Khám phá công nghệ màn hình mới của iPhone 5

    H.A, H.A 

    Đúng là Apple.

    Ngày nay để chọn mua một smartphone ưng ý, ngoài các yếu tố như giá cả, thương hiệu hay cấu hình phần cứng cần xem xét thì kích cỡ màn hình hay công nghệ sản xuất màn hình cũng là một điểm quan trọng. Đối với smartphone, đa phần người dùng sẽ tương tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng, mọi nhu cầu như chơi game, xem phim hay lướt web đều hiển thị qua màn hình. Do đó, không ai muốn sử dụng một chiếc điện thoại có độ phân giải thấp hay màn hình quá nhỏ cả. 
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
     
    Nokia Lumia 920 có được coi là chuẩn của công nghệ màn hình mới?
     
    Chính vì thế, công nghệ sản xuất màn hình điện thoại trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhảy vọt. Chúng ta đã nghe rất nhiều đến các công nghệ màn hình phổ biến hiện nay như Super AMOLED, True HD hay Super LCD. Mới đây, Nokia cũng đã thu hút nhiều sự chú ý khi giới thiệu về công nghệ màn hình mới mang tên PureMotion HD trên Nokia Lumia 920.

    Như đã giới thiệu trước đó, công nghệ PureMotion HD có nhiều ưu điểm so với các thế hệ màn hình cũ trước đó như tăng khả năng hiển thị dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, tăng tốc độ phản hồi của điểm ảnh qua đó giúp thao tác cuộn trang không bị nhòe và đặc biệt là tăng độ nhạy của màn hình. Người dùng có thể đeo găng tay mà vẫn thao tác dễ dàng trên màn hình cảm ứng của Lumia 920. Nokia coi đây là công nghệ chiến lược giúp cho Lumia 920 có thể chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
     
    iPhone 5 không chịu thua kém
     
    iPhone 5 là sản phẩm điện thoại ra mắt sau Lumia 920 nên rõ ràng sự kỳ vọng của người dùng nói chung và các iFan nói riêng đặt lên sản phẩm của nhà táo là rất lớn. Những người yêu công nghệ, đặc biệt là các fan của Apple trông đợi một iPhone hoàn hảo hơn, có màn hình lớn hơn và mang đến nhiều công nghệ tiên tiến. Và iPhone 5 đã có màn ra mắt tuy chưa thực sự ấn tượng nhưng phải nói rằng không có nhiều điều để chê bai về kiểu dáng hay tính năng của chiếc điện thoại này.

    Ngoài thiết kế được trau chuốt tỉ mỉ hơn, trang bị bộ vi xử lý A6 mạnh mẽ hay hỗ trợ kết nối mạng 4G LTE thì màn hình chính là một điểm nhấn tăng thêm tính thẩm mỹ cũng như trải nghiệm cho người dùng. So với người anh em 4S, màn hình của iPhone 5 được tăng kích thước lên 4 inch, đồng thời số điểm ảnh cũng tăng thêm 18% và đạt độ phân giải 1136x640 pixel. iPhone 4S trước đây được Apple giới thiệu là không thể phát hiện các điểm ảnh bằng mắt thường và điều này đã được người dùng kiểm nghiệm chính xác. Khi sử dụng qua iPhone 4S, người viết thực sự ấn tượng về chất lượng của màn hình độ phân giải Retina, phải nói rằng màn hình có độ nét cũng như màu sắc tuyệt vời. 
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
     
    Và chắc chắn iPhone 5 sẽ kế nhiệm được điều này khi mật độ điểm ảnh trên màn hình 4 inch là 326 ppi cho khả năng xem phim HD hay chơi game rất “đã” mắt. Và nhiều người cảm thấy băn khoăn rằng giữa màn hình của Lumia 920 và iPhone 5 thì công nghệ nào sẽ giành chiến thắng. Thật khó để nói về vấn đề này khi mà cả 2 đều chưa chính thức đến tay người dùng. Tuy nhiên, mỗi loại công nghệ đều có những ưu điểm riêng nhất định. Chúng ta đã nói về công nghệ PureMotion HD trên Lumia 920 thế còn công nghệ màn hình cảm ứng “in-cell” của iPhone 5 thì sao?

    Công nghệ màn hình cảm ứng “in-cell” cũng mới được ứng dụng cách đây không lâu và có thể chỉ ra những cái tên đình đám ứng dụng công nghệ này là iPhone 5 và “khủng long” LG Optimus G. Công nghệ màn hình “on-cell” cũ trên iPhone 4S có đặc điểm là màn hình được cấu tạo 3 lớp gồm LCD, lớp cảm biến cảm ứng điện dung và mặt kính.
     
    Tuy nhiên, công nghệ "in-cell" trên iPhone 5 sẽ giúp loại bỏ lớp cảm ứng cảm biến điện dung riêng biệt và một lớp chất keo dính. Lớp cảm ứng cảm biến điện dung sẽ được nhúng trực tiếp vào panel LCD TFT làm giảm độ dày của màn hình (có thể giảm độ dày khoảng 0,5 mm). 
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
    Lớp cảm ứng màu cam sẽ được nhúng trực tiếp vào panel LCD TFT.
     
    Công nghệ mới này ngoài việc tạo ra màn hình iPhone mỏng và sáng hơn còn giúp tiết kiệm thời gian cho quy trình sản xuất màn hình iPhone. Phương pháp của công nghệ “in-cell” có thể hiểu là việc kết hợp các điện cực thường dùng để tiếp nhận thao tác chạm nhập liệu vào với nhau. Cụ thể, các kỹ sư sẽ tạo ra điện cực để xử lý tín hiệu quản lý thao tác chạm lẫn các điểm ảnh trên màn LCD.

    Công nghệ “in-cell” đã góp công lớn giúp iPhone 5 mỏng hơn và nhẹ hơn so với iPhone 4S. Nếu so sánh với Lumia 920 thì iPhone 5 chỉ dày 7,6 mm và nặng 112 g so với kích cỡ 10,7 mm và nặng tới 185 g của Lumia 920.
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
     
    Sau đây là một số ưu điểm của công nghệ màn hình cảm ứng “in-cell”:

    1. Giúp iPhone 5 mỏng hơn

    Tuy chưa phải là smartphone mỏng nhất thế giới nhưng con số 7,6 mm cũng khiến nhiều đối thủ phải cảm thấy ghen tị. Như đã trình bày ở trên, việc giảm bớt lớp kính ở giữa, kết hợp màn LCD vào với tấm cảm ứng, trở thành một lớp duy nhất giúp cho màn hình của iPhone 5 mỏng hơn. Qua đó cũng tác động tổng thể làm giảm độ dày và trọng lượng của điện thoại iPhone.
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
     
    2. Hình ảnh hiển thị tốt hơn

    Màn hình càng nhiều lớp thì chất lượng hình ảnh càng giảm do lượng ánh sáng đi qua các lớp này không còn độ ổn định như lúc đầu. Nếu bạn quen dùng tấm dán màn hình chống vân chẳng hạn, bạn sẽ thấy tấm dán này có ưu điểm là chống bám vân bề mặt rất tốt, nhưng bù lại sẽ làm màn hình trở nên tối hơn. Đó là vì ánh sáng đã bị cản lại khi phải đi qua thêm một lớp màn hình. Nếu gỡ tấm dán ra, chúng ta sẽ thấy màn hình hiển thị sáng và rõ hơn nhiều.

    Do đó, trên lý thuyết, việc giảm bớt một lớp màn hình khi sử dụng công nghệ “in-cell” sẽ giúp hình ảnh trên iPhone hiển thị sắc nét và màu sắc trung thực hơn.
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
    Màn hình của iPhone mang lại những trải nghiệm chơi game tuyệt vời.

    3. Giúp giảm trọng lượng máy

    iPhone 4S chỉ sở hữu màn hình 3,5 inch nhưng lại dày 9,3 mm và nặng 140 g. Trong khi iPhone 5 được trang bị màn hình lớn hơn nhưng lại có bước đột phá ấn tượng về trọng lượng. iPhone 5 mỏng hơn 18% và nhẹ hơn 20% so với iPhone 4S. Điều này một phần nhờ vào màn hình sử dụng công nghệ cảm ứng “in-cell”.

    Một chiếc điện thoại mỏng và nhẹ sẽ dễ chiếm được cảm tình của người dùng, đặc biệt là nữ giới. Do đó, Apple đã chọn một hướng đi khôn ngoan khi tạo nên một sản phẩm quá hoàn mỹ về mặt thiết kế mặc dù xét về mặt kiểu dáng công nghiệp thì iPhone 5 không có thay đổi lớn như Nokia đã làm cho dòng máy Lumia. Bản thân người viết không phải một fan của Apple nhưng thực sự vẫn có cảm tình với một thiết bị mỏng và nhẹ hơn là những sản phẩm dày và có phần “nặng nề”.
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
     
    4. Thêm khoảng trống để lắp pin lớn hơn

    Theo nhà phân tích Shawn Lee từ DisplaySearch cho biết, việc màn hình mỏng hơn thông qua công nghệ có tên “in-cell” sẽ giúp tăng diện tích để Apple trang bị pin lớn hơn cho sản phẩm của mình. Trên lý thuyết, theo lập luận của Lee thì màn hình cảm ứng “in-cell” có thể mang lại lợi ích như cung cấp pin dung lượng lớn hơn, giúp mô-đun màn hình mỏng hơn 0,5 mm với lượng điện năng cung cấp khoảng 600 Wh/l (watt giờ/lít), dẫn đến sự gia tăng dung lượng pin ít nhất 40% trong iPhone 5.

    5. Giúp sản xuất màn hình nhanh hơn, đơn giản hơn

    Nhà phân tích Ming Chi-Kuo của công ty KGI Securities cho rằng việc chuyển sang công nghệ màn hình cảm ứng "in-cell" có thể giúp dây chuyền cung ứng màn hình của Apple hoạt động hiệu quả hơn, nhanh hơn. Do quy trình sản xuất sẽ tiết kiệm được thời gian do giảm bớt việc gia công một lớp màn hình. Qua đó, việc sản xuất hàng chục triệu màn hình iPhone mỗi quý sẽ giảm bớt được một lượng thời gian lớn.
     
    kham-pha-cong-nghe-man-hinh-moi-cua-iphone-5
    Quy trình sản xuất màn hình "in-cell" được rút ngắn so với quy trình "on-cell".
     
    Tổng hợp
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ