bill Gates, chính miếng ăn truyền thống của Microsoft cũng đã bị ảnh hưởng: từ 2010 đến 2013, thị trường netbook "bốc hơi" 90% trong khi iPad tăng từ hơn 3 triệu máy vào quý ra mắt đến 26 triệu máy vào quý cuối năm 2013.
Nhưng thành công ấy lẽ ra phải thuộc về Microsoft: ngay từ cuối thập niên 1990 đầu 2000, Microsoft đã mang cảm ứng lên laptop Windows, đã khai sinh ra "TabletPC" trên XP. Microsoft thất bại rồi Apple thành công, buộc lòng công ty của Bill Gates phải tìm được cách báo thù.
Trên giấy tờ, những chiếc tablet lai chính là đòn báo thù hoàn hảo: nếu Microsoft tích hợp màn hình cảm ứng vào Windows, nếu tablet được đem tích hợp với laptop, sẽ không có ai mua máy tính bảng nữa cả. Năm 2012, Windows 8 ra đời bên cạnh dòng sản phẩm Surface đình đám. Microsoft muốn nuốt trọn di sản cuối cùng của Steve Jobs – trải nghiệm diệu kỳ do những cỗ máy màn hình cảm ứng cỡ lớn mang lại.
Thật trớ trêu, doanh số iPad sẽ sụt giảm, nhưng không phải là do Microsoft. Mỗi quý, Microsoft chỉ thu về khoảng trên dưới 1 tỷ USD từ Surface; ngay cả quý kỷ lục (gần 2 tỷ USD) vẫn chưa bằng 1/3 doanh thu iPad của Apple. 7 năm trôi qua, trải nghiệm ứng dụng trên Microsoft Store vẫn quá kém cỏi khi so sánh với iPad: nhiều nhà phát triển lớn (như Google) kiên quyết nói không, số còn lại thường chỉ làm theo kiểu... bố thí (như Facebook).
Nếu tính trên doanh số, Microsoft chắc chắn không thể đạt nổi 1 triệu máy (do giá Surface rẻ nhất là 500 USD), trong khi Apple vẫn bán đều đặt 8 – 11 triệu máy mỗi quý. Tồi tệ nhất, những scandal về chất lượng liên tục diễn ra khiến cho người dùng tiêu tan niềm tin vào Microsoft.
Công cuộc "nuốt chửng" iPad đã thất bại một cách toàn diện. Thậm chí, hơn một nửa thập kỷ, Apple không hề đưa ra câu trả lời nghiêm túc nào cho nỗ lực của Microsoft cả. Apple "trêu ngươi" người dùng bằng cách đem một dải phím cảm ứng lên MacBook nhưng lại không đem cảm ứng đầy đủ lên macOS. Apple ra mắt cả iPad Pro và gọi cỗ máy này là PC nhưng lại không hỗ trợ chuột, buộc người dùng phải sử dụng bàn phím và... bút stylus.
Phải đến WWDC 2019, Apple mới chịu thay đổi. Với một hệ điều hành hoàn toàn mới mang tên iPad OS với giao diện hoàn toàn độc lập, tính năng quản lý Files gần hơn với macOS, khả năng đọc dữ liệu từ USB và đặc biệt là tính năng chuột lần đầu xuất hiện, iPad bỗng chốc đã có thể đảm nhiệm các tác vụ đơn giản thay cho PC.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Apple đã thực sự tạo ra câu trả lời cho Surface. Chỉ bằng một bản cập nhật hệ điều hành, Apple sẽ biến những chiếc iPad thành thiết bị lai.
Khi tablet Android của Google là "chuyện đã rồi", iPad thế hệ mới sẽ chọn đối thủ nào để tranh đấu? Câu trả lời là PC giá rẻ. Toàn bộ những tính năng mà iPadOS mang tới là để giúp iPad trở thành một cỗ máy giải trí và làm việc đơn giản tốt hơn mà thôi. Dù có cải thiện đến mấy, iPad sẽ không thể thay thế MacBook chạy Final Cut hay Android Studio. Chúng cũng chẳng đấu lại được với kho ứng dụng x86.
Nhưng chúng sẽ bóp chết những chiếc laptop lai giá rẻ. Những cỗ máy Windows chưa bao giờ bì kịp được với iPad về chất lượng ứng dụng cảm ứng. Thứ duy nhất chúng vượt mặt iOS là các ứng dụng đầy đủ, nhưng người dùng nào lại cần đầy đủ sức mạnh của Photoshop hay Premier Pro trên một chiếc laptop "lai" giá rẻ? Nếu có một thiết bị nhỏ gọn, giá tương đối hợp lý và có thể vừa dùng cho giải trí, vừa dùng cho các nhu cầu làm việc căn bản, chắc chắn nhiều người sẽ không mua mới laptop Windows giá rẻ nữa. Ít nhất, họ đã có một cỗ máy Windows ở công ty rồi mà?
Bao năm qua, iPad đã đánh bại Surface bằng cách này. Máy tính bảng chỉ thành công khi Steve Jobs nhìn ra đúng nhu cầu của người dùng, rằng cần những thiết bị màn hình lớn, trực quan và dễ sử dụng hết mức có thể để phục vụ cho các nhu cầu đơn giản như xem phim, YouTube hay lướt web. Surface sau này không thể nuốt chửng iPad cũng chỉ vì không đáp ứng được nhu cầu này. Chúng quá to, cồng kềnh, quá thiếu ứng dụng cho các nhu cầu "căn bản". Chưa trở thành tablet tốt, làm sao Surface có thể là thiết bị lai được người dùng thèm muốn?
Microsoft liệu có đứng yên nhìn Apple tiếp tục gặm nhấm những gì lẽ ra thuộc về Microsoft? Chắc chắn là không. Bởi nếu Microsoft chịu đứng yên thì Microsoft đã dừng lại từ rất lâu rồi: cả nửa thập kỷ qua, Microsoft vươn lên như vũ bão nhờ sức mạnh đám mây. Không cần có Surface, Microsoft vẫn thành công khổng lồ.
Apple cũng vậy. Apple ngày nay sống bằng iPhone (và sắp tới là mảng dịch vụ). Doanh số iPad sau khi suy giảm đã trở lại ổn định qua từng năm. Apple không cần phải tranh đấu với Microsoft để tái định nghĩa PC làm gì nữa cả...
Nhưng cả 2 có lẽ không thể từ bỏ được mối thù dài bằng nửa đời người. Ngay cả khi PC đã trở thành "diễn viên phụ" trên sàn đấu hi-tech, cuộc đấu PC giữa Apple và Microsoft vẫn cứ phải tiếp diễn. Apple và Microsoft vẫn cứ ở đó, và bất cứ khi nào lịch sử của PC sang trang, bạn có thể chắc chắn rằng trang mới sẽ được viết bởi 2 đối thủ đầy cay đắng này mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Năm 2024 rồi, nếu chưa sở hữu 148 con chip thì bạn đang nghèo hơn phần lớn dân số thế giới đấy
Quần áo từng là biểu tượng cho nền văn minh, sự ấm no và giàu có. Bây giờ, chip bán dẫn cũng vậy.
'Siêu Trái Đất' cách chúng ta 22 năm ánh sáng! Với sự tương đồng 84% với Trái Đất, liệu sự sống có thể tồn tại?