iPhone 13 "delay" cả tháng khắp Á, Âu hoá ra vì thiếu một linh kiện quan trọng sản xuất tại Việt Nam

    Đức Nam, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Linh kiện liên quan đếm cụm camera mới trên iPhone 13 lắp ráp tại Việt Nam đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Dự kiến phải đến giữa tháng 10, tình trạng này mới được cải thiện.

    Người mua iPhone 13 toàn cầu đang gặp tình giao hàng chậm hơn dự kiến vì làn sóng Covid tại Việt Nam và việc gã khổng lồ công nghệ Mỹ chọn đưa một tính năng mới lên camera của máy, theo Nikkei Asia.

    Sự gián đoạn xảy ra chủ yếu liên quan đến nguồn cung cấp mô-đun camera cho 4 mẫu iPhone bị hạn chế vì một số lượng lớn linh kiện được lắp ráp tại Việt Nam. Các nguồn tin trong chuỗi ban đầu dự tính việc tung ra iPhone mới trong năm nay sẽ tương đối suôn sẻ do iPhone 13 chỉ nâng cấp cấu hình và Apple đã dự trữ từ trước nhiều linh kiện quan trọng.

    Tuy nhiên, Apple sau đó quyết định mở rộng trang bị tính năng sensor-shift OIS (chống rung quang học) cho cả 4 mẫu iPhone trong khi trước đây tính năng này chỉ có trên iPhone 12 Pro Max. Điều này đẩy các nhà cung cấp vào tình thế phải tăng cường sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng.

    iPhone 13 delay cả tháng khắp Á, Âu hoá ra vì thiếu một linh kiện quan trọng sản xuất tại Việt Nam - Ảnh 1.

    Người dùng tại nhiều quốc gia phải chờ khoảng 5 tuần nếu đặt mua iPhone 13 online. Ảnh: 9to5Mac.

    Cảm biến ổn định hình ảnh sensor-shift trên camera giúp chống nhoè cho hình ảnh còn video thì ổn định hơn, ngay cả khi người dùng bị rung tay. Đây là cải tiến quan trọng so với công nghệ ổn định ống kính máy ảnh trước đây.

    "Các đơn vị lắp ráp vẫn có thể sản xuất iPhone mới nhưng lượng tồn kho của mô đun camera sắp hết", một trong những Giám đốc điều hành có liên quan trực tiếp đến chuỗi cung ứng của Apple tiết lộ với Nikkei Asia. "Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc theo dõi tình hình Việt Nam hàng ngày và chờ họ tăng sản lượng".

    Một người khác cho biết, tình hình sản xuất tại Việt Nam có thể cải thiện vào khoảng giữa tháng 10, khi một trong những cơ sở sản xuất linh kiện camera quan trọng của iPhone ở miền Nam đã hoạt động trở lại sau vài tháng gián đoạn sản xuất.

    Hiện tại, người dùng tại Trung Quốc phải chờ khoảng 5 tuần nếu muốn đặt mua một chiếc iPhone 12 Pro bản 512 GB màu Sierra Blue từ website của Apple, tương tự là tại thị trường Mỹ hay Nhật Bản. Ngay cả với mẫu iPhone được xem là "ế" như iPhone 13 mini, thời gian chờ đợi cũng lên đến 7-10 ngày.

    Giống với nhiều nhà sản xuất lớn khác, Apple đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng có trong cả năm qua. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của hãng. Một số người trong ngành cho biết, hãng đã phải "nhường" một số con chip của iPad để ưu tiên cho việc sản xuất iPhone 13. Do đó, thời gian giao hàng của iPad mới và iPad mini cũng bị chậm lại. Ở Trung Quốc, người dùng chỉ được mua hạn chế 2 chiếc iPad mỗi lần, cho thấy nguồn cung đang bị hạn chế.

    Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp khác của Apple tại Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với việc ngừng sản xuất trên diện rộng trong tuần này. Việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát tiêu thụ năng lượng dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy tại Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông bị ngừng cung cấp điện.

    Cho đến nay, các đối tác lắp ráp iPhone chính của Apple là Foxconn, Pegatron và Luxshare vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn bởi việc cắt điện, Nikkei cho biết. Tuy nhiên, việc một số nhà sản xuất vật liệu, linh kiện, mô đun bị ngừng cấp điện có thể gây ra phản ứng dây chuyền. Các nhà cung cấp đang lo lắng về một làn sóng ngừng cấp điện bất ngờ khác vào tháng 10.

    "Nguồn cung cấp mô đun camera cho dòng iPhone 13 đang bị hạn chế do đại dịch nhưng tác động đến doanh số của iPhone 13 vẫn nằm trong tầm kiểm soát", Eddie Han – nhà phân tích cao cấp của Isaiah Research nói.

    Tuy nhiên, Han tỏ ra lo ngại nếu việc cắt điện ở Trung Quốc tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến các nhà cung cấp bảng mạch, vật liệu và hoá dầu. Khi đó, nguồn cung linh kiện iPhone sẽ gặp rắc rối trong quý IV.

    Tham khảo: Nikkei Asia Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ