10 vũ khí sinh học nguy hiểm nhất thời đại (Phần 2)

    Trung Kiên,  

    10 vũ khí nguy hiểmVũ khí sinh học chính là một trong những “sáng tạo” khủng khiếp nhất của loài người. Không ai có thể lường trước được hậu quả khi xảy ra một cuộc chiến tranh sinh học... (tiếp theo và hết).

    Bioweapon 5: Độc tố botulinum
     
    Hãy hít thật sâu nào. Nếu trong lượng khí bạn vừa hít vào có chứa độc tố botulinum, bạn không có cách nào biết được điều đó. Và với những vũ khí sinh học lan truyền theo đường không khí, điều cần thiết là phải không có màu sắc và mùi vị. Sau khoảng 12 đến 36 tiếng sau, triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện: mắt nhìn mờ, nôn và khó nuốt. Tại thời điểm ấy, hy vọng duy nhất của bạn là một liều giải độc botulism – và phải sử dụng trước khi các triệu chứng trở nên nặng hơn. Nếu không được điều trị, sự liệt cơ sẽ xảy ra, ban đầu là cơ xương, và sau đó là đến cơ hô hấp – bạn sẽ tử vong.
     

     
    Nếu không được hỗ trợ về hô hấp, vi khuẩn Clostridium botulinum sẽ giết chết bạn trong khoảng 24 đến 72 giờ. Vì lý do đó mà loại vi khuẩn chết người này được đưa vào danh sách các vũ khí sinh học loại A. Với sự trợ giúp của máy thở, tỉ lệ tử vong giảm từ 70% xuống còn 6%, nhưng phải mất nhiều thời gian để hồi phục. Đó là vì độc tố gắn chặt vào nơi đầu dây thần kinh nối với cơ, ngắt tín hiệu điều khiển từ não bộ. Để có thể hồi phục hoàn toàn, cơ thể bệnh nhân cần phải tái tạo các cúc tận cùng của dây thần kinh – việc này thường kéo dài nhiều tháng. Và mặc dù tồn tại vaccin, nhưng do có nhiều tác dụng phụ nên không được sử dụng rộng rãi.
     
    C. botulinum xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong đất và trầm tích dưới đại dương. Bào tử thường bám vào rau quả và các loại sinh vật biển. Khi ấy, chúng không có hại gì cả. Chỉ khi nào chúng bắt đầu phát triển thì chúng mới tiết ra độc tố. Con người thường nhiễm độc do dùng thức ăn ôi thiu, thức ăn bảo quản bằng nhiệt độ và hóa chất không thích hợp là môi trường giúp bào tử vi khuẩn phát triển. Vết thương sâu và đường ruột của trẻ nhỏ cũng là hai nơi có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn.
     

     
    Độc tố, tính khả dụng và khả năng điều trị bị giới hạn giúp độc tố botulinum trở thành một đề tài ưa thích trong các chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học. May mắn thay, hiệu quả của vũ khí này không cao. Năm 1990, những thành viên của tổ chức khủng bố Aum Shinrikyo đã phân tán độc tố bằng cách phun sương để chống lại các mục tiêu chính trị, tuy nhiên không gây ra tỉ lệ tử vong như mong muốn. Năm 1995, nhóm này chuyển sang sử dụng tác nhân hóa học sarin gas trong vụ tấn công dưới tàu điện ngầm ở Tokyo, làm 12 người chết và hàng nghìn người bị thương.
     
    Bạn cứ nghĩ vũ khí sinh học là phải tác động trực tiếp tới đối phương, làm tổn thương đối phương. Tuy nhiên, hai phần tiếp theo sẽ cho thấy, loại vũ khí sinh học tác động đến nguồn cung cấp lương thực cũng gây ra hậu quả không nhỏ.
     
    Bioweapon 4: Bệnh đạo ôn – rice blast
     
    Có rất nhiều vi khuẩn, virus và độc tố đe dọa tới loài người, tuy nhiên có rất nhiều tác nhân sinh học khác lại ảnh hưởng theo một cách khác: các loại cây trồng. Cắt nguồn cung cấp lương thực của đối phương là một chiến lược được thử nghiệm nhiều trong quân sự, khi mà một quốc gia phải chống lại quân xâm lược, hay bị vây hãm trong bức tường thành. Không có lương thực, dân chúng sẽ yếu, hoảng sợ, náo loạn và chết.
     

     
    Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nga, đã chi ngân sách đáng kể cho việc nghiên cứu các dịch bệnh và côn trùng tác động đến nguồn lương thực. Thực tế là, trong nền nông nghiệp hiện đại, việc tập trung canh tác chỉ một loại lương thực nào đó sẽ là miếng mồi béo bở cho những kẻ muốn phá hoại và gây ra nạn đói.
     
    Một loại vũ khí sinh học như vậy là rice blast – một dịch bệnh cho cây trồng gây ra bởi nấm Pyricularia oryzae (hay Magnaporthe grisea). Lá của cây bị bệnh nhanh chóng bị xám lại bởi hàng nghìn bào tử nấm. Sau đó các bảo tử nấm nhân lên, lan sang các cây khác, hút hết chất dinh dưỡng của cây trồng và làm giảm sản lượng trầm trọng. Trong khi việc phát triển các dòng kháng nấm là biện pháp tốt để chống lại dịch bệnh cho cây trồng thì với rice blast, hiện tại chưa có cây trồng nào kháng được toàn bộ 219 dòng của loại nấm này.
     

     
    Loại vũ khí sinh học này không đảm bảo gây chết người như đậu mùa hay botulism, nhưng nó có thể gây ra nạn đói nghiêm trọng cho các nước nghèo, cũng như sự sụt giảm về tài chính và nhiều vấn đề khác...
     
    Nhiều quốc gia đã theo đuổi và phát triển rice blast như một loại vũ khí sinh học, trong đó có Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ hủy bỏ chương trình nghiên cứu của mình, gần 1 tấn nấm đã được phát tán khắp châu Á trong chiến tranh xâm lược.
     
    Bạn thích ăn hamburger hơn ăn cơm? Phần tiếp theo sẽ cho bạn thấy, miếng thịt bạn đang ăn chưa hẳn đã an toàn.
     
    Bioweapon 3: Dịch tả trâu bò – Rinderpest
     
    Khi Genghis Khan xâm lược châu Âu vào thế kỉ 13, ông đã tình cờ làm lan tràn một vũ khí sinh học nguy hiểm trên vùng đất vừa xâm chiếm được. Những gia súc vận chuyển lương thực cho ông đã mang đến một bệnh dịch đáng sợ cho gia súc, hiện được biết đến với cái tên tiếng Đức – rinderpest.
     

     
    Rinderpest gây ra bởi một virus giống virus sởi, gây bệnh cho gia súc và các động vật nhai lại khác như dê, bò rừng hay hươu cao cổ. Bệnh lây lan nhanh, làm con vật bị bệnh sốt, chán ăn, lỵ và viêm màng nhầy. Bệnh diễn ra khoảng 6 đến 10 ngày, thường gây chết cho các con vật do mất nước trầm trọng.
     
    Qua nhiều thế kỉ, loài người đã tìm ra được nhiều động vật khác bị nhiễm rinderpest khắp thế giới, hậu quả để lại trầm trọng với hàng triệu con ngựa và nhiều loài khác bị chết. Khi đó, đại dịch xảy ra ở châu Phi trầm trọng đến nỗi những con sư tử đói khát ở đây không còn thức ăn, và chuyển sang ăn thịt người, những người chăn nuôi gia súc kiệt quệ và phải tự tử. Nhờ có chương trình tiêm chủng vaccin, hiện nay rinderpest đã được kiểm soát ở hầu hết các nơi trên thế giới.
     
    Trong khi Genghis Khan sử dụng rinderpest không có chủ ý, nhiều quốc gia hiện đại khác lại có mục đích riêng của mình. Canada và Mỹ đều đã có những nghiên cứu riêng về loại virus này, sử dụng chúng như vũ khí sinh học nhắm tới các loài gia súc.
     
    Nhiều vũ khí sinh học có nguồn gốc từ thế giới cổ đại. Ngược lại, nhiều loại khác chỉ mới xuất hiện.
     
    Bioweapon 2: Nipah Virus
     
    Virus luôn thích ứng và phát triển theo thời gian. Với dân số thế giới đang ngày một gia tăng, việc xuất hiện một bệnh dịch mới là không thể tránh khỏi. Và khi một dịch bệnh nào đó nặng hơn hết thảy, gây hại hơn hết thảy, thì gần như chắc chắn sẽ có người nghĩ đến việc biến chúng thành những vũ khí sinh học.
     

     
    Nipah virus là một virus gây bệnh, gây chú ý cho các tổ chức y tế năm 1999. Dịch bùng nổ ở vùng Nipah thuộc Malaysia, gây bệnh cho 265 người, trong đó 105 người tử vong. Dù trong số đó 90% là những người buôn bán lợn, các nhà nghiên cứu lại cho rằng virus này có nguồn gốc từ loài dơi ăn quả. Nguồn gốc chính xác phương thức lây truyền virus còn nhiều nghi ngờ, nhưng các nhà chuyên môn cho rằng virus có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp hay qua dịch cơ thể. Dù sao thì, chưa có báo cáo nào cho thấy virus có thể lây truyền từ người sang người.
     
    Bệnh cảnh diễn biến trong khoảng 6 – 10 ngày, triệu chứng đa dạng từ nhẹ, giống cảm cúm thông thường như sốt, đau cơ... đến viêm não. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng uể oải, đờ đẫn, mất định hướng, co giật, và tỉ lệ tử vong là 50%. Hiện tại chưa có phác đồ điều trị chuẩn hay vaccin phòng bệnh.
     

     
    Nipah virus được liệt vào danh sách các vũ khí sinh học loại C. Dù hiện tại chưa rõ có quốc gia nào nghiên cứu về nó hay chưa, nhưng khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong 50% khiến nó trở thành một trong những vũ khí sinh học cần đề phòng.
     
    Trong thiên nhiên đã xuất hiện các yếu tố giúp loài người giết hại lẫn nhau. Nhưng điều đó không làm thỏa mãn một số người. Trong phần cuối, chúng ta hãy cùng xem xem, một số nhà khoa học đã mong muốn cải tiến các thứ vũ khí chết người này như thế nào.
     
    Bioweapon 1: Chimera Viruses
     
    Dịch hạch, đậu mùa, bệnh than – một thế giới chết chóc của các tác nhân sinh học luôn đe dọa mạng sống con người. Chúng không ngừng biến đổi, tiến hóa và sinh ra các chủng mới nguy hiểm hơn. Nhưng sẽ ra sao, nếu chính con người chúng ta thay đổi bộ gen của chúng? Điều gì khủng khiếp sẽ xảy ra khi người ta làm điều đó để tiến hành một cuộc chiến tranh? Không may, những điều đó không còn là phỏng đoán hay chỉ xuất hiện trong các tiểu thuyết viễn tưởng – nó đang thực sự diễn ra.
     

     
    Trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, chimera là con quái vật đuôi rắn, mình dê, đầu sư tử. Các nhà nghệ thuật cuối thời Trung cổ thường sử dụng nó như một hình ảnh của tổ hợp những gì độc địa của thiên nhiên. Trong di truyền học hiện đại, một chimeric organism là một thực thể sống có chứa gen của các loài khác. Dùng một tên chung cho tất cả các thực thể sống như vậy, bạn có thể nhầm rằng, tất cả các chimera đều rất đáng sợ – đó đều là những cố gắng thay đổi thiên nhiên của con người nhằm phục vụ cho các mục đích xấu. May mắn thay, không phải như vậy, sự mở rộng các kiến thức về khoa học di truyền đã giúp tạo ra các sinh vật giúp ích cho con người. Ví dụ về một chimera, sự kết hợp giữa common cold – một loại virus đường hô hấp – với polio – virus gây viêm tủy xám – lại có thể giúp chữa các khối ung thư não.
     
    Nhưng các cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục, sự lạm dụng các ngành khoa học như thế này là không thể tránh khỏi. Các nhà khoa học di truyền đã tăng khả năng gây chết người của bệnh đậu mùa và bệnh than bằng cách thay đổi cấu trúc gen của virus gây bệnh. Bằng cách tổ hợp gen, các nhà khoa học đã phỏng đoán rằng có thể tạo ra một loại virus mà gây ra hai bệnh. Cuối những năm 80, Dự án nghiên cứu Chimera của Nga đã tạo ra được loại siêu virus bằng cách tổ hợp gen của bệnh đậu mùa với Ebola.
     

     
    Một ác mộng khác có thể xảy ra, là việc phát triển các loại virus mà cần các tác nhân khác để kích hoạt chúng. Một virus tiềm ẩn – stealth virus – sẽ ở ẩn trong cơ thể sống, không hoạt động cho đến khi nhận được một tín hiệu kích thích nào đó. Hãy thử tưởng tượng trong trường hợp này, với độc tố botulinum, khi kết hợp với liều giải độc tố, chỉ làm tăng thêm tỉ lệ tử vong cho nạn nhân. Như vậy những vũ khí sinh học loại này sẽ không chỉ mang tỉ lệ tử vong cao hơn, mà còn làm mất sự tin tưởng của dân chúng vào chính phủ, vào hệ thống y tế quốc gia.
     
    Thế kỉ 20 vừa qua, với sự phát triển của khoa học, từ khả năng chia cắt nguyên tử đến việc bẻ gãy bộ gen của sinh vật, các nghiên cứu khoa học đã đem lại cho con người khả năng tiềm tàng to lớn để xây dựng một thế giới tốt hơn – cũng như phá hủy thế giới ấy.
     
    Tham khảo Howstuffwork
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ