Khám phá bí ẩn về Vampire - Sự thực hay chỉ là truyền thuyết?

    Trần Nam Sơn, Trần Nam Sơn 

    Có hay không những con ma cà rồng thực sự trên thế giới này? Nguồn gốc của những huyền thoại về chúng là gì? Và khoa học nói gì về chúng?

    Từ nhiều thế kỷ qua, trí tưởng tượng của con người đã xây dựng nên nhiều truyền thuyết về những con quái vật hung tợn và những linh hồn hiểm độc. Ma cà rồng, một loài sinh vật khát máu, một xác chết không còn chút cảm xúc được xem như là sản phẩm hấp dẫn nhất trong số đó. Đồng thời, ma cà rồng cũng được xem như là huyền thoại ra đời sớm nhất – chúng đã xuất hiện trong những tài liệu lên đến hàng nghìn năm tuổi.

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet

    Có hay không những con ma cà rồng thực sự trên thế giới này? Nguồn gốc của những huyền thoại về chúng là gì? Và khoa học nói gì về chúng? Hãy cùng Genk tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
     
    Lamastu và Lilith – những vampire cổ đại
     
    Không ai biết hình tượng vampire đầu tiên xuất hiện từ khi nào, nhưng huyền thoại về những sinh vật có cánh có khả năng hút máu người đã xuất hiện từ ít nhất 4000 năm về trước, trong những văn tự cổ xưa của người Assyrian và Babylon ở vùng Lưỡng Hà.
     
    Trong truyền thuyết của người Assyrian, Lamastu là một nữ thần chuyên ăn thịt người. Lamastu vốn là con gái của thần Anu, và thói quen của vị thần này là xông vào nhà dân mỗi tối để cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ, dù chúng đã ở trên cũi hay vẫn còn trong bụng mẹ. Những người dân Lưỡng Hà thời ấy tin rằng đây chính là nguyên nhân gây ra sự sẩy thai, cũng như hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh.
    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet


    Tuy nhiên, con mồi ưa thích của Lamastu thường là những thanh niên trẻ tuổi. Bà sẽ hút cạn kiệt máu từ những thành phần xấu số này, và mang bệnh dịch, chết chóc cũng như những cơn ác mộng đến nhiều nơi. Lamastu thường được mô tả với một đôi cánh, những chiếc móng vuốt sắc nhọn như của loài chim và đôi khi, một cái đầu giống sư tử. Để bảo vệ tính mạng của đứa con mình khỏi nữ thần Lamastu, những sản phụ sẽ phải đeo chiếc dây chuyền có chạm khắc biểu tượng của Pazuzu, một vị thần từng đánh bại Lamastu.
     
    Lilith, một vị thần khác từng xuất hiện trong nhiều văn tự Do Thái cổ đại. Vị thần này có rất nhiều phiên bản khác nhau, nhưng trong câu chuyện thường thấy nhất, bà đã từng là người. Chúa tạo ra Adam và Lilith như là cặp đôi đầu tiên trên thế giới, nhưng giữa hai người sớm nảy sinh mâu thuẫn. Lilith từ chối sống phụ thuộc vào Adam, lấy lý do rằng hai người được tạo ra một cách bình đẳng.
     

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet


    Trong một phiên bản khác, Lilith rời bỏ vùng đất Eden và tự sinh ra những đứa con của riêng mình. Chúa cử đến ba thiên thần để mang bà trở về, và khi Lilith từ chối, họ đã giết hết những người con của Lilith. Để báo thù, Lilith thề rằng bà sẽ lấy đi sinh mạng của những đứa trẻ, dù đã chào đời hay vẫn còn trong bụng  mẹ.
     
    Hình tượng của Lilith và Lamastu có khá nhiều điểm tương đồng. Đôi cánh, những chiếc móng sắc nhọn và thói quen cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ vào ban đêm – có vẻ như truyền thuyết của người Do Thái chịu nhiều ảnh hưởng từ những người dân vùng Lưỡng Hà.
     
    Những Vampire châu Á
     
    Không chỉ để lại dấu tích trên những trang sử Châu Âu, sự xuất hiện của Vampire còn lan đến tận châu Á. Truyền thuyết của người Ấn Độ đã mô tả rất nhiều sinh vật với những đặc điểm giống Vampire. Rakshasa, một sinh vật hình dạng giống với loài dơi, với thói quen ăn thịt trẻ nhỏ, hay Vetala, loài quỷ dữ chuyên nhập vào thân xác những người vừa qua đời và sử dụng chúng để gieo rắc chết chóc và bệnh tật.
     

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet
     

    Cương thi – một sinh vật chết chóc hẳn đã rất quen thuộc với nhiều bạn đọc. Chúng là những xác chết có khả năng đội mồ sống dậy và săn tìm người sống. Khi linh hồn của những người chết không vượt qua được của đầu thai, thường là do những điều xấu xa chúng đã gây ra từ kiếp trước, chúng sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhập lại vào thi thể lạnh lẽo của mình và trả thù những người sống. Cương thi có vẻ gần giống với hình tượng Zombie hơn, nhưng ít người biết rằng, có những phiên bản huyền thoại mô tả cương thi như những xác chết…có cánh và biết bay.
     
    Truyền thuyết về những vị thần và những ác quỷ cứ thế lan truyền theo thời gian, tạo ra vô số biến thể, và cuối cùng, kết hợp lại với nhau để cho ra đời hình ảnh một Vampire đích thực trong câu chuyện của những người dân Đông Âu.
     
    Huyền thoại Vampire
     
    Nguồn gốc đích thực của những Vampire được lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích của người Đông Âu. Hàng chục những nguyên mẫu khác nhau đã được tìm thấy, nhưng tựu chung lại, chúng có thể được phân làm 2 nhóm:
     
    - Những linh hồn hiểm độc, nhập vào xác chết và khiến những thi thể này có thể đi lại và hành động như người bình thường.
     
    - Những linh hồn của người chết không thể thoát ra khỏi thân xác của chính họ.
     
    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet

    Trong những truyền thuyết kể trên, những kẻ tội đồ, những đứa bé chưa được rửa tội hay những người không theo đạo Kito thường có nhiều khả năng bị quỷ dữ xâm nhập và trở thành Vampire. Phù thủy chắc chắn sẽ không bao giờ được yên nghỉ, vì họ đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ. Một khi xác chết đã đội mồ trở lại, chúng sẽ sống nhờ vào xác thịt của người sống và trở thành một cơn ác mộng đích thực.
     
    Theo nhiều truyền thuyết, những sinh vật trên cần phải thường xuyên trở về nấm mồ của mình để nghỉ ngơi. Bởi vậy, nhiều người tin rằng cách duy nhất để tiêu diệt một vampire là tiêu diệt những xác chết này. Hỏa thiêu, chặt đầu hoặc xiên cọc nhọn qua tim xác chết – rất nhiều cách đã được áp dụng. Nhiều người còn gia cố thêm cọc nhọn trên những nấm mồ, để nếu những thi thể này tìm cách trốn thoát, những chiếc cọc sẽ xuyên qua thân thể chúng.
     
    Truyền thuyết về Vampire khá phổ biến ở Romania, và chúng thường được gọi là Strigoi. Strigoi là những linh hồn trở về từ cõi chết. Không giống như những Vampire kể trên, con đường của Strigoi phức tạp hơn rất nhiều. Ban đầu, chúng chỉ là những bóng ma vô hình, quấy rối người sống bằng cách di chuyển đồ vật và lấy trộm thức ăn. Sau một thời gian, chúng dần lấy lại hình dáng trước khi chết của mình. Chúng lấy trộm thức ăn, gieo rắc đau khổ và bệnh tật, và cuối cùng, hút máu bất cứ người nào xấu số chạm mặt chúng – trực tiếp từ chính trái tim của nạn nhân. Trong những câu chuyện khác, Strigoi được gọi là Vampir, hoặc Vampyr – nguồn gốc của cái tên Vampire.

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet

    Đến thế kỳ 17 và 18, câu chuyện về những Vampire đã lan khắp toàn bộ Châu Âu. Nhiều người nói rằng họ đã tận mắt chứng kiến những xác chết đi lại và tấn công người sống. Giới chức trách thậm chí còn cho tiến hành đào mộ và hỏa thiêu hàng loạt xác chết. Tại thời điểm đó, Vampire đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca, hội họa, và tác phẩm nổi tiếng nhất được biết đến chính là cuốn tiểu thuyết “Dracula” của nhà văn người Ailen, Bram Stoker.

    Những Vampire hiện tại

    Không phải là người đầu tiên viết về Vampire, nhưng cuốn tiểu thuyết của Abraham Stoker thực sự đã đặt nền móng cho một hình ảnh Vampire hoàn toàn khác. Qua nhiều năm nghiên cứu những huyền thoại cổ xưa về Vampire, Stoker đã dựng nên một trong những vai phản diện ấn tượng nhất: Bá tước Dracula.

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet

    Không giống như những nguyên mẫu Đông Âu, Bá tước Dracula có trí thông minh vượt trội so với loài người, nhưng lại mất hoàn toàn sức mạnh trước ánh sáng mặt trời và bị đẩy lùi bởi cây thánh giá. Dracula cũng không bị phản chiếu trước gương soi, trong khi nhiều câu chuyện cổ xưa cho rằng Vampire bị mê hoặc bởi chính hình bóng của mình trong gương.
     
    Dracula vốn là một con người, với cái tên Hoàng tử Vladislav Basarab, người cai trị xứ sở Wallachia vào giữa những năm 1400. Ông được biết đến như một vị vua cực kỳ tàn bạo, với thói quen trừng trị kẻ thù của mình bằng hình phạt xiên người trên cọc gỗ. Nhiều người tin rằng ông chính hiện thân của ma quỷ, với thói quen ẩn nấp trong bóng tối, cũng như sự biến mất không thể giải thích nổi của những người tùy tùng quanh ông.

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet

    Lấy cảm hứng từ hình tượng bá tước Dracula, hàng loạt những tác phẩm văn học cũng như điện ảnh ra đời sau này đã dựng nên một hình ảnh thống nhất về Vampire: Chúng là những sinh vật hồi sinh nhờ những linh hồn hiểm độc không thể thoát khỏi cõi trần thế. Chúng có trí thông minh, sự nhanh nhẹn cũng như sức mạnh tột đỉnh nhưng vô cùng khiếp sợ ánh sáng, cây thập giá cũng như nước thánh. Vampire vẫn được biết đến như là những sinh vật bất tử với nguồn thức ăn ưa thích là máu người, do đó, chúng thực sự là nỗi khiếp sợ đối với loài người.
     
    Khoa học vào cuộc
     
    Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy sự hiện diện của những Vampire. Tuy nhiên, khoa học và y học đã tìm thấy rất nhiều chứng bệnh có triệu chứng rất giống với những mô tả về chúng.

    Porphyria là căn bệnh nổi tiếng nhất trong số đó. Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp, được đặc trưng bởi sự sản xuất bất thường heme, một yếu tố gắn với sắt trong hồng cầu. Những bệnh nhân Porphyria mức độ nặng tỏ ra cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Họ thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau ghê gớm, và trong cơn porphyria cấp tính, sự mê sảng, từ đó dẫn đến những hành vi kỳ quái là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet

    Uống máu tươi từng là một trong những liệu pháp điều trị Porphyria trong quá khứ. Mặt khác, sự rối loạn các yếu tố đông máu cũng khiến bệnh nhân thường xuyên có tình trạng chảy máu ở môi, miệng – một trong những hình ảnh rất gợi ý cho việc người này vừa cắn cổ và hút máu ai đó.
     
    Hội chứng giữ nguyên tư thế (catalepsy) cũng có thể là lời giải thích. Trong cơn cấp tính, nhiệt độ cơ thể thường hạ xuống nhanh chóng. Các cơ trở nên căng cứng, nhịp tim và nhịp thở chậm dần – những dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với một người đã chết. Một cơn căng cứng cơ cấp tính như vậy có thể kéo dài vài giờ, thậm chí vài ngày – thời gian quá đủ cho việc chôn cất. Và khi nạn nhân qua khỏi, họ hoàn toàn có khả năng bật nắp quan tài trở về nhà.
    kham-pha-bi-an-ve-vampire-su-thuc-hay-chi-la-truyen-thuyet
    Mặt khác, những biểu hiện sau khi chết cũng để lại rất nhiều nghi vấn. Lông, tóc, móng thường vẫn tiếp tục dài ra do sự co lại của phần da xung quanh, điều này rất có thể khiến nhiều người nghĩ rằng xác chết đó vẫn còn sống. Sự phân hủy tạo ra một lượng lớn khí, đặc biệt là ở trong lòng ruột, làm ổ bụng xác chết trướng căng. Các chất dịch trào ra khỏi các lỗ tự nhiên – trong đó có miệng. Hai dấu hiệu này khiến người ta tưởng rằng những xác chết này vẫn tiếp tục cuộc săn mồi vào ban đêm.
     
    Kết
     
    Mặc dù những giải thích trên có thể vẫn chưa thỏa đáng với nhiều người, nhưng khái niệm Vampire có vẻ vẫn mang màu sắc tâm linh và mơ hồ. Cái chết là một trong những thứ con người vẫn chưa thể giải thích được. Một trong những cách khiến con người nghĩ mình có thể kiểm soát cái chết, đó là hình tượng hóa nó, cụ thể nó thành những câu chuyện, những truyền thuyết. Vampire, một trong số những hình tượng đó, đã trở thành biểu tượng của bóng tối, của sự xấu xa, tàn độc, nhưng bất tử theo thời gian.

    Tham khảo: Howstuffworks

     




    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ