iPhone X và iPhone 2G: 10 năm, có nhiều thứ đổi thay, nhưng cũng có nhiều thứ không bao giờ thay đổi
Hơn 10 năm đã trôi qua, iPhone X rõ ràng là khác biệt so với iPhone 2G từ năm 2007. Tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng vẫn còn rất nhiều điểm mà iPhone X kế thừa và phát huy từ "cụ tổ" của mình.
Thay đổi: Màn hình
Chiếc iPhone thế hệ đầu tiên sở hữu màn hình LCD 3.5 inch, độ phân giải 320x480. Vào thời điểm ra mắt năm 2007, Steve Jobs đã mô tả màn hình này bằng hai từ "giant" (khổng lồ) và "gorgeous" (rực rỡ). Nhưng, khi so sánh với màn hình OLED của iPhone X, chúng ta có thể thấy rõ ràng công nghệ màn hình trong những năm qua đã phát triển nhanh đến mức nào.
Không chỉ về chất lượng hiển thị, màn hình của iPhone X còn đánh dấu một bước mới trong thiết kế của Apple; khi lần đầu tiên, iPhone cũng đã có viền màn hình mỏng.
Không thay đổi: Kiểu dáng hình chữ nhật bo tròn bốn góc
Mặc cho việc Apple đã có nhiều thay đổi về mặt thiết kế trong suốt những năm qua, nhưng, về kiểu dáng cơ bản là một hình chữ nhật bo tròn thì vẫn được giữ nguyên.
Thay đổi: Nút Home
Nút Home nắm giữ vai trò quan trọng trên chiếc iPhone thế hệ đầu tiên, khi nó là nút bấm duy nhất với nhiệm vụ đưa người dùng quay trở về màn hình chính. Trong suốt 10 năm qua, nút Home đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dùng.
Nhưng nay, để đi theo thiết kế màn hình tràn viền mới, Apple buộc phải loại bỏ nút Home trên iPhone X để thay vào đó bằng một loạt các thao tác sử dụng cử chỉ, ví dụ như hất lên trên để về màn hình chính.
Không thay đổi: Trượt để mở
Năm 2007, Apple đưa ra khái niệm "Slide to Unlock" (Trượt để mở khóa) và màn hình khóa, là biện pháp nhằm tránh tình trạng máy vô tình bị mở ra và thực hiện các thao tác không mong muốn khi người dùng đặt trong túi quần. Trong năm 2016 với iOS 10, Apple có thay đổi điều này khi chuyển thành thao tác "Press Home to Unlock" (Bấm Home để mở khóa), một cách hợp lý hơn khi nút Home kiêm vai trò của cảm biến vân tay.
Nay khi iPhone X không còn phím Home và sử dụng Face ID, thao tác trượt để mở khóa lại quay lại - mặc dù có khác đôi chút là thay vì trượt ngang thì nay là hất lên trên.
Thay đổi: Cổng kết nối
Do iPhone mang trong mình ngày một nhiều công nghệ, nhưng người dùng lại đòi hỏi thiết kế phải mỏng và nhẹ, chính vì vậy Apple luôn phải tìm mọi cách để tối ưu hóa diện tích bên trong nhằm dành chỗ cho các linh kiện.
Vào năm 2007, iPhone vẫn sở hữu cổng kết nối 30-pin từ những chiếc iPod. 5 năm sau, vào năm 2012 với iPhone 5, Apple chuyển sang cổng Lightning với kích thước nhỏ hơn đáng kể và cũng hỗ trợ tốt hơn cho các thiết bị trong kỷ nguyên số.
Đã có một số tin đồn cho biết iPhone X sẽ sử dụng cổng USB-C, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Khả năng Apple chuyển sang USB-C, ít nhất là trong tương lai gần (~2 năm) cũng rất khó trở thành hiện thực khi hệ sinh thái thiết bị - phụ kiện Lightning hiện đã rất lớn.
Một sự thay đổi được đánh giá là đáng kể hơn là sự biến mất của jack cắm tai nghe 3.5mm. Apple là một trong những công ty đầu tiên mạnh dạn làm điều này, với tầm nhìn mà hãng đặt ra là người dùng sẽ dần chuyển sang các giải pháp âm thanh không dây. Cũng như việc chuyển sang Lightning, lý do chính mà Apple loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm là để dành diện tích cho các linh kiện khác, thông qua việc khai tử một công nghệ đã cũ.
Không thay đổi: Logo quả táo và dòng chữ "iPhone" ở mặt lưng
Vào thời điểm năm 2007, iPhone nói riêng và các sản phẩm Apple nói chung được coi là một biểu tượng, không chỉ về mặt công nghệ tân tiến mà còn là sự giàu có, đẳng cấp của người sử dụng. Ngoài ra, 2007 cũng là năm đầu tiên Apple tham gia vào thị trường điện thoại, và hãng muốn càng nhiều người biết và nhớ đến sản phẩm của mình càng tốt. Chính vì vậy, Apple đã đặt một logo quả táo sáng bóng ở mặt lưng kèm theo dòng chữ "iPhone" nhằm nhấn mạnh yếu tố thương hiệu.
Nay, iPhone đã trở thành một sản phẩm quá đỗi phổ biến mà ai ai cũng có thể nhận ra, ai ai cũng có thể sở hữu. Tuy nhiên, Apple vẫn luôn đặt logo quả táo và dòng chữ iPhone ở mặt lưng, nhưng với một ý nghĩa khác. Nó như một lời nhắc nhở với người dùng rằng: họ đang sử dụng một chiếc iPhone - chiếc smartphone đã được kiểm định về mặt chất lượng, bảo mật và sự thân thiện với người dùng.
Thay đổi: Thẻ SIM
Như đã nói ở trên, Apple luôn tìm cách để tối giản các linh kiện bên trong nhằm tạo diện tích cho các linh kiện khác. Bên cạnh việc chuyển sang cổng Lightning và loại bỏ jack cắm tai nghe, trải qua 10 năm, iPhone đã sử dụng đến 3 loại SIM khác nhau với kích cỡ ngày một nhỏ.
Chiếc iPhone thế hệ đầu tiên sử dụng Mini SIM (tên là Mini nhưng thực chất lại cực to), sau đó là Micro SIM trên iPhone 4 (2010) và Nano SIM trên iPhone 5 (2012) cho đến hiện tại. Trong tương lai, Apple hoàn toàn có thể sẽ chuyển sang sử dụng eSIM (SIM tích hợp sẵn trong máy) nhằm tiết kiệm diện tích hơn nữa. Hiện tại, Apple đã áp dụng công nghệ này trên chiếc Apple Watch Series 3 bản LTE.
Không thay đổi: Cần gạt chế độ im lặng
Nổi tiếng với việc loại bỏ các phím bấm phần cứng, tuy nhiên có một chi tiết của iPhone được Apple giữ lại trong suốt nhiều năm qua mà gần như không một hãng nào khác làm, đó là cần gạt chế độ im lặng. Một cần gạt vật lý nghe thật "low-tech" và thừa thãi khi nó hoàn toàn có thể được điều khiển bằng phần mềm, tuy nhiên trong trường hợp này thì hướng đi của Apple lại rất hợp lý.
Người dùng có thể nhanh chóng chuyển giữa chế độ chuông/im lặng một cách rất nhanh chóng mà không cần mở khóa, không cần bật máy, thậm chí không cần phải rút ra khỏi túi quần, qua đó giúp họ chủ động hơn trong nhiều tình huống.
Thay đổi: Camera
Camera của iPhone đã có nhiều bước tiến trong 10 năm qua. Từ một camera 2MP không thể quay video, không có đèn flash, thậm chí không thể lấy nét tự động, nay camera của iPhone X đã có thể chụp ảnh xóa phông, zoom quang học, quay video 4K 60fps và đèn flash Quad-LED.
Năm 2007, người ta vẫn chưa biết đến cụm từ "selfie" - chụp ảnh tự sướng nghĩa là gì, một phần là do smartphone thời ấy chẳng được mấy máy có camera ở mặt trước. iPhone thế hệ đầu tiên cũng vậy. 10 năm sau, mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi camera trước là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm smartphone. Cho dù bạn không phải là tuýp người thích selfie, thì bạn cũng sẽ sử dụng nó để video call, hay đôi khi để làm gương.
iPhone X sở hữu camera trước tiên tiến nhất trên smartphone hiện nay. Không chỉ chụp ảnh selfie rất đẹp, hệ thống camera TrueDepth của iPhone X còn có khả năng nhận diện khuôn mặt theo chiều sâu, phục vụ cho tính năng bảo mật sinh trắc học Face ID và chụp ảnh xóa phông.
Không thay đổi: Vị trí đặt camera
Mặc cho việc hệ thống camera của iPhone đã được nâng cấp rõ rệt, có một thứ vẫn được giữ nguyên là vị trí - nó luôn nằm ở góc trên, bên trái của chiếc máy. Đương nhiên, Apple hoàn toàn có thể chuyển nó sang một vị trí khác, chính giữa chẳng hạn. Tuy nhiên, vị trí này đã được dành cho logo quả táo, và quan trọng hơn, ngón tay của người dùng sẽ vô tình che khuất ống kính khi cầm máy ở một số tư thế nhất định. Chính vì vậy, khả năng Apple di chuyển vị trí của camera trên các thế hệ iPhone tương lai là rất thấp.
Thay đổi: Thiết kế của iOS
iPhone là sản phẩm ra đời dưới triều đại của Steve Jobs và Scott Forstall (người phụ trách mảng xây dựng phần mềm cho iPhone), và đây đều là hai tín đồ của lối thiết kế "skeuomorphism" (thiết kế giao diện giống với đời thực). Lối thiết kế này đã được áp dụng trên những phiên bản iOS đầu tiên.
Sau khi Steve Jobs qua đời, Scott Forstall rời khỏi Apple và quan trọng nhất là người dùng tỏ ra "ngán tận cổ" với skeuomorphism, nhóm thiết kế do Jony Ive đứng đầu đã đem đến cho iOS (cụ thể là iOS 7) một diện mạo hoàn toàn mới, mang lối thiết kế phẳng, loại bỏ các chi tiết rườm rà để tập trung vào nội dung của người dùng.
Không thay đổi: Giao diện màn hình chính
Trải qua 11 phiên bản, iOS đã có thêm rất nhiều tính năng mới, cũng như là những thay đổi, tinh chỉnh xuyên suốt hệ điều hành. Tuy nhiên, thành phần cơ bản nhất là màn hình chính lại vẫn được giữ nguyên, chỉ bao gồm các hàng biểu tượng và thanh dock ở dưới cùng.
Rất nhiều người dùng mong muốn Apple cho phép họ có quyền tùy biến màn hình chính, thậm chí chỉ đơn giản là sắp xếp biểu tượng theo một vị trí bất kỳ. Tuy nhiên, Apple vẫn bỏ ngoài tai những yêu cầu này.
Thay đổi: Jailbreak
Những phiên bản iOS thuở sơ khai còn tồn tại rất nhiều hạn chế, vậy nên đa số người dùng đều jailbreak iPhone của mình nhằm tùy biến, cũng như có được những tính năng mà mình muốn. Đối với chiếc iPhone 2G, jailbreak thậm chí còn có thể coi là bắt buộc do đây là cách duy nhất để unlock chiếc máy này và sử dụng SIM tùy ý (thời gian đầu ra mắt, iPhone 2G là bản khóa mạng và chỉ có thể hoạt động với SIM của mạng AT&T).
Tuy nhiên, càng về sau, khi mà Apple dần dần bổ sung các tính năng mà người dùng yêu cầu, kho ứng dụng App Store phong phú, cộng thêm bảo mật của iOS ngày một nâng cao, số lượng người dùng jailbreak cũng vì thế mà thưa thớt dần. Nay, chẳng còn mấy ai jailbreak thiết bị của mình. Thậm chí, một trong số những người đi tiên phong trong lĩnh vực này đã thừa nhận: "Jailbreak đã chết".
Không thay đổi: Trình duyệt Safari
Trình duyệt Safari là một trong những thành phần quan trọng nhất của iOS, góp phần rất lớn trong trải nghiệm người dùng. Vào thời điểm năm 2007, có thể coi Safari là trình duyệt web "tử tế" duy nhất trên di động, khi nó được phát triển từ Safari trên Mac, hỗ trợ đầy đủ các công nghệ web (ngoại trừ Flash) và có thể hiển thị được một trang web như trên máy tính chứ không phải là WAP Sites rút gọn.
Phiên bản đầu tiên của Safari trên iPhone cũng được tích hợp một số tính năng như tab, tìm kiếm Google, bookmark, chia sẻ... với thanh công cụ nằm ở dưới cùng và bao gồm 5 nút bấm.
Safari trên iOS 11 và iPhone X rõ ràng là nhanh, mượt và nhiều tính năng hơn. Tuy nhiên, khi đặt cạnh phiên bản đầu tiên thì thực sự là không quá khác biệt - vẫn là thiết kế thanh công cụ nằm ở dưới với 5 nút bấm mang nhiệm vụ giữ nguyên. Mặc cho sự cạnh tranh của hàng loạt trình duyệt di động khác như Chrome hay Firefox với hàng loạt tính năng, Safari vẫn được số đông người dùng iPhone lựa chọn chính vì sự đơn giản, thân thuộc và dễ sử dụng này.
Xin cảm ơn CellphoneS đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"