Hành trình đi tìm nguồn gốc tên gọi các châu lục trên thế giới

    TVD,  

    Nguồn gốc của cái tên Americas thực sự rất thú vị, vì như chúng ta biết người tìm ra châu Mỹ là Columbus, nhưng nó lại được đặt tên theo tên của nhà thám hiểm Amerigo Vespucci.

    Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao bố mẹ lại đặt cái tên như thế cho mình hay không? Có thể do đó là một cái tên hay và ý nghĩa, tuy nhiên cũng có thể đằng sau có một nguyên nhân và nguồn gốc nào đó khác. Có lẽ tất cả mọi sự việc đều có nguyên nhân của nó, ngay cả cái tên “Trái đất” hay tên gọi của các châu lục hiện nay.

    Châu Phi (Africa)

    Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc tên gọi của châu Phi. Sau khi người La Mã đánh bại đế chế Carthage (hiện nay là Tunisia tại Bắc Phi) và kết thúc cuộc Chiến tranh Punic lần III, họ đã đặt tên cho vùng đất mới chiếm được này là Africa.

    Giả thuyết phổ biến nhất được biến đến đó là vùng đất này được đặt tên theo một bộ tộc bản địa ở đây, người Afri. Mà “Africa” hay biến thể sau đó “Africus” có nghĩa là “vùng đất của người Afri”.

    Một giả thuyết khác thuyết phục hơn bắt nguồn từ tiếng Phoenician (Phoenician là nền văn minh cổ đại đã phát minh ra bảng chữ cái alphabet). Từ “afar” trong tiếng Phoenician, có nghĩa là cát bụi, được ghép với hậu tố “-ica” trong tiếng Latin, dùng để chỉ vùng đất. Nó tạo thành cái tên “vùng đất của cát bụi”, do phía Bắc châu Phi là những vùng sa mạc rộng lớn, cũng là nơi người La Mã đánh chiếm và tuyên bố đây là vùng đất của họ.

    Sau này, những người châu Âu đã tiếp tục khám phá xuống phía Nam châu Phi và phát hiện ra một lục địa rất rộng lớn. Tuy nhiên cái tên Africa vẫn được giữ nguyên và trở thành tên gọi của châu lục này.

    Châu Nam Cực (Antarctica)

    Cái tên Antarctica xuất phát từ tiếng Hy Lạp “antarktike”, có nghĩa là “đối diện phương Bắc”, và như chúng ta biết châu Nam Cực nằm ở cực Nam của Trái đất. John George Bartholomew là một chuyên gia vẽ bản đồ người Scotland, được cho là người đầu tiên đã sử dụng cái tên Antarctica để gọi châu lục này.

    Cái tên này cũng đã từng được sử dụng bởi những người Pháp trước đó, tuy nhiên được đặt cho một vùng đất khác. Năm 1500, những người Pháp đã đặt tên một thuộc địa của mình ở Brazil, nằm phía dưới đường xích đạo, là Nam cực theo tiếng Pháp là “Antartique”.

    Châu Á (Asia)

    Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại “Ἀσία”, do nhà sử học nổi tiếng Herodotus đặt ra vào khoảng năm 440 trước Công nguyên. Tuy nhiên cái tên cổ này có thể đã được sử dụng từ rất lâu trước đó, dùng để chỉ tên của một vùng đất thuộc bờ phía Đông biển Aegean, sau này được gọi là cao nguyên Anatolia (thuộc một phần của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay).

    Theo một giả thuyết khá phổ biến khác thì cái tên theo tiếng Hy Lạp cổ “Ἀσία” này có nguồn gốc từ tiếng Phoenician là “Asu”, có nghĩa là “hướng Đông”. Và từ “Asu” trong tiếng Akkad (ngôn ngữ cổ của nền văn minh Lưỡng Hà) lại có nghĩa là “hướng lên, mọc lên”. Trong khi đó châu Á được biết đến như nền văn minh phương Đông và là vùng đất Mặt Trời mọc.

    Châu Đại Dương (Australia)

    Tên gọi Australia hiện nay có nguồn gốc từ cái tên “Terra Australis” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “vùng đất chưa được biết đến ở phía Nam. Tuy nhiên thời đó sự tồn tại của lục địa này mới chỉ là các tin đồn đại, bởi người La Mã chưa có những công nghệ hàng hải để khám phá ra châu lục này, cũng như chưa có các bằng chứng chứng minh sự tồn tại của nó.

    Mãi đến khi người châu Âu tìm ra được vùng đất mới này ở phía Nam, cái tên lưu truyền trước đó “Terra Australis” tiếp tục được sử dụng để đặt tên cho vùng đất mới này. Sau đó cái tên này được các nhà thám hiểm châu Âu rút ngắn và gọi thành “Australia”. Cái tên Australia được sử dụng không chính thức trong rất nhiều năm, và mãi tới tận năm 1824 nó mới trở thành tên gọi chính thức của lục địa này.

    Châu Âu (Europe)

    Tên gọi của châu Âu có rất nhiều nguồn gốc khác nhau mà cho tới tận bây giờ các nhà sử học vẫn chưa thể xác định chính xác đâu mới là nguồn gốc chính. Có giả thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ tiếng Phoenician “ereb” có nghĩa là “phía Tây”, so với châu Á là hướng Đông.

    Cũng có ý kiến cho rằng Europe bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Kết hợp giữa hai từ “eurys” có nghĩa là “rộng” và “ops” có nghĩa là “khuôn mặt”, vật chúng ta có Europe nghĩa là “khuôn mặt rộng”.

    Theo các dữ liệu sử sách trước đó thì cái tên này cũng chưa từng được sử dụng cho một địa danh nào khác, điều đó cũng khiến các nhà sử học rất khó xác định nguồn gốc của nó.

    Châu Mỹ (America)

    Nguồn gốc của cái tên Americas thực sự rất thú vị, vì như chúng ta biết người tìm ra châu Mỹ là Columbus, nhưng nó lại được đặt tên theo tên của nhà thám hiểm Amerigo Vespucci.

    Giống như Columbus, Vespucci cũng đã đi tới Thế giới mới (chỉ châu Mỹ) vào năm 1499 vào quay lại đó lần nữa vào năm 1502. Tuy nhiên điểm khác biệt là Vespucci biết chính xác đây là châu Mỹ và đã ghi chép rất tỷ mỷ trong nhật ký của mình, ông còn đặt tên châu lục này là New World. Trong khi đó Columbus vẫn nghĩ rằng mình đã tìm ra một đường đi mới tới châu Á mà không hề biết rằng mình đã phát hiện ra một châu lục mới.

    Năm 1507, một người vẽ bản đồ ở Đức có tên là Martin Waldseemüller đã bắt tay vào vẽ bản đồ thế giới. Trước khi vẽ bản đồ, Martin Waldseemüller đã đọc rất kỹ cuốn sách của Vespucci. Mọi quốc gia đều được đặt tên theo giống cái, do vậy Martin Waldseemüller đã “nữ hóa” tên của Amerigo thành America. Tấm bản đồ này sau đó được lưu truyền ra toàn châu Âu và Columbus đành ngậm ngùi không thấy có tên mình trên bản đồ do ông không tin rằng mình đã tìm ra được một châu lục mới.

    Tham khảo: todayifoundout

    >>Những người sống cùng thời Columbus không hề nghĩ Trái đất phẳng

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ