Lý giải khoa học cho việc vì sao việc giảm cân lại khó đến thế

    Nova,  

    Nhưng nếu chúng ta thực sự quyết tâm về mặt ý chí thì không gì không thể làm được vì suy cho cùng, bộ não vẫn là nơi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Bạn bị chê là béo, bạn cảm giác mình đang bị thừa cân và bạn quyết định tập luyện thể dục cùng với ăn uống điều độ để giữ 1 vóc dáng đẹp mắt. Nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn y nguyên như vậy, bạn luôn cảm thấy một sự cám dỗ cực kỳ khó chịu từ những đồ ăn béo ngậy và đôi khi bạn lại phải đầu hàng những cảm giác như vậy.

    Đúng, giảm cân là rất khó thực hiện nhưng có phải do bạn lười vận động hay do bạn không có một chế độ ăn hợp lý? Các nhà khoa học đã tìm ra một nguyên nhân sâu xa đã xuất hiện từ rất lâu, đến nay mới chứng minh được việc giảm cân là thực sự khó khăn.

    Chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe của đại học Huddersfield, thạc sỹ Matthew Haines, cho biết cơ thể con người có một hệ thống phức tạp các hormone kiểm soát tâm lý thèm ăn của chúng ta. Mỗi khi cơ thể mất trọng lượng, hệ thống này ngay lập tức hoạt động theo hướng khiến con người ăn nhiều hơn bình thường để bù đắp lại những gì đã mất đi. Trên thực tế vào những năm 1950, thí nghiệm "chống đói" Minnesota của quân đội Hoa Kỳ nổi tiếng là "vô nhân đạo" đã đưa ra kết luận về việc con người luôn có xu thế bổ sung lượng chất béo đã bị mất về mức mặc định, thậm chí là vượt quá lúc đầu.

    Mặc dù vậy, lúc đó người ta vẫn chưa hiểu hết được cơ chế hoạt động của cơ thể con người mà chỉ biết rằng như vậy sau khi những người tham gia dần dần bị cắt khẩu phần và ăn ít đi theo hướng ít protein, chỉ các loại rau và không có thịt. Bên cạnh đó, những người tham gia được khuyến khích phải đi bộ 36km mỗi ngày để có thể đảm bảo vận động.

    Quân đội ép họ chạy càng nhanh càng tốt để được ăn các thức ăn dọn sẵn. Kết quả là trọng lượng của những người tham gia giảm tới 25% nhưng hệ quả để lại cho sức khỏe của họ rất lớn và họ phải chịu đựng nhiều di chứng về sau. Matthew Haines cũng nhận định rằng cơ chế sinh lý của con người không hề mới, thậm chí nó đã xuất hiện ngay từ những buổi đầu bình mình của loài người.

    Tổ tiên chúng ta trước khi phát minh ra nên nông nghiệp lúa nước thì họ dựa vào hoạt động săn bắt và hái lượm để thu thập thức ăn qua ngày, những công việc như vậy luôn thiêu đốt một lượng lớn năng lượng vốn được tích trữ dưới dạng mỡ. Dĩ nhiên là sau một ngày quần thảo với tự nhiên như vậy, con người sẽ có cảm giác đói và nhu cầu bổ sung năng lượng là một điều rất dễ hiểu, thêm vào đó không phải lúc nào họ cũng kiếm đủ đồ ăn nên sẽ có lúc họ thấy đói và sinh ra tâm lý "ăn bù" vào lần tiêu thụ thức ăn kế tiếp.

    Con người sẽ ăn nhiều tới mức họ không thể ăn được nữa và dừng lại, lúc này họ có cảm giác không cần ăn thêm trong một khoảng thời gian, điều đó dẫn tới tình trạng hoạt động săn bắt - hái lượm bị dừng lại. Hệ quả tất yếu là một số cá thể bị tăng cân quá mức và từ đó trở về sau họ càng làm nhiều thì họ càng ăn nhiều nhưng không thể giảm cân vì lượng mỡ dữ trữ tích ngày một nhiều thêm.

    Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc giảm cân cũng bị ảnh hưởng từ yếu tố cân bằng nội môi của con người. Đây là một đặc tính của một hệ thống mở để điều khiển môi trường bên trong nhằm duy trì trạng thái cân bằng, thông qua việc điều chỉnh các cơ chế điều hòa cân bằng động khác nhau. Tất cả các sinh vật sống bao gồm cả đơn bào hay đa bào đều duy trì cân bằng nội môi. Cân bằng này có thể là cân bằng pH nội bào ở mức độ tế bào, cân bằng nhiệt độ cơ thể ở động vật máu nóng hay cũng chính là tỉ phần khí CO2 trong khí quyển ở mức độ hệ sinh thái.

    Đối với con người, cân bằng nội môi được hiểu là "sự điều tiết các trạng thái của môi trường bên trong tương đối ổn định". Có thể nói hầu hết các mô và cơ quan đều góp phần duy trì sự hằng định tương đối này, đối với việc thiêu đốt mỡ thừa thì cân bằng nội môi được điều chỉnh thông qua một hệ thống phản hồi thông tin tiêu cực.

    Như đã nói ở trên là lượng mỡ thừa ở nhiều người ngày một nhiều lên, cân bằng nội môi sẽ có một cơ chế theo dõi sự thay đổi về mô mỡ và đưa ra "mức sàn" cho lượng mỡ trong cơ thể. Khi chúng ta cố gắng giảm cân xuống dưới "mức sàn" mặc định, cân bằng nội môi ngay lập tức được kích hoạt và hệ thống điều tiết hormone đã nhắc đến ở phần đầu bài viết sẽ tiết ra những hormone tạo cảm giác đói cho cơ thể như Ghrelin, Cholecystokinin hay Leptin... và nhiệm vụ của chúng ta lúc này là bổ sung những gì "cơ thể" thấy thiếu cho dù bạn đang trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt vì vấn đề cân nặng.

    Thậm chí, cơ chế theo dõi này chỉ hoạt động với trường hợp suy giảm các mô mỡ, khi bị dư thừa thì sẽ không có chuyện nó sẽ có xu hướng chuyển về mức thấp hơn mà cân bằng nội môi sẽ tự tăng "mức sàn" lên.

    Vậy đấy, không phải chúng ta không thể giảm cân mà bản thân cơ thể con người đã được tạo nên để luôn bảo vệ chính mình khi bị thiếu năng lượng. Nhưng nếu chúng ta thực sự quyết tâm về mặt ý chí thì không gì không thể làm được vì suy cho cùng, bộ não vẫn là nơi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Tham khảo Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ