Điểm mặt những vũ khí công nghệ cao đang tham chiến tại Syria

    PnM,  

    Việc triển khai Su-34 và các máy bay khác tại chiến trường Syria cho phép Nga có cơ hội thử nghiệm các loại vũ khí của mình trong điều kiện thực chiến.

    Việc Nga đem quân tới đánh tổ chức nhà nước hồi giáo tự xưng IS (Islamic State) đã có được những kết quả ban đầu. Hành động này của Nga khiến cho NATO và Mỹ đứng ngồi không yên. Không xét về các mục đích chính trị, thì trong trận chiến này rất nhiều trang bị tiên tiến của quân đội Nga lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong thực chiến. Nói không sai, chiến trường Syria đã trở thành bãi thử nghiệm vũ khí mới của Nga.

    Máy bay chiến đấu hiện đại

     Su-34 với chiếc mũi đặc biệt được mệnh danh là thú mỏ vịt

    Su-34 với chiếc mũi đặc biệt được mệnh danh là "thú mỏ vịt"

    Từ ngày 30-9 các máy bay của không lực Nga đã tiến hành hàng chục đợt không kích lớn vào các mục tiêu của lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS.

    Trên thực tế, từ khi đưa vào hoạt động thì máy bay tiêm kích Su-30SM và máy bay chiến đấu ném bom Su-34 của chưa từng được kiểm nghiệm trong chiến đấu.

    Su-34 là tổ hợp thiết bị điện tử hoàn chỉnh, có tất cả mọi thứ cần thiết để phục vụ cho tác chiến trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là những vũ khí dẫn đường thông minh.

     Thử nghiệm ghế tự bung của phi công Su-34

    Thử nghiệm ghế tự bung của phi công Su-34

    Su-34 có những tiện nghi tạo sự thoải mái cho các phi công khi thực hiện các nhiệm vụ bay dài để tăng hiệu quả chiến đấu. Với buồng lái rộng lớn, 2 phi công được xếp ngồi song song với nhau, họ còn có thể đứng lên để vương vai, thư giãn gân cốt, cực kỳ phù hợp cho những hàng trình bay xa. Thậm chí máy bay còn có cả buồng vệ sinh riêng, đây là điều mà không loại máy bay chiến thuật nào sánh được.

    Hệ thống điều khiển vũ khí và các thiết bị điện tử-sóng vô tuyến có trong trang bị của Su-34 đều được hiện đại hóa, đảm bảo độ chính xác cao khi ném bom với sai số chỉ vài mét, và hoạt động trong với mọi điều kiện thời tiết. Với 8 tấn vũ khí, gồm tên lửa siêu âm, hạ âm và bom, Su-34 có thể phá hủy những mục tiêu được bảo vệ và được ngụy trang kỹ càng trong bán kính hoạt động lên tới 250 km.

     Bố trí vũ khí trên Su-34

    Bố trí vũ khí trên Su-34

    Sắp tới Nga còn có kế hoạch trang bị cho Su-34 hệ thống an toàn chủ động sử dụng trí thông minh nhân tạo. Hệ thống này cho phép máy bay thực hiện nhào lộn theo mọi trục khiến Su-34 trở nên linh hoạt hơn khi tham chiến, cho phép máy bay bay lướt qua trên các ngọn cây và mặt đất với tốc độ cực đại là 1.400 km/h.

     

    Su-34 trổ tài không kích mục tiêu mặt đất

    Su-34 có thể bay men theo địa hình thấp (Terrain Contour Matching), bay vòng lên tránh những chướng ngại vật bất ngờ và bay xuyên qua khu vực phòng không mặt đất của quân địch. Nhờ vậy, phi công có thể hoạt động bí mật, ném bom với độ chính xác cao, bất ngờ phá hủy vũ khí, các tên lửa phòng không và hệ thống phòng thủ mặt đất của quân địch.

    Trực thăng tấn công mạnh mẽ

    Nga đưa tới chiến trường Syria các loại trực thăng tấn công mạnh mẽ Mi-24/Mi-35 và trực thăng đa năng năng Mi-8.

     Cá sấu Mi-24A có trong biên chế của quân đội Việt Nam

    Cá sấu Mi-24A có trong biên chế của quân đội Việt Nam

    Trực thăng Mi-24 còn có tên gọi là “Letayushiy tank” (Xe tăng bay) hoặc “Krokodil” (Cá sấu) vì hình dạng ngụy trang và thiết kế thân của nó. NATO gọi Mi-24 là Hind và xem Mi-24 như một trong những trực thăng đa năng nhất thế giới. Nó có thể tăng tốc lên đến 300km/h và bay ở độ cao 4500m. Mỗi chiếc Mi-24 của Nga tại Syria được trang bị 20 tên lửa không đối đất cùng một pháo 30mm. Trực thăng này có khả năng hoạt động rất sát mặt đất, đem lại hiệu quả cao cho các nhiệm vụ tuần tra, tấn công.

    Mi-24 sử dụng 2 động cơ turbine TV3-117, mỗi động cơ có công suất 2.200 mã lực. Thiết kế 5 cánh quạt giúp mẫu trực thăng này có lực nâng tốt hơn và bay ít ồn hơn. Về hỏa lực, ngoài các tên lửa và đại bác, Mi-24 có thể mang 2 quả bom 500kg, hoặc 4 quả 250kg.

    Vũ khí trang bị của “Cá sấu” tùy thuộc nhiệm vụ: hỗ trợ trên không, chống xe tăng, hay chiến đấu trên không chống lại các trực thăng tấn công khác. Thân máy bay được bọc thép tốt và các phiến cánh quạt titan có thể chống lực va chạm từ những viên đạn 12,7 mm. Buồng lái được tăng áp để bảo vệ đội bay trong trường hợp sử dụng địch sử dụng vũ khí hạt nhân, Sinh học, Hóa học. Máy bay sử dụng bộ ba bánh đáp có thể thu vào. Với mục tiêu thiết kế vừa là máy bay chiến đấu vừa là máy bay chở quân, Hind không có đối thủ trực tiếp từ NATO.

     

    Cá sấu Mi-24 nhả đạn

    Mi-25 và Mi-35 là các phiên bản xuất khẩu có định danh NATO là Hind D và Hind E. Từ năm 1978 đến nay đã có khoảng 2.300 chiếc Hind đã được sản xuất, trong đó có 600 chiếc phục vụ cho xuất khẩu.

    Vũ khí thông minh cực kỳ chính xác

    Phía Nga thông báo, họ sẽ làm mọi thứ có thể để tránh thương vong cho dân thường. Vì thế, những đòn tấn công giáng vào quân khủng bố dưới mặt đất thường được thực hiện bởi các loại bom và tên lửa tấn công “thông minh”.

    Bom chính xác cao được Nga sử dụng ở Syria là các loại bom điều chỉnh được hướng rơi KAB-250 (có trọng lượng 250kg) và KAB-500 (trọng lượng 500kg), được phát triển trong những năm 2000 dành cho máy bay ném bom thế hệ thứ năm PAK-FA.

    Trong đó, 2 phiên bản bom phá bê tông BETAB-500 và bom phá mảnh OFAB-250 được dùng để phá hủy hầm ngầm, kho chứa của các phần tử khủng bố.

    Bom OFAB-250 có đường kính chỉ 225 mm, chiều dài 3,2 m, trọng lượng 250 kg, trong đó, trọng lượng thuốc nổ là 127 kg. KAB-250 đủ nhỏ để lắp cả trong khoang bom bên trong tiêm kích tàng hình, cũng như trên các mấu treo dưới cánh của các tiêm kích ném bom. Các máy bay của Nga thường thả bom xuống từ độ cao 5km, sau đó bom tự điều chỉnh quỹ đạo rơi rất chính xác dựa vào dữ liệu tọa độ từ máy bay và theo hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh GLONASS.

     

    Ấn Độ thử bom KAB-500 thả trúng giữa mục tiêu

    Cơ chế hoạt động này khiến tính chính xác của bom rất cao: sai số vòng tròn đồng tâm (CEP) chỉ trong phạm vi 2 mét, tấn công phá hủy hàng loạt các mục tiêu quan trọng là cứ điểm, sở chỉ huy, kho bãi, điểm trú quân…, của các phần tử khủng bố thuộc IS trong cả ngày lẫn đêm và mọi điều kiện thời tiết.

    Trong khi bom chính xác cao được hệ thống GLONASS dẫn đường thì tên lửa không đối đất được điều khiển bằng đầu laser tự dẫn đường. Phi công chỉ việc hướng các chùm tia laser vào mục tiêu, còn tên lửa tự bay tới đích theo cách của nó. Không quân Nga sử dụng các tên lửa không đối đất độ chính xác cao Kh-25ML (định danh NATO là AS-10 Kerry) và Kh-29L (định danh NATO là AS-14 Kedge).

     

    Kh-25 ML
    Kh-25 ML

    Kh-25ML là một trong những biến thể chính của dòng tên lửa không đối đất tầm ngắn hạng nhẹ do Cục thiết kế Zvezda-Strela nghiên cứu phát triển từ những năm 1960 và vẫn được sản xuất cho tới tận ngày nay.

    Nó có trọng lượng 299kg, dài 370,5cm, đường kính thân 27,5cm, sải cánh 75,5cm. Kh-25ML đạt tầm bắn 11km, tốc độ hành trình 1.370-2.410 km/h, với 2 loại đầu đạn tấn công là chạm nổ và xuyên nổ. Tên lửa có thể được phóng thẳng hoặc phóng khi máy bay bổ nhào góc -40 độ.

    Tên lửa Kh-29
    Tên lửa Kh-29

    Vympel Kh-29 (AS-14 Kedge) là loại tên lửa siêu âm được bắt đầu sử dụng trong không quân Liên Xô từ những năm 1980, chuyên dùng cho các nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực trên bộ, trên biển, công kích các mục tiêu kiên cố, các loại tàu chiến đấu, tàu đổ bộ, tàu hậu cần chỉ huy…

     

    X-29 được phóng đi từ máy bay

    Kh-29L có thể được lắp trên trên các máy bay ném bom cường kích Su-24, Su-34, nặng 660kg, dài 3,9m, lắp các loại đầu đạn từ 320kg đến 500kg, tầm bắn đạt 8-10km, tốc độ bay 900-1.260 km/h.

    Đặc biệt là Kh-29L có khả năng công phá rất cao với bộ chiến đấu của tên lửa có trọng lượng lên tới 500 kg. Loại tên lửa điều khiển chính xác cao này có khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ lệch dưới 7m.

    Hệ thống tác chiến điện tử hiện đại

    Quân đội Nga đã triển khai tại Syria hệ thống tác chiến điện tử mới nhất của mình “Krasukha-4”, vốn chuyên dùng để đánh chặn các hệ thống radar trên không và chống lại các máy bay do thám không người lái.

    "Krasuha" là tổ hợp gây nhiễu phạm vi rộng được sử dụng để ngăn chặn hoạt động do thám bằng radar của các máy bay cảnh báo sớm tầm xa và các máy bay tấn công, gây nhiễu radar của các máy bay không người lái cũng như của các vệ tinh do thám vô tuyến. "Krasukha-4" được đưa vào trang bị từ năm 2012 và vào biên chế của các lực lượng quân đội từ năm 2013.

    Theo tuyên bố của các nhà sản xuất, "máy làm mù" Krasukha-4 có khả năng che phủ hoàn toàn đối tượng được bảo vệ khỏi sự phát hiện của radar ở tầm xa từ 150 đến 300 km, đồng thời có thể phá hủy các thiết bị vô tuyến và tác chiến điện tử của kẻ thù.

    Các đặc tính kỹ chiến thuật của tổ hợp đến nay vẫn được giữ kín.

     

    Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga

    Về cấu tạo, tổ hợp Krasukha-4 gồm hai ăng-ten, một ăng-ten phát tín hiệu và một ăng-ten thu tín hiệu. Giá đỡ của ăng-ten được gắn chặt vào khung và được đặt trên khung gầm xe bánh hơi 4 trục KAMAZ. Đặc biệt, hệ thống Krasukha-4 có khả năng làm việc tin cậy trong điều kiện nhiệt độ từ -50 độ C đến 50 độ C.

    Tổng hợp

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ