iPhone sẽ không còn là 'con gà đẻ trứng vàng' cho Apple?

    Hải Đăng, Theo ictnews 

    iPhone được dự báo không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho Apple trong thời gian tới khi khả năng quản lý chuỗi cung ứng có vấn đề và hệ điều hành iOS khó có thể bứt phá.

    Việc Apple đang có kế hoạch mua trực tiếp cobalt (chất chủ yếu chế tạo pin điện thoại) từ các mỏ chứ không qua nhà cung cấp dấy lên các nghi ngại. Tác giả Ewan Spence phân tích trên tờ Fortune đặt câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra khi khả năng quản lý chuỗi cung ứng của Tim Cook không còn hiệu quả, và lợi nhuận trên mỗi iPhone không còn cao như xưa?

    Thế mạnh của Tim Cook tại Apple là khả năng quản lý chuỗi cung ứng của ông, Ewan phân tích trên Fortune. Tim Cook đã tìm ra cách cắt giảm tối đa hàng tồn kho, tăng hiệu quả hoạt động vận chuyển, giám sát tốt các nguồn lực khi hãng mua lại công nghệ và các nguồn lực nhằm vượt trên các đối thủ cạnh tranh.

    Tim Cook trong một sự kiện tại Trung Quốc năm 2017 - Ảnh: Xiao Xiong/Getty Images
    Tim Cook trong một sự kiện tại Trung Quốc năm 2017 - Ảnh: Xiao Xiong/Getty Images

    Khi Tim Cook nắm Apple, hãng này đang có nhiều điểm cần khắc phục, khắc phục các điểm yếu này sẽ giúp gia tăng lợi nhuận. Với cách quản lý hiệu quả của Tim Cook, các lỗ hổng được lấp đầy, lợi nhuận iPhone tăng lên. Mặc dù tăng trưởng lượng bán theo năm của iPhone sụt giảm từ năm 2015 nhưng doanh thu và lợi nhuận nó mang về cho Apple lại tăng, do tăng hiệu quả làm tăng lợi nhuận và thị trường dần chấp nhận giá iPhone tăng lên (iPhone X trở thành chiếc máy đắt nhất của hãng với giá bán gần 1.500USD).

    Nhưng việc tối ưu hiệu quả, theo tác giả trên Fortune, chỉ có thể thực hiện một lần. Sau đó những vấn đề khác sẽ lại tiếp tục phát sinh, và hầu hết vấn đề nảy sinh trong những giai đoạn khó khăn.

    Apple đã tích hợp nhiều tính năng lên hệ điều hành của hãng qua nhiều năm, nhưng hệ điều hành iOS đang trở nên hoàn chỉnh và các ứng dụng quan trọng đều đã ổn định, không dễ để bứt phá. Những điểm dễ hơn có thể khắc phục đã khắc phục được hết. Còn những lỗ hổng và lỗi lớn cần thêm nhiều nguồn lực cả về thời gian lẫn đội ngũ kỹ sư khắc phục. Do đó hệ điều hành iOS khó có thể là điểm đột phá của Apple, do đó hãng năm hãng vẫn chờ những ý tưởng mới đến từ hội nghị lập trình viên toàn cầu (WWDC).

    Khả năng Apple tiên đoán về sức mua của iPhone cũng không còn nhạy như xưa. Đơn cử việc dự báo sai sức bán iPhone X khiến Apple cắt giảm một nửa đơn hàng màn hình OLED trong quý 1/2018, từ 40 triệu xuống còn 20 triệu, khiến nhà cung cấp là Samsung có lượng hàng tồn khá lớn các màn hình này. Tác giả trên trang Fortune cho rằng màn hình tồn có thể sẽ được Samsung trang bị trên các smartphone Android tầm trung trong năm 2018. Do đó nhiều người có thể sẽ chọn các smartphone khác có cùng tấm nền này thay vì mua iPhone.

    Khách bộ hàng đi qua một bảng quảng cáo iPhone X tại San Francisco (Mỹ) - Ảnh: Justin Suvillan/Getty Images
    Khách bộ hàng đi qua một bảng quảng cáo iPhone X tại San Francisco (Mỹ) - Ảnh: Justin Suvillan/Getty Images

    Gần đây có thông tin cho rằng Apple đang tìm cách trực tiếp mua lại chất cobalt từ các mỏ chứ không qua trung gian (có lẽ để tiết kiệm chi phí). Điều này một phần do giá cobalt tăng lên (do nhiều loại xe điện được sản xuất khiến nhu cầu về chất này tăng lên kéo theo giá tăng). Tuy nhiên việc Apple phải tìm đến việc tối ưu cả giá cả của pin có dấu hiệu cho thấy hãng đang tìm cách cắt giảm chi phí ở những thứ nhỏ nhất, tới mức tận cùng.

    Những dấu hiệu trên cho thấy nhiều thứ đang thay đổi. Khi Apple công bố những con số doanh thu kỷ lục trong quý 4/2017, giá cổ phiếu đột nhiên giảm. Apple vẫn tiếp tục thành công và vẫn là một trong những công ty thành công nhất thế giới, nhưng tiềm năng để duy trì lợi nhuận cao đang giảm, điều kiện kinh doanh không được cải thiện, và thời gian tới sẽ khó khăn hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ