iRender trong cuộc chiến điện toán đám mây toàn cầu

    Quang Vũ,  

    iRender là công ty công nghệ tiên phong và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đang tham gia vào sân chơi SaaS cho lĩnh vực đồ họa 3D dựa trên nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam.

    I. Xu hướng chung về điện toán đám mây trên thế giới

    Thị trường điện toán đám mây trên thế giới những năm gần đây phát triển bùng nổ và trở thành xu hướng tất yếu cho mọi doanh nghiệp cũng như mọi lĩnh vực.

    Theo IDC, gần 50% kinh phí đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp trên thế giới sẽ chi tiêu vào các dịch vụ CNTT dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Với tốc độ chung, rất nhanh chóng các dịch vụ SaaS (Software-as-a-Service) dựa trên nền tảng điện toán đám mấy sẽ chiếm 60% kinh phí đầu tư cho CNTT vào năm 2020.

    Tất nhiên là các nhà cung cấp SaaS hàng đầu hiện nay đều có bóng dáng tên tuổi của những ông lớn như: Amazon Web Services, Google Cloud, Microsoft Azure… cho phần lớn các dịch vụ công cộng cơ bản hay Adobe Creative Cloud, AutoDesk, 360-Cloud… cho các dịch vụ đồ họa 3D chuyên biệt.

    Điều này cho thấy SaaS gần như chiếm vị trí áp đảo trên thị trường công nghệ phần mềm. Rất nhanh chóng thị trường sẽ chạm mốc 100 tỷ USD toàn cầu từ con số 70 tỷ USD vào năm 2018.

    Cơ hội nào cho các công ty công nghệ Việt Nam tham gia vào miếng bánh điện toán đám mây toàn cầu đang phát triển với tốc độ khủng khiếp như thế?

    Gần đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Lê Quang Hiếu - CEO của iRender Việt Nam - một công ty công nghệ tiên phong và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đang tham gia vào sân chơi SaaS cho lĩnh vực đồ họa 3D dựa trên nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam.

    iRender trong cuộc chiến điện toán đám mây toàn cầu - Ảnh 1.

    Anh Lê Quang Hiếu (bên phải), Ceo của iRender Việt Nam

    II. Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường điện toán đám mây thế giới ?

    1. Được biết, hiện tại, công ty iRender là 1 nhà cung cấp dịch vụ kết xuất đồ họa dựa trên nền tảng điện toán đám mây duy nhất của Việt Nam tiên phong bước ra thị trường thế giới, anh có thể chia sẻ một vài nhận định về khó khăn và thuận lợi khi tham gia?

    Khi thị trường Cloud Computing trở nên phổ biến trên thế giới với thị phần hàng trăm tỷ USD mỗi năm, doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy thực sự có rất nhiều cơ hội

    Tuy nhiên, những cơ hội rõ ràng ai cũng nhìn thấy sẽ dành cho các ông lớn trên thị trường với sự sẵn có về tiềm lực tài chính và lợi thế cạnh tranh đặc biệt, như Amazon, Google, Microsoft… Trong phần lớn các dịch vụ Cloud công cộng từ cơ bản đến chuyên sâu, muốn thực sự tham gia vào sân chơi với các ông lớn, bạn phải tìm ra một lĩnh vực chuyên biệt và làm tốt hơn họ tối thiểu 10 lần. Đấy là lý do chính mà chúng tôi quyết định phát triển iRender đi theo hướng này, cung cấp một dịch vụ thực sự chuyên biệt trong lĩnh vực kết xuất đồ họa 3D dựa trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Rendering).

    iRender trong cuộc chiến điện toán đám mây toàn cầu - Ảnh 2.

    Giao diện phần mềm iRender rất trực quan và dễ sử dụng

    Ngay từ đầu dự án này, mình và các bạn trong team cũng xác định gặp nhiều khó khăn. Là doanh nghiệp nhỏ, lại là doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam mà giữ tham vọng lớn không khó khăn hơi phí (Cười).

    Nhưng cũng may mắn các bạn trong đội ngũ không nản, anh em hay động viên nhau mục tiêu cần đạt được phải làm trong 300 năm mới hết việc, giờ mình muốn làm trong 100 năm thì chỉ cần làm việc gấp 3 là được. Vạy nên, trong suốt 9 tháng phát triển sản phẩm, anh em đều làm cả thứ 7, chủ nhật và đảm bảo 12-14 tiếng một ngày ăn ngủ cùng sản phẩm. Dần dần, việc tập trung và chăm chỉ của team còn hơn cả một đức tính, nó là một dạng trí tuệ và chiến lược của đội ngũ.

    iRender trong cuộc chiến điện toán đám mây toàn cầu - Ảnh 3.

    Thành viên coreteam của iRender trong ngày ra mắt sản phẩm iRender tại thị trường Việt Nam

    May mắn thì dự án cũng xong giai đoạn đầu tiên, chúng mình đã đưa ra bản Beta vào 29/02 vừa rồi và bước đầu đã được thị trường đón nhận khá tốt.

    2. Anh vừa nói đến sự khác biệt, vậy Giải pháp của iRender có gì đặc biệt để cạnh tranh với những ông lớn khác trên thị trường thế giới ?

    Câu hỏi của bạn cũng là trăn trở của iRender rất nhiều tháng trước khi bắt đầu dự án này. Bất kỳ dự án nào, theo quan điểm cá nhân của mình, cũng gồm 4 yếu tố chính cần phân tích, gồm: Dung lượng thị trường, Tính khác biệt, Năng lực của đội ngũ, Tính thời điểm. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố phụ nữa…

    Trong 4 yếu tố đấy, mỗi thứ phân tích ra thì hàng tá câu hỏi cần trả lời, mình sẽ chỉ nói yếu tố thứ 2 như bạn hỏi, tính khác biệt của iRender:

    Đầu tiên là về công nghệ:

    Phần lớn các phần công việc liên quan đến công nghệ mà thường tiêu tốn chi phí rất lớn để mua bản quyền như: ảo hóa phần cứng, quản lý môi trường, tích hợp nền tảng điện toán đám mây… bên mình đều tự lập trình, tự xây dựng và giảm được chi phí cực lớn so với các đối thủ cạnh tranh trên thế giới. Và cái này nói ra hơi buồn nhưng mà thật, chi phí cho nhân sự công nghệ ở Việt Nam tương đối rẻ hơn so với các nước khác. Chính vì thế, iRender có lợi thế lớn về việc cải tiến sản phẩm liên tục mà vẫn giữ được chi phí tốt.

    Chi phí năng lượng

    Việt Nam mình, may mắn quá đến 80% số ngày trong năm là nắng, nên hạ tầng cho Cloud (Bao gồm hàng ngàn máy tính hiệu suất lớn) của bên mình đã và đang xây dựng hệ thống điện mặt trời riêng, khi ấy giá điện giảm xuống là vô cùng đáng kể. Chính vì điều ấy, bên mình có thêm nền tảng bền vững để duy trì giá dịch vụ ở mức thấp về lâu dài với các đối thủ cạnh tranh trên thế giới. Hiện tại, giá điện để duy trì hệ thống cùng một hiệu suất, các đối thủ cạnh tranh sẽ phải trả gấp đôi hoặc gấp ba so với iRender.

    Quy mô linh hoạt thông suốt, duy trì quản lý mô hình mạng lưới, ít phân cấp

    Tại iRender, về tương lai mình không biết có thể mở rộng đến hàng trăm nhân viên hay không, nhưng đội ngũ phát triển sản phẩm chính của bên mình sẽ cố gắng duy trì mức dưới 30 người. Trước khi nghĩ mình là CEO hay gì đó, thì đầu tiên và trên hết, mình là lập trình viên. Hằng ngày, mình vẫn trực tiếp làm việc liên tục với đội nhóm và khách hàng. Mình quan niệm nếu mình là người bếp trưởng nấu ra món ăn thì phải trực tiếp nghe lời khách hàng ăn món đó nhận xét bất cứ khi nào có cơ hội, chứ khó có thể đánh giá chính xác khi nghe qua một bạn phục vụ bàn.

    Chiến lược phát triển tập trung, cạnh tranh chiều sâu.

    Phần lớn các dịch vụ của đối thủ cạnh tranh đang phủ một mảng tương đối rộng cho các nền tảng phát triển đồ họa 3D. Khoảng 30 đến 50 nền tảng phát triển, họ tuy mạnh nhưng dàn trải. Ở iRender, mình hay nói với các anh em trong team rằng "Người ta thường lên kế hoạch cho những việc mình làm, nhưng quan trọng không kém phải lên kế hoạch cho những việc mình không làm nữa!", nên mọi người đều giữ được tập trung cần thiết để đi đủ sâu và đủ tốt cho một dịch vụ.

    Ví dụ hiện tại, trong năm nay mình chỉ đặt mục tiêu hỗ trợ tốt nhóm khách hàng sử dụng chính là: Họa sỹ làm hoạt hình, kiến trúc sư, và game dùng Blender, 3DsMax, C4D, Maya và SketchUp. Mục tiêu trong năm 2020, iRender sẽ là Cloud Rendering tốt nhất hỗ trợ Blender trên thị trường thế giới.

    iRender trong cuộc chiến điện toán đám mây toàn cầu - Ảnh 4.

    Anh Hưng – một admin cộng đồng Blender Việt Nam tham dự lễ ra mắt sản phẩm iRender

    iRender thực tế và dài hạn.

    Mình hay tâm niệm, cố gắng làm những việc bình thường theo cách khác thường chứ đừng làm những việc khác thường theo cách bình thường. Đấy là lý do mình không đặt những mục tiêu siêu to khổng lồ gì cả. Bên mình chỉ cố gắng cung cấp ra một dịch vụ Cloud Rendering thật tốt trong khả năng, chau chuốt tỉ mỉ, duy trì mức giá thực sự hợp lý cho khách hàng trên toàn thế giới. Với mình, trước mắt vậy là đủ.

    3. Thấy anh có nói đây chỉ là giai đoạn 1 của iRender, vậy anh có thể chia sẻ giai đoạn 2 định hướng phát triển như thế nào?

    Giai đoạn 2, iRender sẽ phát triển theo 2 hướng chính là chiều rộng và chiều sâu. Chiều rộng về quy mô trước nhé, bên mình sẽ tiếp tục phát triển để trở thành một nền tảng kết nối và chia sẻ hiệu suất máy tính cho thị trường. Ví dụ, bạn có máy tính đủ mạnh và rảnh, bạn có thể cài đặt App kết nối máy tính của bạn vào nền tảng chia sẻ hiệu suất máy tính của iRender. Khi ấy, máy tính của bạn được coi như 1 node hiệu suất và được chia sẻ doanh thu khi iRender dùng máy tính của bạn để kết suất. Bạn cứ tưởng tượng chúng mình sẽ cố gắng làm mô hình của Uber về hiệu suất máy tính cho dễ hình dung. Nếu đi thành công đến giai đoạn ấy, iRender sẽ giải được bài toán không phải đầu tư vốn lớn để xây dựng Render Farm mà vẫn có thể đủ năng lực hiệu suất để cung cấp ra thị trường thế giới.

    Còn về chiều sâu, vì có lợi thế từ việc render hàng nghìn jobs cho khách hàng mỗi ngày nên bên mình có điều kiện về dữ liệu (data). iRender sẽ từng bước dựng mô hình, ứng dụng Machine Learning vào việc cá nhân hóa trải nghiệm và nhận dạng đối với từng khách hàng về môi trường, công cụ, các model thông minh, về setting, hiệu ứng, jobs phù hợp xử lý bằng GPU hay CPU…nhằm jobs của họ được tối ưu nhất. Những thiết lập gợi ý có ích nhất tùy thuộc vào nhu cầu công việc của mỗi khách hàng riêng biệt.

    Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị và chúc iRender thành công!

    Cảm ơn bạn!

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ