KFC chuẩn bị sản xuất món gà viên chiên đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng công nghệ in 3D sinh học

    DG,  

    Món ăn đặc biệt này sẽ được tạo ra từ tế bào động vật, kết hợp với 1 số gia vị bí mật để tạo ra mùi vị đặc trưng đã làm nên tên tuổi của KFC.

    KFC là 1 trong những thương hiệu đồ ăn nhanh phổ biến nhất thế giới và nổi tiếng với những món gà rán trứ danh của mình. Mới đây, đại diện công ty này đã bất ngờ tiết lộ họ đang nuôi tham vọng tạo ra món gà viên chiên (chicken nugget) đầu tiên trên thế giới được làm từ công nghệ in 3D sinh học. Đây được xem là 1 phần trong kế hoạch xây dựng mô hình “nhà hàng tương lai” của KFC.

    Để hiện thực hóa điều đó, KFC đã bắt tay hợp tác với công ty 3D Bioprinting Solutions của Nga để phát triển công nghệ in 3D sinh học, có khả năng “in” ra thịt gà từ tế bào của chúng, kết hợp với các loại rau củ quả khác. KFC cũng sẽ cung cấp những nguyên liệu như bánh mì, gia vị độc quyền để tạo ra hương vị gà rán đặc trưng của hãng.

    KFC chuẩn bị sản xuất món gà viên chiên đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng công nghệ in 3D sinh học - Ảnh 1.

    Trong tương lai, KFC sẽ phục vụ thực khách món gà viên chiên được làm 100% bằng công nghệ in 3D sinh học.

    1 điều đáng lưu ý là quá trình in 3D sinh học mà KFC mô tả sẽ sử dụng chất liệu lấy từ động vật. Vì vậy, các sản phẩm gà viên chiên mới, về lý thuyết, vẫn sẽ là thịt và không phù hợp với những người ăn chay. Sở dĩ điều này lại quan trọng là bởi KFC vẫn đang mở bán 1 số khẩu phần ăn chay tại 1 số cơ sở cửa hàng của mình. Ví dụ như năm ngoái, công ty này đã trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh đầu tiên tại Mỹ cho ra mắt món gà rán Beyond Meat - thực chất là các loại rau củ giả thịt, dự kiến sẽ triển khai rộng rãi hơn trong mùa hè năm nay.

    KFC cho biết gà viên chiên làm từ công nghệ in 3D sinh học sẽ thân thiện với môi trường hơn so với những sản phẩm thịt gà thông thường. Họ cho biết Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường Hoa Kỳ đã từng đăng tải 1 bài nghiên cứu chỉ ra rất nhiều lợi ích trong việc sản xuất thịt từ tế bào động vật, bao gồm giảm khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng hơn so với những giải pháp chăn nuôi lấy thịt truyền thống.

    Yusef Khesuani, đồng sáng lập của 3D Bioprinting Solutions cho biết: “Các công nghệ in 3D sinh học vốn rất phổ biến trong ngành y dược, nhưng giờ đã được ứng dụng rộng rãi trong cả lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là với mặt hàng thịt. Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ này sẽ cho phép chúng tôi “in” ra nhiều sản phẩm thịt một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng mối quan hệ hợp tác với KFC sẽ giúp những sản phẩm thịt làm từ tế bào động vật nhanh chóng trở nên phổ biến hơn trên thị trường thế giới”.

    KFC chuẩn bị sản xuất món gà viên chiên đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng công nghệ in 3D sinh học - Ảnh 2.

    Công nghệ in 3D sinh học vốn đã được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực y học.

    Mặc dù đã có nhiều đột phá trong lĩnh vực y học, nhưng in 3D sinh học vẫn là 1 quá trình rất phức tạp và khá chậm chạp. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California ở Berkeley từng nghiên cứu in 3D nội tạng con người để phục vụ những ca phẫu thuật cấy ghép. Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng những nguyên mẫu sinh học ban đầu thường sẽ bị hủy hoại trước khi quá trình in ấn hoàn tất. Vì vậy, giới chuyên gia nhận định vẫn cần phải mất 1 khoảng thời gian dài nữa, in 3D sinh học mới có thể trở nên phổ biến và ứng dụng rộng rãi hơn.

    KFC tiết lộ rằng bài thử nghiệm “in” gà viên chiên cuối cùng của họ sẽ được tiến hành tại Moscow ngay trong mùa thu năm nay. Mặc dù không chia sẻ quá nhiều chi tiết về sự khác biệt giữa công nghệ in 3D sinh học mà họ sử dụng với những công nghệ in 3D khác, nhưng đại diện của thương hiệu này nhấn mạnh: “Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có công nghệ nào đủ sức để tạo ra 1 sản phẩm phức tạp từ tế bào động vật”. Ngoài ra, KFC cũng chưa ấn định thời gian sản xuất đại trà để khách hàng của mình có thể thử thưởng thức món gà viên chiên in 3D đầu tiên trên thế giới.

    Theo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ