"Đô đốc Kuznetsov" - hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga còn hoạt động

    PnM,  

    Dù được đánh giá là quốc gia có lực lượng hải quân đứng thứ 2 thế giới về sức mạnh tác chiến, thế nhưng hải quân Nga chỉ có một chiếc tàu sân bay đang còn hoạt động mang tên Đô đốc Kuznetsov.

    Như chúng ta đã biết, một trong những biểu tượng sức mạnh của quân đội Mỹ - siêu cường quân sự hàng đầu thế giới - chính là lực lượng tàu sân bay. Trong khi các hạm đội tàu sân bay (HĐTSB) của Mỹ được biết tới rộng rãi, thì các dòng tàu sân bay của Nga và hạm đội kèm theo lại rất “kín tiếng”. Bài viết này sẽ dành để giới thiệu về Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay hạng nặng duy nhất của Nga đến giờ vẫn đang lênh đênh trên biển cả.

    Trước hết, chúng ta cần hiểu tàu sân bay là gì?

    Tàu sân bay, hay hàng không mẫu hạm, là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay— trên thực tế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Vì vậy các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cách lớn không phụ thuộc vào các căn cứ ở gần đó để làm căn cứ trên mặt đất cho máy bay.

    Tàu sân bay lớp Nimitz mang tên USS John C. Stennis (CVN 74) đang thực hiện nhiệm vụ trên biển Ả-rập. Ảnh chụp 21 tháng 2 năm 2007.

    Các lực lượng hải quân hiện đại với những con tàu như vậy coi chúng là trung tâm của hạm đội, vai trò trước đó do thiết giáp hạm đảm nhận. Sự thay đổi này, một phần vì sự phát triển của chiến tranh trên không đã trở thành một phần quan trọng của chiến tranh trong Thế chiến thứ hai. Các tàu sân bay không có hộ tống được coi là dễ bị các tàu khác, máy bay, tàu ngầm hay tên lửa tấn công, vì thế chúng buộc phải di chuyển với đội tàu hộ tống. Trong lực lượng hải quân của nhiều nước, đặc biệt là Hải quân Hoa Kỳ, một tàu sân bay được coi là tàu chủ lực. Hiện nay, Mỹ có 11 tàu sân bay đang hoạt động, trung bình mỗi tàu sân bay của Mỹ có thể mang theo tới 70 chiến đấu cơ các loại.

    Các hạm đội tàu sân bay của Mỹ đã tham gia vào tất cả các cuộc xung đột vũ trang của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới II, và tất cả những lần tham gia như vậy đều chứng minh được tầm quan trọng chiến lược của các tàu sân bay. Vì thế, không chỉ Mỹ mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đều có tham vọng sở hữu tàu sân bay, coi đây là chìa khóa tiến ra “vùng biển xanh” (đại dương) của các cường quốc quân sự.

    Danh sách các nước hiện đang sở hữu tàu sân bay trên thế giới (theo Wikipedia).

    Do chi phí chế tạo đắt đỏ, đòi hỏi công nghệ cao và cơ cấu hoạt động phức tạp, nên chỉ có các quốc gia có tiềm lực cả về công nghệ và kinh tế mới có điều kiện sở hữu các tàu sân bay. Sức mạnh của hạm đội tàu sân bay đến từ khả năng phối hợp công-thủ giữa các chiến hạm trong nhóm tàu và các đơn vị máy bay chiến đấu mang theo. Trên thế giới có thể ghi nhận 2 trường phái tàu sân bay là "tấn công" (Mỹ, Phương Tây) và "phòng thủ" (Liên Xô).

    Học thuyết quân sự “sống sót, bắn trước và có thể tiêu diệt trước” quyết định đặc điểm của tàu sân bay Nga

    Sau thế chiến thứ 2 và trong chiến tranh lạnh, do đã có kinh nghiệm chế tạo và kinh nghiệm sử dụng từ cuộc chiến trên Thái Bình Dương, nên Mỹ sở hữu một số lượng đáng kể các HĐTSB. Trong khi đó so với Mỹ thì Liên bang Xô viết lại không đủ tiềm lực, kinh nghiệm sử dụng dòng vũ khí hải quân hiện đại này. Ý thức được sự nguy hiểm của từ các HĐTSB, người Nga đã phải tìm cho mình chiến lược hải quân riêng: Sử dụng các đơn vị tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa như: tàu ngầm thuộc Đồ án 971 Shchuka-B, 945 Bаrrаcudа, 671RTM Shuka… để tấn công, còn các lớp tàu mặt nước trong biên chế chủ yếu mang ý nghĩa phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, tuần tra…

    Tàu ngầm K-322 "Kashalot" thuộc đồ án 971 (Định danh NATO Akula - Cá mập) trên biển, tháng 10 năm 1993

    Hầu hết các chiến hạm của hải quân Liên Xô đều được vũ trang mạnh bằng các tổ hợp pháo, tên lửa phòng không các tầm nhằm nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa từ trên không. Ngoài ra, chiến hạm của hải quân Xô viết còn được trang bị các tổ hợp tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa với mục đích “sống sót, bắn trước và có thể tiêu diệt trước”.

    Tuy nhiên, vì sự ưu việt trong khả năng thực hiện đa nhiệm vụ và khả năng phòng không hạm đội của tàu sân bay, hải quân Xô viết cũng đã bắt tay vào phát triển các dòng tàu sân bay của riêng mình. Họ đặt nặng tính phòng thủ và khả năng độc lập tác chiến cao hơn nhiều so với vai trò đơn thuần là căn cứ nổi như các hạm tàu sân bay của Mỹ và phương Tây. Điển hình cho mô hình học thuyết tàu sân bay của Liên Xô là tuần dương hạm tên lửa hạng nặng mang máy bay (TAVKR) thuộc Đồ án 1143.5 Kreml với 2 chiến hạm loại này còn tồn tại tới ngày nay là Kuznetsov (hải quân Nga sở hữu), hạ thủy năm 1985 và chiếc Varyag chưa hoàn thiện (Trung Quốc mua lại của Ukraine từ năm 1998), hạ thủy năm 1988. Mỹ và Phương Tây đã dành cho lớp chiến hạm thuộc Đồ án 1143.5 biệt danh “Tên đồ tể mang máy bay” vì trang bị vũ khí hạng nặng của lớp tàu này.

    Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

    Sau khi hoàn thiện tàu sân bay lớp Kreml, Liên Xô đã bắt tay vào phát triển các lớp tàu sân bay hoàn thiện, có tính kế thừa hơn (vừa có dốc phóng máy bay Skijump, vừa có máy phóng hơi nước và mang động cơ hạt nhân…) là Đồ án 1153/1160 và 1143.7, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các Đồ án tàu sân bay nói trên đều bị hủy bỏ.

    Kuznetsov - TAVKR “vũ trang hạng nặng” với nhiều điểm khác biệt

    Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (đặt theo tên Đô đốc Hải quân Liên Xô Nikolay Gerasimovich Kuznetsov) là loại tàu tuần dương hạm mang máy bay nên đôi khi nó được xem là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động của Hải quân Nga. Tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev trên bờ Biển Đen thuộc Ukraina từ 1985 nhưng phải đến năm 1995 mới chính thức đi vào hoạt động.

    Quân số trên tàu là 1.690 người (626 người phụ trách phi đội bay, 40 nhân viên trực tín hiệu điều tiết không lưu), 3.857 phòng. Tàu Kuznetsov được trang bị 17 máy bay (12 chiếc Su-33 và 5 chiếc Su-25), 24 trực thăng (4 chiếc Ka-27LD32, 18 chiếc Ka-27PLO và 2 chiếc Ka-27S). Không như các tàu sân bay khác của phương Tây vốn luôn cần một đội tàu hộ tống, tàu Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác với hệ thống vũ khí riêng của mình chứ không cần một đội tàu bảo vệ vì đây vốn là một tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng.

    Tàu Đô đốc Kuznetsov có thể hoạt động độc lập mà không cần đội tàu hộ tống như các tàu sân bay Mỹ

    Trong khi hầu hết các tàu sân bay của Phương Tây và Mỹ đều được trang bị động cơ hạt nhân để đảm bảo khả năng tác chiến không giới hạn, thì TAVKR lại mang 8 động cơ nồi hơi và 4 động cơ turbin khí có tổng công suất khoảng 280.000 mã lực. Với trang bị như trên, TAVKR thuộc Đồ án 1143.5 có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 30 hải lý/giờ và tầm hoạt động đạt khoảng 14.000 km với tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ.

    Một điểm đặc biệt nữa ở TAVKR là việc sử dụng dốc phóng (Skijump) nghiêng 12 độ giúp máy bay cất cánh trên boong thay vì các máy phóng hơi nước trên các tàu sân bay của Mỹ. Việc này giúp đơn giản hóa kết cấu của tàu và dành không gian cho các trang bị vũ khí dưới boong. Ở phương Tây, chỉ có lớp tàu sân bay Invincible của hải quân Anh là dùng kết cấu giúp máy bay cất cánh dạng này.

    Chiến đấu cơ Su-33 cất cánh từ dốc phóng đặc trưng của Kuznetsov

    Trang bị máy bay cơ bản trên boong của TAVKR thuộc đồ án 1143.5 là 33 máy bay cánh cố định gồm: Su-33, Mig-29K, Su-25 UTG/UBP và Yak-41M (đã bị loại bỏ), và 22 máy bay trực thăng hải quân gồm: Ka-27-LD (chức năng cảnh báo và chỉ huy trên không - AWACS), Ka-27 PLO (săn tàu ngầm) và Ka-27-S (tìm kiếm-cứu nạn). Tổng diện tích mặt sàn trên boong của TAVKR đạt 14.700 mét vuông.

    Để cảnh giới trên không, TAVKR sử dụng radar băng tần D/E, radar tìm kiếm mục tiêu bề mặt băng tần F, chỉ huy bay băng tần G/H, dẫn đường băng tần I và dẫn bắn cho các tổ hợp vũ khí phòng không tầm cực ngắn (CIWS) là 4 radar băng tần K. Ngoài ra, TAVKR còn được trang bị trang bị sonar thủy âm gắn cố định trên thân và thiết bị tìm kiếm hạ âm để phát hiện và tấn công các mục tiêu dưới nước.

    Trong khi các tàu sân bay của Phương Tây và Mỹ chỉ mang các tổ hợp vũ khí phòng thủ cơ bản, còn nhiệm vụ phòng thủ hạm đội chủ yếu là của các chiếm hạm hộ tống, thì trang bị của TAVKR gần như tương đương với một tuần dương hạm hạng nặng thực sự.

    Để nâng cao hiệu quả phòng không, TAVKR mang theo 24 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn 3K95 Kinzhal (Tor “hải quân”) với 192 đạn tên lửa có tầm bắn hiệu dụng đạt 12 km và tầm cao 6 km. Kết hợp với Kinzhal, 8 tổ hợp pháo/tên lửa CIWS Kortis (Kashtan), gồm 8 đạn tên lửa 9M311 và 2 pháo nòng xoay 30mm GSh-6-30 cho mỗi tổ hợp, và 6 tổ hợp pháo phòng không cực nhanh AK-630 30mm đảm bảo khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay và xuồng cao tốc đối phương muốn “tiếp cận” chiến hạm này. Phục vụ phòng thủ chống ngầm, TAVKR được trang bị 2 tổ hợp rocket săn ngầm RBU-12000 UDAV-1 (12.000 là phạm vi hoạt động của tổ hợp – 12 km) với 60 đạn rocket trong bệ.

    Cửa phóng tên lửa hành trình diệt hạm P-700 Granit trên TAVKR Admiral Kuznetsov

    Vũ khí tiến công chủ lực của chiếc chiến hạm có trọng tải 55.200 tấn (khi cần có thể đạt 58.600 tấn) này chính là 12 bệ phóng trang bị đạn tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh P-700 Granit (tên NATO SS-N-19 Shipwreck) nằm ngay dưới boong tàu. Tên lửa Granit (NATO gọi là SS-N-19 Shipwreck) có tầm bắn hơn 400 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường.

    Dòng tên lửa siêu thanh nặng 7 tấn này có khả năng tiêu diệt các phương tiện tàu nổi của đối phương ở phạm vi 550-625 km ở vận tốc siêu thanh đạt Mach 1,6 – 2,5. Với cơ chế dẫn đường đa dạng (quán tính pha đầu, hiệu chỉnh đường bay pha giữa và tự dẫn chủ động pha cuối), P-700 tấn công mục tiêu bằng đầu đạn thông thường nặng 750 kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá 500 Kilotone. Đây là dòng vũ khí “đặc sản” của Nga, mà Phương Tây và Mỹ không có dòng vũ khí tương đương.

    Với trang bị như trên, khi hoạt động trong hạm đội, TAVKR có vai trò chính là phòng không hạm đội, săn ngầm và cường kích (hạn chế). Tuy nhiên, khi hoạt động độc lập, TAVKR cũng có thể đảm nhiệm vai trò kỳ hạm của hạm đội như một tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng.

    Thực trạng con tàu ngày nay

    Con tàu này từ khi ra đời đã liên tục gặp trục trặc, đến nỗi trong giới binh sỹ Nga tồn tại một câu nói vui: "Nếu anh không tuân thủ kỷ luật, anh sẽ bị phái đến phục vụ trên tàu Kuznetsov". Thế hệ tàu đô đốc Kuznetsov bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Số lượng máy bay mang được chưa được 1/2 khả năng của các tàu sân bay Mỹ. Con tàu cũng thường xuyên xảy ra những bất ổn về cơ khí.

    Tàu sân bay Kuznetsov mỗi lần đi biển luôn có một chiếc tàu kéo đi kèm. Nếu động cơ của tàu sân bay gặp sự cố, tàu kéo này sẽ làm nhiệm vụ kéo tàu sân bay về cảng. Đây là vấn đề muôn thuở của tàu sân bay Kuznetsov cũng như chiếc Varyag đã bán cho Trung Quốc. "Khi tàu sân bay có chuyến đi ra đại dương mà phải có tàu lai dắt đi cùng thì điều đó có nghĩa là không ai nghĩ là nó sẽ tự mình trở về căn cứ từ đại dương”. Phó Chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị, tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov đã nhận xét về con tàu như vậy.

    Tàu đã bị xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo trì sau một thời gian dài phải neo đậu một chỗ, không được trang bị hệ thống sưởi ấm nên khi trời lạnh, nước đóng băng ở mọi chỗ, thậm chí làm nứt hệ thống đường ống. 60% số phòng trên tàu không được cung cấp nước, dù là mùa đông hay mùa hè. Con tàu có 50 nhà vệ sinh nhưng chỉ có 25 cái được phép hoạt động. 50% số ống thông hơi cũng bị hư hỏng trong khi trên tàu có rất ít cửa sổ nên bên trong tàu rất ngột ngạt. Chỗ ăn ở, sinh hoạt cho thủy thủ đoàn cũng không được tốt.

    Tàu được đại tu nâng cấp từ năm 2012 để loại bỏ những hạn chế hiện nay và tu sửa một số bộ phận. Chuyến hải hành gần đây nhất của tàu sân bay Admiral Kuznetsov là vào tháng 5/2014. Từ tháng 9/2014 đến nay tàu dường như chỉ bảo trì kỹ thuật. Ngày 14/5/2015, tàu sân bay Admiral Kuznetsov Nga đã đến nhà máy ở bang Murmansk để đại tu sau gần 30 năm hoạt động. Hãng RIA Novosti ngày 20/8/2015 dẫn lời phát ngôn viên của Hạm đội Phương Bắc, Đại uý Andrei Luzik cho biết tàu sân bay Admiral Kuznetsov bắt đầu trở về căn cứ của Hạm đội sau hơn 3 tháng bảo dưỡng 3 tại xưởng đóng tàu số 82 vùng Murmansk.

    Tàu bắt đầu cho thấy khả năng của mình khi bắt đầu tham gia vào nhiều cuộc tập trận trên biển hơn từ năm 2000. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Sukhorukov tuyên bố, trong năm 2012 sẽ đặt hàng mua 28 máy bay MiG-29K cho tàu sân bay tuy nhiên so sánh giữa các tiêm kích hạm MiG - Su, các chuyên gia quân sự Nga đánh giá MiG-29K có nhiều tính năng kém hơn so với Su-33 là thành phần cơ bản trong trang bị của Kuznetsov hiện nay.

    Tàu đã được Hải quân Nga dùng để thử nghiệm sơ bộ tổ hợp tổ hợp định vị vệ tinh mới và thu được một số kết quả, tổ hợp này sẽ giúp phi công hạ cánh xuống đường băng tàu dù trong tình trạng không thấy gì hay trong điều kiện thời tiết bất lợi, nếu thử nghiệm hệ thống thành công thì những cơ hội mới sẽ mở ra không chỉ riêng cho lực lượng chiến đấu cơ phục vụ cho hải quân, Su-33 có trang bị tổ hợp mới đã thực hiện vài lần hạ cánh trên tàu.

    Hệ thống động lực tàu chiến của các nước trên thế giới đã không còn sử dụng nồi hơi mà sử dụng tua-bin điện và các thiết bị động lực hiện đại khác nên thiết bị nồi hơi của tàu sân bay Kuznetsov được nhận xét về cơ bản chỉ tương đương "thời kỳ đồ đá" trong ngành động cơ tàu chiến.

    Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ tối thiểu cứ mỗi 3 năm phải trải qua ít nhất 8 tháng hoạt động trên biển còn từ năm 1991 tàu sân bay Kuznetsov chỉ có thể thực hiện 4 chuyến đi biển ở phạm vi hẹp và phải có tàu kéo đi theo để đề phòng sự cố nồi hơi.

    Kế hoạch cho tương lai

    Mới đây, Nga đã nối lại việc phát triển và dự kiến đóng mới các hạm tàu sân bay mới trong tương lai gần. Tại Triển lãm Hải quân quốc tế lần thứ 7 (IMDS) diễn ra từ ngày 1-5/7 vừa qua tại Trung tâm triển lãm LenExport ở St. Petersburg, giới chức Nga tiết lộ: Nga đã bắt tay thiết kế, chế tạo tàu sân bay thế hệ mới. Trung tâm Nghiên cứu Krylov, vốn có kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển tàu biển từ năm 1894, đã hoàn thành việc thiết kế chiếc tàu sân bay hạng nặng mới với mã hiệu 23000E Storm.

    Tàu được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau tại các đại dương xa xôi, có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền, trên biển bằng vũ khí và nhóm máy bay trên tàu, cũng như được trang bị khả năng phòng không và chống ngư lôi.

    Theo dự thảo của Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Krylov, con tàu này sẽ có thể mang theo 100 máy bay, gấp hơn 2 lần khả năng của tàu Đô đốc Kuznetsov.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ