Kẽ hở của YouTube giúp hai kẻ lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 triệu USD tiền bản quyền âm nhạc như thế nào?

    Nguyễn Hải, Theo Tổ Quốc 

    (Tổ Quốc) - Kẽ hở này cho thấy, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube ít được bảo vệ trước những kẻ lừa đảo như thế nào.

    Muốn ngồi không kiếm 23 triệu USD? YouTube đang tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo kiếm được những khoản tiền khổng lồ mà gần như không phải làm gì cả. Những kẻ đó chỉ cần xác nhận bản quyền đối với các clip âm nhạc mà người khác tải lên YouTube và sau đó ung dung thu tiền bản quyền từ chúng.

    Về cơ bản, đó là tất cả những gì mà hai người đến từ Phoenix đã làm để lừa hàng triệu USD tiền bản quyền từ các nghệ sĩ nhạc Latin như Daddy Yankee và Julio Igleisas. Chi tiết của vụ việc được trang Billboard đăng tải vào tuần trước.

    Vụ lừa đảo tiền bản quyền lớn chưa từng thấy trong lịch sử YouTube

    Theo Kristin Robinson của Billboard, Jose "Chenel" Medina Teran và Webster Batista đã cùng thành lập một công ty truyền thông có tên MediaMuv và tuyên bố sở hữu bản quyền đối với nhiều bài hát và tác phẩm nhạc Latin khác nhau. Tổng cộng, tính từ năm 2017 đến nay – thời điểm Teran và Batista bắt đầu trò lừa đảo của mình – MediaMuv đã tuyên bố sở hữu bản quyền đối với hơn 50.000 tác phẩm khác nhau với tổng số tiền lên đến 23 triệu USD.

    Kẽ hở của YouTube giúp hai kẻ lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 triệu USD tiền bản quyền âm nhạc như thế nào? - Ảnh 1.

    Để MediaMuv có thể đường hoàng tuyên bố sở hữu bản quyền và thu tiền từ các clip này thông qua hệ thống Content ID (Mã nhận dạng nội dung) của YouTube, những kẻ lừa đảo này hợp tác với AdRev, một công ty bên thứ ba có thể truy cập được vào các công cụ CMS (Hệ thống quản lý nội dung) và Content ID của YouTube và giúp các nghệ sĩ quản lý bản quyền kỹ thuật số của họ.

    MediaMuv tạo ra các tài liệu giả mạo để cung cấp cho AdRev nhằm chứng minh quyền sở hữu của mình đối với các tác phẩm âm nhạc. Từ đó, AdRev không chỉ giúp MediaMuv thu phí bản quyền đối với các clip này mà còn cho phép Terana và Batista truy cập trực tiếp vào công cụ CMS của YouTube để họ có thể tự tuyên bố sở hữu bản quyền đối với các tác phẩm khác.

    Vụ trộm tiền bản quyền kéo dài suốt 4 năm này chỉ bị phát giác và kết thúc vào cuối năm ngoái nhờ một cuộc điều tra của cơ quan thuế IRS. Theo Billboard, hai tên này đã bị truy tố với "30 tội danh về âm mưu lừa đảo, gian lận điện tử, rửa tiền và trộm cắp danh tính nghiêm trọng." Trong khi Teran không nhận tội, Batista đã nhận tội danh lừa đảo qua điện thoại và một tội danh âm mưu lừa đảo. Cũng chính Batista đã cho biết cách thức lừa đảo của bộ đôi này.

    Theo Billboard, vụ lừa đảo của Teran và Batista được xem là một trong những "vụ lừa lấy tiền bản quyền YouTube lớn nhất trong lịch sử."

    Kẽ hở của YouTube giúp hai kẻ lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 triệu USD tiền bản quyền âm nhạc như thế nào? - Ảnh 2.

    Kẽ hở trong hệ thống quản lý bản quyền của YouTube 

    Cho dù quy mô và cách thức của vụ lừa đảo này là chưa từng thấy, nó cũng cho thấy một hiểm họa mà nhiều nhà sáng tạo nội dung trên YouTube đã phải đối mặt trong nhiều năm qua. Hệ thống Content ID của YouTube – vốn được lập ra để giúp đỡ các nhà sáng tạo nội dung – đang bị những kẻ lừa đảo lợi dụng để kiếm tiền từ những nội dung không phải của chúng.

    Trong khi nhiều vụ việc chỉ là các cảnh báo lỗi do hệ thống tự động gây ra, vụ việc của MediaMuv là ví dụ hoàn hảo cho thấy, những kẻ lừa đảo đang lợi dụng kẽ hở trong các quy định bản quyền của YouTube để kiếm lời và gây thiệt hại cho các nhà sáng tạo nội dung như thế nào.

    YouTube cũng hiểu rất rõ sức mạnh của các công cụ CMS và Content ID, vì vậy họ rất hạn chế khả năng truy cập từ bên ngoài vào công cụ này. Nhưng chính điều này lại làm các nhà sáng tạo độc lập và các nghệ sĩ không thể kiểm tra được các tuyên bố sở hữu bản quyền giả mạo là đúng hay sai cũng như có khả năng chống lại các tuyên bố giả mạo đó. Họ cần phải làm điều đó qua một công ty quản lý bản quyền để có được khả năng truy cập đó.

    Nhưng dường như những kẻ lừa đảo cũng biết quá rõ điều này và làm tương tự như vậy. Chúng có thể làm giả các tài liệu để giành quyền truy cập vào các công cụ của YouTube thông qua các bên thứ ba – được YouTube "tin tưởng" cấp quyền truy cập.

    Trong khi các nhà sáng tạo nội dung gần như không có công cụ nào để bảo vệ tác phẩm của mình, hãy nhìn vào quãng thời gian dài đến không thể tin nổi trong trò lừa đảo của MediaMuv. Rất có thể ngoài MediaMuv, vẫn còn nhiều kẻ lừa đảo khác cẩn thận hơn vẫn đang lừa lấy tiền của các nghệ sĩ trên thế giới mà vẫn chưa bị phát hiện ra.

    Tham khảo Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ