Gián robot có thể được dùng vào mục đích trinh sát và tìm kiếm người bị vùi dưới đống đổ nát trong các thảm họa thiên nhiên.
Các chuyên gia thuộc Đại học Liên bang Immanuel Kant vùng Baltic của Nga đã phát triển thành công một loại gián robot có thể được dùng vào mục đích trinh sát và tìm kiếm người bị vùi dưới đống đổ nát trong các vụ động đất. Robot gián này không chỉ đặc biệt bởi kích thước nhỏ gọn mà còn có hình dạng và cách di chuyển giống hệt như một con gián thực sự.
Ngay từ đầu, mục tiêu của các nhà phát triển là tìm cách để mọi chuyển động của con robot phải giống loài gián hết sức có thể. Người ta đã sử dụng loài gián Blaberus Giganteus Nam Mỹ để làm nguyên mẫu chế tạo. Cơ thể loài gián Nam Mỹ này có thể đạt tới 10 cm chiều dài và chạy với tốc độ 30 cm mỗi giây.
Robot gián của các nhà khoa học Nga cũng có các thông số tương tự, hơn nữa, nó có thể mang được một thiết bị có khối lượng lên đến 10 g, ví dụ như một máy ảnh mini hoặc một thiết bị nghe trộm.
Các kỹ sư Nga đã làm việc cật lực trong suốt 7 tháng để hoàn thành việc chế tạo gián robot. Trong suốt quá trình phát triển và hoàn thiện, các chuyên gia liên tục theo dõi và giám sát hành vi của những con gián Blaberus Craniifer thực tế. Họ cho biết: "Nguyên mẫu robot đầu tiên được làm từ những vật liệu có sẵn và rẻ tiền như - kẹp giấy, pin, servo, kim tiêm với một lò xo bên trong để tạo ra các mạch điện cường độ thấp. Phiên bản cuối cùng là kết quả tối ưu hóa của hơn hai chục phiên bản robot mẫu."
Danil Borchevkin, kỹ sư trưởng của đại học liên bang BFU I.Kanta lưu ý: "Phần khó khăn nhất chính là tìm kiếm các phụ tùng. Phần lớn trong số đó được chúng tôi tự làm lấy. Ví dụ, có một công ty của Áo chào hàng các khớp truyền động với giá 1 bộ cho 1 con gián khoảng 600.000 rúp (hơn 9000 USD, tương đương 204 triệu VND). Đây hoàn toàn vượt xa ý định chế tạo robot giá rẻ, vì thế chúng tôi buộc phải tự mình chế tạo."
Các nhà chế tạo robot Kaliningrad cho hay, trước đó cũng đã có nhiều nhóm nghiên cứu nỗ lực làm gián robot. Tuy nhiên, chỉ tới bây giờ công nghệ mới cho phép chế tạo các thiết bị đủ nhỏ gọn, mô phỏng chính xác cách chuyển động cùng các đặc đặc trưng của côn trùng.
Alexei Belousov, một giáo viên Vật lý và kỹ thuật cũng làm việc tại BFU I.Kanta, là trưởng nhóm thiết kế của dự án, kiêm kỹ sư cơ học và điện tử robot, nhấn mạnh: "Đại học Berkeley đã dành ra 4 năm làm việc với dự án gián robot, nhưng sản phẩm họ làm ra lại không biết “bò” giống loài gián. Tuy gián của họ chạy nhanh hơn gián của chúng tôi, nhưng chúng lại không biết cách quay đầu chuyển hướng, và trông thì chẳng giống gián một tí nào!"
Các hệ thống cảm biến tiếp xúc, không tiếp xúc, và cảm biến ánh sáng cho phép những chú gián robot Kaliningrad tránh được các chướng ngại vật và phát hiện các vật thể. Trong tương lai gần, gián robot sẽ được trang bị hệ thống định vị, nhờ đó nó có thể di chuyển theo lộ trình đã định sẵn. Hệ thống này sẽ bao gồm một tập hợp các thiết bị có trong smartphone tiêu chuẩn ngày nay - con quay hồi chuyển, gia tốc kế và từ kế. Ngoài ra, thời gian hoạt động độc lập của các robot gián cũng sẽ được cải thiện. Hiện tại, robot gián có thể di chuyển liên tục trong 20 phút mỗi lần sạc đầy.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?