Không chỉ dừng lại ở việc nhân bản các loài thú cưng, tham vọng của Sooam Biotech còn lớn hơn thế rất nhiều: trong số đó, có cả hồi sinh voi ma mút, loài động vật đã tuyệt chủng từ cách đây hàng ngàn năm
Hàng tuần, cứ tới ngày thứ 6, Junichi Fukuda lại rời căn hộ tại thành phố Tokyo của mình để bắt lên máy bay tới Seoul, Hàn Quốc. Sau đó, ông đi tới một phòng thí nghiệm ở bên rìa thành phố, đón một nàng chó mực có tên Momotan về căn hộ đã được thuê ở gần đó. Nàng chó 5 tháng tuổi này sẽ ở cùng ông đến cuối tuần, trước khi được gửi trả về phòng thí nghiệm để ông có thể trở về Tokyo và tiếp tục công việc của mình.
Ông Fukuda, 55 tuổi, đã đều đặn làm việc đó hàng tuần từ đầu tháng 5, và sẽ tiếp tục làm như vậy đến hết tháng 11 – thời điểm mà Momotan đủ lớn để có thể trở về Nhật cùng với ông.
Ông Fukuda chia sẻ: “Nếu con bé không chịu đi theo tôi chỉ vì nó không quen tôi, tôi sẽ rất đau lòng. Vậy nên tôi nghĩ việc đến gặp con bé mỗi cuối tuần là hoàn toàn cần thiết.”
Sự thật, Momo là một nàng chó được nhân bản vô tính – là thành tựu mới của các nhà khoa học tại Sooam Biotech, Hàn Quốc. Và khi tìm hiểu thêm về công nghệ này, thật bất ngờ, nhân bản chó là một việc vô cùng đơn giản và dễ thực hiện, miễn là bạn chịu chi ra 100.000 USD.
Junichi Fukuda cùng với “bản gốc” của Momotan - Momoko
Fukuda đã sẵn lòng chi ra số tiền lớn đó, chỉ để nhân bản cún cưng Momoko của mình, người bạn chia ngọt sẻ bùi cùng ông qua suốt 16 năm đầy khó khăn.
“Đây đúng là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất của tôi. Nhờ Momoko mà tôi mới có động lực để vượt qua quãng thời gian sau khi ly dị, và trở nên thành công hơn trong cuộc sống” – Ông Fukuda, hiện đang làm chủ một công ty quảng cáo và dịch vụ truyền hình tại Tokyo, chia sẻ.
Cuối năm ngoái, Fukuda đã kịp cùng với các nhà khoa học tại Sooam lấy mẫu tế bào gốc của Momoko trước khi nàng chó này qua đời. Và chỉ ba tháng sau đó, Momotan – sản phẩm nhân bản của Momoko đã sẵn sàng chào đón thế giới. “Momotan giống y như Momoko vậy, dù rằng tôi biết đây là một nàng cún khác hoàn toàn”, ông Fukuda cho hay.
Sooam không chỉ là nơi đi tiên phong trong lĩnh lực nhân bản chó trên thế giới, mà đồng thời tại đây những thành tựu đáng kể về công nghệ gen cũng đang được diễn ra. Rất có thể, trong tương lai, những nhà khoa học của Sooam có thể tạo nên những bước đột phá trong việc tạo ra vaccine cho con người, hay thậm chí là hồi sinh những sinh vật đã bị tuyệt chủng.
Toàn cảnh Sooam Biotech
Theo chân Fukuda tới phòng thí nghiệm nơi đang chăm sóc Momotan, điều đầu tiên xuất hiện trước mắt là hàng loạt những chú cún con, đủ mọi giống đang há miệng, vẫy đuôi,… Những chú cún con này đều đang được cách ly trước khi được gửi về cho chủ của mình ở khắp mọi nơi – Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Brazil, v…v…
Trong các tác phẩm giả tưởng lấy đề tài nhân bản vô tính, cảnh tượng trong các phòng thí nghiệm thường vô cùng kinh dị. Tuy nhiên thực tế tại Sooam trái ngược lại hoàn toàn, cảnh tượng ở đây giống như các cửa hàng thú nuôi chứa đầy những sinh vật dễ thương mà ngày bé ta thường đòi xin ba mẹ cho mua về.
“Chúng chẳng biết mình sinh ra từ phòng thí nghiệm đâu”, David Kim, một nhà khoa học tại Sooam chia sẻ. Thường thì bản thể gốc của những chú chó này đều đã qua đời, và nhờ có khoa học mà nguồn gen của chúng tìm được một cuộc sống mới.
"Chúng chẳng biết mình là sản phẩm của phòng thí nghiệm đâu"
Tại Sooam, các nhà khoa học có thể nhân bản đủ mọi giống chó, bất kể kích cỡ, tuổi tác. Trong số ba phôi nhân bản, chắc chắn sẽ có một phôi mang khả năng phát triển thành một chú cún con bình thường khỏe mạnh. Tuy rằng Sooam không công khai tỉ lệ nhân bản thành công thực tế, nhưng nói đây là phòng thí nghiệm nhân bản hiệu quả nhất thế giới cũng không quá một chút nào.
Cho đến bây giờ, Sooam đã nhân bản thành công hơn 600 chú chó khác nhau. Bất cứ thời điểm nào, tại đây cũng có khoảng 40 đến 50 chú cún con đang được chăm sóc.
Những chú chó được nhân bản thành công đều có một bức "hình kỷ niệm" tại đây
Sự thật là nhu cầu nhân bản thú cưng đang dần trở thành một thị trường tiềm năng. Dạo một vòng quanh thế giới, có hàng triệu người đang sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có thể hồi sinh lại vật nuôi yêu quý của mình.
Và, đây cũng là lý do khiến nhiều người khác cho rằng việc nhân bản vô tính là việc làm “lợi dụng lòng tốt” của những người chủ có thú cưng không may qua đời. Beth Shapiro, nhà nghiên cứu sinh vật học tại Đại học California cho biết: “Họ đánh vào tình cảm chân thành của những người mất đi thú cưng và giao cho họ những con thú nhân bản như kiểu đã hồi sinh chúng trở lại, nhưng thực ra không phải như vậy”.
Chó mẹ mang thai hộ và chó con không nhất thiết phải cùng thuộc một giống
Ngoài ra, công tác nhân bản vô tính tại Sooam còn được áp dụng để tạo ra nhiều chú chó tài giỏi phục vụ các công việc đặc biệt, như nhân bản Trakr – chú chó cứu hộ đã tham gia giải cứu các nạn nhân trong thảm họa 11 tháng 9. Mới đây, phòng thí nghiệm này thực hiện nhân bản 9 chú chó cảnh vệ cho lực lượng cảnh sát Seoul. Chính những công việc như vậy đem lại nguồn thu nhập hàng triệu USD giúp phòng thí nghiệm hoạt động.
Nhân bản thú cưng được thực hiện ra sao?
Rào cản đầu tiên ngăn bạn thực hiện việc nhân bản cún cưng của mình là 100.000 USD chi phí. Và nếu như bạn chịu chi số tiền trên, công việc tiếp theo bạn cần làm là chuẩn bị tế bào gốc phù hợp.
Công việc này đơn giản hơn rất nhiều khi thú cưng của bạn vẫn còn sống khỏe mạnh. Lúc này, bạn chỉ cần đem chúng đến trung tâm thú y để lấy mẫu da gửi cho Sooam. Trong trường hợp chú chó của bạn đã qua đời, bạn sẽ cần phải gửi cho phòng thí nghiệm càng nhiều mẫu da càng tốt, điều này giúp tăng cơ hội tìm ra nhiều tế bào còn sống hơn.
Mất khoảng ba tới năm ngày để các mẫu vật vượt qua hàng rào hải quan Hàn Quốc trước khi các nhà khoa học tại Sooam có thể bắt tay thực hiện công việc của mình. Quá trình mà họ thực hiện mang tên chuyển nhân tế bào cơ thể (somatic cell nuclear transfer – SCNT). Đúng như tên gọi, tế bào cơ thể là loại tế bào không có khả năng sinh sản như tinh trùng hay trứng, mà trong trường hợp này là tế bào thu được từ biểu bì của mẫu.
Mẫu vật sau đó sẽ được các nhà khoa học tiến hành tiệt trùng, tách ra những tế bào cần thiết và đem đi nuôi trong môi trường thích hợp. Các tế bào này cần một đến hai tuần để phát triển trước khi có thể được sử dụng trong quá trình nhân bản.
Bước tiếp theo, quan trọng nhất, là tiến hành phẫu thuật trên hai chú chó – một để hiến trứng, và một để cấy phôi thai. Các cuộc phẫu thuật như thế diễn ra hàng ngày tại Sooam, đến mức mà các nhân viên ở đây còn nói đùa rằng: “Đối với chúng tôi, một tuần, bao gồm bảy ngày: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, sáu và sáu”. Đúng là như vậy, bởi với các nhà khoa học tại Sooam Biotech, ngày nào bọn họ cũng bộn bề trong công việc, hầu như không có ngày nghỉ nào cả.
Việc phẫu thuật được Hwang cùng các đồng sự thực hiện hàng ngày
“Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, chú chó nhân bản sẽ ra đời sau 61 ngày,” giáo sư Hwang cho biết.
Việc cấy tế bào nhân bản vào trứng để tạo nên phôi thai được thực hiện ở tầng trên của phòng phẫu thuật. Trước khi vào đây, người thực hiện cấy ghép cần phải được khử trùng sạch sẽ và mặc một bộ đồ tiệt trùng. Quá trình tạo nên phôi thai khởi đầu bằng việc tách toàn bộ nhân của tế bào trứng ra ngoài. Sau đó, tế bào nhân bản sẽ được cấy vào trong trứng, trước khi chuyển toàn bộ vào một thiết bị đặc biệt để dung hợp hai tế bào này với nhau.
Chỉ vậy thôi, và phôi thai nhân bản đã được tạo ra. Thậm chí còn chả cần đến tinh trùng. Lý do là bởi, trong quá trình sinh sản bình thường, cần cả trứng và tinh trùng để hoàn thiện đầy đủ bộ nhiễm sắc thể. Còn đối với quá trình nhân bản, bộ nhiễm sắc thể được lấy từ tế bào cơ thể.
Ba mươi ngày sau, Sooam sẽ thực hiện xác minh xem chó mẹ có mang thai hay không, với tỉ lệ thành công được ghi nhận khoảng 40%. Nếu mọi chuyện diễn biến tốt đẹp, sau 30 ngày nữa chú chó nhân bản sẽ được chào đời.
Hướng đi tiếp theo của Sooam
Sau hơn 10 năm với đầy những thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng chừng như mọi thứ đã sụp đổ đối với giáo sư Hwang cùng các đồng sự, nhưng ông vẫn giữ vững niềm tin vào con đường mà mình đã chọn. Và, mục tiêu của Sooam không chỉ dừng lại ở việc nhân bản chó.
Tham vọng lớn nhất của giáo sư Hwang, cũng như các nhà khoa học tại Sooam, là tái sinh lại loài voi ma mút, vốn đã tuyệt chủng từ 3.600 năm trước – điều mà bấy lâu nay ta mới chỉ thấy trong những câu chuyện viễn tưởng.
Thông qua việc nhân bản chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng có thể thực hiện nhân bản một loài động vật nhờ vào “họ hàng gần” của chúng, với điều kiện có được tế bào gen chất lượng cao. Và đối với voi ma mút, người “bà con” của chúng chính là loài voi châu Á.
Tham vọng tiếp theo của Sooam là hồi sinh voi ma mút - loài sinh vật tuyệt chủng từ hàng ngàn năm trước
Vậy là năm 2012, Sooam hợp tác với một trường đại học tại Nga để thực hiện việc tìm kiếm tế bào voi ma mút. Điều này thực sự giống như “mò kim đáy bể”, bởi lẽ mẫu vật cần tìm phải được giữ trong điều kiện lý tưởng, giống như tế bào dùng để nhân bản chó vậy. “Nếu có thể tìm ra mẫu vật này, chúng tôi chắc chắn sẽ hồi sinh được voi ma mút” – các nhà khoa học tại Sooam tự tin như vậy. Tất nhiên chú voi ma mút đó không phải thuần chủng 100% mà sẽ mang một phần tế bào của loài voi châu Á.
Từ đó đến nay, cứ mỗi mùa hè là các nhà khoa học của Sooam lại lên đường đến với Siberia, càng ngày càng tiến sâu hơn tới vòng Bắc cực, nhằm mục tiêu tìm ra “tế bào hoàn hảo” của loài voi ma mút. “Chúng tôi cần phải tìm được mẫu vật đó. Đó chính là lý do của những chuyến đi thám hiểm diễn ra hàng năm. Thậm chí chúng tôi còn xây nguyên một phòng thí nghiệm tại Yakust để giảm bớt thời gian vận chuyển mẫu vật về Hàn Quốc,” giáo sư Hwang chia sẻ.
Trên thực tế, Sooam hiện vẫn chưa có đủ mẫu vật để có thể chắc chắn rằng họ sẽ không tìm được tế bào phù hợp với việc nhân bản. Các nhà khoa học tại đây đã thực hiện hai chuyến đi thám hiểm những vẫn chưa thu được gì đáng kể. Nhưng họ tin rằng, ở đâu đó, trên trái đất này, mẫu vật hoàn hảo của loài voi ma mút vẫn đang chờ họ khai quật lên. Nếu như Sooam có thể hồi sinh loài vật huyền thoại này, họ sẽ đi vào lịch sử. Và giáo sư Woosuk Hwang sẽ trở thành người hùng.
Hướng đi tiếp theo của Sooam Biotech
Trong tương lai, biết đâu đấy, nhờ những phòng thí nghiệm như Sooam, chúng ta có thể đạt được những thành tựu “động trời” như cứu lấy những loài động vật sắp tuyệt chủng, biến vật nuôi thành nguồn nội tạng để cấy ghép cho con người, thậm chí là hồi sinh người chết hay nhân bản con người. Đương nhiên, những chuyện như vậy sẽ không trở thành hiện thực đối với Sooam, nếu như không có sự hỗ trợ tài chính cũng như kinh nghiệm có được từ việc nhân bản hàng trăm chú cún cưng.
Và, Momo mới chỉ là điểm bắt đầu của cuộc hành trình.
Tham khảo Techinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?