Máy bay sẽ là anh hùng hay kẻ tội đồ của Honda?

    PV,  

    Honda không tiết lộ tổng số tiền dành cho dự án HondaJet nhưng công ty đã tiêu tốn một ngân sách nghiên cứu và phát triển khổng lồ khoảng 5,3 tỷ USD trong năm tài chính 2014.

    Sau gần 3 thập kỷ lên kế hoạch và phát triển, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật BảnHonda đang chuẩn bị cho ra mắt một trong những cải tiến mới nhất của hãng: Dòng máy bay tư nhân siêu nhanh với các động cơ được đặt trên cánh. Một chiếc HondaJet 7 chỗ ngồi sẽ có giá khoảng 4,5 triệu USD và có thể được chuyển đến cho khách hàng vào giữa năm nay.

    HondaJet chính thức giúp nhà sản xuất ô tô 67 năm tuổi trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ ít ỏi những nhà sản xuất máy bay trên thế giới. Với Michimasa Fujino – Giám đốc điều hành 54 tuổi của Honda Aircraft (mảng kinh doanh máy bay của Honda) thì sự ra mắt sắp tới của HondaJet là kết quả của quá trình đấu tranh với những hoài nghi, trì hoãn và suy thoái kinh tế toàn cầu mà ông cùng đội ngũ nhân viên của mình đã trải qua trong suốt hơn 20 năm.

    Sẽ không quá nếu nói cuộc sống của Fujino kể từ khi trưởng thành gắn liền với dự án HondaJet. Bản thân ông cũng cho rằng: “Chiếc máy bay này là một phần nghệ thuật của tôi”.

    HondaJet sẽ giúp Nhật Bản chính thức gia nhập vào lĩnh vực hàng không, vũ trụ bởi một thời gian dài trước đây, quốc gia này chỉ cung cấp các bộ phận và vật liệu cho Boeing và Airbus Group.

    Riêng với Honda, chiếc máy bay này sẽ giúp công ty tấn công vào một thị trường hoàn toàn mới. Dù đến nay chưa một hãng sản xuất xe ô tô hiện đại nào thành công trong việc chuyển đổi sang sản xuất máy bay. Tuy nhiên, Honda quả quyết rằng những tiến bộ về công nghệ mà hãng tạo nên sẽ thúc đẩy nhu cầu từ phía người mua. HondaJet tự hào có thân nhẹ được làm từ các sợi carbon sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu tới 17% so với các sản phẩm tương tự khác và đạt vận tốc 480 dặm/giờ.

    “Với quy mô hiện tại của Honda, họ có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong dài hạn của chúng tôi”, theo Marco Túlio Pellegrini - chủ tịch hãng sản xuất máy bay tư nhân Embraer. “Tôi nghĩ Honda có rất nhiều tiền. Họ đang đầu tư lớn vào việc xúc tiến và tiếp thị sản phẩm”.

    Khát vọng hàng không của Honda xuất phát từ nhà sáng lập đã quá cố của hãng là Soichiro Honda, bản thân ông là 1 phi công. Fujino bắt đầu làm việc cho Honda từ năm 1986. Khi ấy, kỹ sư hàng không 28 tuổi Fujino đã được chuyển đến phòng nghiên cứu bay của đại học bang Missisippi để thiết thế một chiếc máy bay thực nghiệm. Nhiệm vụ này là tối mật và ngay cả danh thiếp của Fujino cũng không đề cập đến việc ông là một nhân viên của Honda.

    Fujino tin rằng bất kỳ dự án nào Honda tham gia vào sẽ đều tạo sự khác biệt lớn so với các đối thủ cạnh tranh. “Nếu các nhà sản xuất khác có thể làm thì không có lý do gì chúng tôi lại làm một điều tương tự”.

    Bước đột phá đến vào một buổi tối năm 1996 khi không thể tìm ra được mảnh giấy nào khác, Fujino đã phác hoạ sơ bộ thiết kế máy bay hiện tại vào mặt sau một tờ bìa lịch. Lấy cảm hứng từ những nguyên tắc khí động học trong sách giáo khoa những năm 1930, thiết kế máy bay của Fujino gắn các động cơ phía trên cánh máy bay để tăng diện tích cho cabin và giảm tiếng ồn. Ý tưởng này đi ngược lại quy ước của ngành công nghiệp hàng không trước đây là đặt các động cơ phía sau và cách xa cánh máy bay.

    Thời điểm này, các lãnh đạo tại Honda đều tỏ ra rất hoài nghi với thiết kế của Fujino. Tuy nhiên, đến cuối năm 1997, Fujino đã chính thức trình bày ý tưởng này trước hội đồng quản trị cùng bản phác thảo và được chấp thuận làm một nguyên mẫu máy bay theo thiết kế.

    Ông Fujino nhớ lại, phải mất 3 năm để thuyết phục và chứng minh quan điểm của mình. Dự án này gợi nhớ lại những ngày đầu của kỷ nguyên hàng không. Chỉ khi Boeing phát triển mẫu máy bay tiên phong vào những năm 1950 để chứng minh động cơ máy bay có thể đặt dưới cánh và hiện tại Fujino lại chứng minh chúng có thể đặt ở phía trên.

    Ông và khoảng 40 nhân viên bắt đầu xây dựng nguyên mẫu máy bay này vào năm 2000 trong một nhà chứa máy bay tại Greensboro với đường băng dài và không phận bay rộng để thử nghiệm. Mẫu máy bay đầu tiên đã bay thành công vào năm 2003. Sau đó, Honda nhanh chóng có được hơn 100 đơn hàng cho HondaJet với hy vọng chuyển đến cho khách hàng vào năm 2010.

    Tuy nhiên, sau đó khủng hoảng kinh tế xảy ra đã làm giảm 1/10 nhu cầu cho các dòng máy bay tư nhân cỡ nhỏ và buộc Honda phải cân nhắc lại. “Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận nảy lửa về số phận mảng kinh doanh máy bay”, Yoshiharu Yamamoto - cựu chủ tịch phòng thí nghiệm công nghệ của Honda nói. “Honda đã rơi vào thế bí với dự án này sau khi Fujino hứa hẹn sẽ sử dụng ngân sách eo hẹp hơn và lùi thời gian ra mắt”.

    Hiện tại, lĩnh vực hàng không vũ trụ đang rất phát triển tại Bắc Carolina và Honda là một phần trong số đó. Ngày nay, lực lượng nhân viên của HondaJet đã lên tới con số 1.300 người trong một khuôn viên rộng 133 mẫu.

    Ông Fujino nói rằng việc chuyển sang sản xuất hàng loạt được bảo đảm bởi sự thật là HondaJet đã thành lập một chuỗi chắc chắn với 50 nhà cung ứng bao gồm cả Garmin và Sumitomo Precision Product - những đơn vị đã rất hứng khởi với dòng máy bay này từ khi nó vẫn là “dự án thử nghiệm” vào năm 1999.

    Honda không tiết lộ tổng số tiền dành cho dự án HondaJet nhưng công ty đã dành một ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) khổng lồ khoảng 5,3 tỷ USD trong năm tài chính 2014. Trong khi đó, con số tương tự của Boeing là khoảng 3 tỷ USD.

    Mike Whalen - CEO công ty khách sạn, nhà hàng Heart of American Group đã đặt cọc 75.000 USD vào năm 2007 để mua một chiếc HondaJet. Dự kiến sản phẩm sẽ được chuyển đến cho ông vào tháng 3/2012 nhưng hiện tại đã bị lùi xuống tháng 6 năm nay.

    Khi được hỏi về tương lai, ông Fujino nói: “Một công ty luôn cần phải trường tồn. Chúng tôi nhìn vào tốc độ phát triển 20 năm hoặc thậm chí 50 năm của Honda. Và để trường tồn, chúng tôi buộc phải đầu tư cho tương lai”.

    Theo Trí thức trẻ

    >>Máy bay Boeing bị sét đánh trúng đầu khi đang bay vẫn hạ cánh an toàn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ