(GenK.vn) - Nếu để cơ thể suy nhược, bạn sẽ không thể tập trung vào công việc, và kéo theo nhiều hậu quả khác...
Trong xã hội hiện đại, chắc hẳn bạn đã có nhiều lúc mệt mỏi, không thể tập trung vào công việc. Có thể nó sẽ mất đi sau khi bạn nghỉ ngơi, nhưng cũng có thể, bạn đang mắc một bệnh lý nào đó cần phải chữa trị. Dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến dẫn đến mệt mỏi và mất khẳ năng tập trung.
Nguyên nhân 1: Ngủ quá ít
Ngủ quá ít sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ và khả năng tập trung của bạn. Bạn sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, và hiệu suất công việc sẽ không được như ý. Bình thường, một người lớn nên ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
Giải pháp: Lên kế hoạch đều đặn và ưu tiên cho giấc ngủ. Để laptop, điện thoại di động, tivi – những thứ “quấy rối” giấc ngủ - ra xa giường. Nếu bạn vẫn mệt mỏi hoặc buồn ngủ, hãy đi khám đi. Có thể bạn đang bị các bệnh liên quan đến rối loạn giấc ngủ đấy.
Nguyên nhân 2: Ngưng thở khi ngủ
Bạn nghĩ là bạn vẫn luôn ngủ đủ? Chưa chắc, nếu bạn bị mắc chứng ngừng thở khi ngủ. Những người mắc hội chứng này, khi ngủ thường có những lúc ngừng thở, và mỗi lúc như vậy, bạn lại giật mình tỉnh dậy vài giây, và ngủ tiếp, nhưng thường bạn không nhận ra được nó. Kết cục là, giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, bạn ngủ không được sâu, và sáng hôm sau thức dậy mà vẫn mệt.
Giải pháp: Giảm cân nếu bạn bị béo phì, bỏ thuốc lá, ngủ có hỗ trợ bằng máy thở CPAP (continuous positive airway pressure) để đảm bảo đường thở thông thoáng suốt đêm.
Nguyên nhân 3: Thiếu năng lượng
Ăn quá ít hoặc ăn không đúng, không đủ chất làm cho cơ thể bị thiếu năng lượng, lúc nào bạn cũng ở trạng thái chậm chạp, uể oải. Vì vậy, bạn cần có chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng để luôn giữ đường huyết ở giới hạn cho phép và tránh không bị hạ đường huyết.
Giải pháp: Không được bỏ bữa sáng. Các bữa ăn cần phải có đủ protein và các loại đường phức, ví dụ ăn trứng với bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt. Và, để duy trì năng lượng trong ngày, có thể ăn các bữa ăn phụ và đồ ăn nhẹ.
Nguyên nhân 4: Thiếu máu
Thiếu máu là một trong những nguyên nhân gây mệt mỏi ở phụ nữ. Trong thời kì hành kinh, lượng máu mất đi gây ra thiếu máu thiếu sắt, làm cơ thể người phụ nữ luôn ở trạng thái mệt mỏi. Các tế bào hồng cầu là rất cần thiết vì chúng mang oxy tới các mô và cơ quan trong cơ thể.
Giải pháp: Với những người bị thiếu máu do thiếu sắt, nên uống bổ sung sắt và ăn các loại thức ăn giàu sắt như thịt nạc, gan, các loại hải sản (trai, sò, cua, tôm..), đậu và ăn ngũ cốc.
Nguyên nhân 5: Trầm cảm
Trầm cảm không chỉ là một rối loạn cảm xúc thông thường. Người bị trầm cảm luôn có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, ăn không ngon miệng. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và tinh thần luôn đi xuống trong vài tuần vừa qua thì bạn nên đi khám đi.
Giải pháp: Trầm cảm đáp ứng tốt với liệu pháp tâm lý và/hoặc thuốc. Hãy đi khám sớm nếu bạn có biểu hiện của trầm cảm để không ảnh hưởng đến công việc hiện tại.
Nguyên nhân 6: Suy giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở cổ. Nó điều khiển sự trao đổi chất, tốc độ chuyển hoá năng lượng của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động kém, sự chuyển hoá năng lượng bị giảm sút, bạn sẽ thấy mệt mỏi, uể oải và tăng cân.
Giải pháp: Nếu xét nghiệm máu cho thấy các hormon tuyến giáp bị giảm, hãy đi khám bác sĩ sớm. Việc bổ sung hormon tuyến giáp sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng.
Nguyên nhân 7: Sử dụng quá nhiều caffeine
Caffein giúp cho tinh thần tỉnh táo, tập trung tốt nhưng chỉ nên uống với liều trung bình. Việc lạm dụng caffein sẽ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, cảm giác bồn chồn, lo âu và mệt mỏi.
Giải pháp: Giảm từ từ các loại thức uống có chứa caffeine như cà phê, trà, sô cô la, nước giải khát không có cồn và bất cứ loại thuốc nào có caffeine. Nếu dừng đột ngột sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi hơn.
Nguyên nhân 8: Nhiễm trùng đường tiết niệu ẩn
Nếu bạn đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI – urinary tract infection), bạn sẽ biết được cảm giác đau rát, khó chịu như thế nào. Nhưng khi mức độ nhiễm trùng thấp, các triệu chứng không rõ ràng thì trong một số trường hợp, mệt mỏi là dấu hiệu duy nhất. Khi đó, xét nghiệm nước tiểu có thể nhanh chóng xác định bệnh.
Giải pháp: Dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tiết niệu, và triệu chứng mệt mỏi sẽ biến mất trong vòng 1 tuần.
Nguyên nhân 9: Bệnh đái tháo đường
Ở người bị bệnh đái tháo đường, thay vì đường phải đi vào tế bào và chuyển hoá thành năng lượng, nó tích luỹ lại ở trong máu và làm tăng đường huyết. Kết quả là cơ thể thiếu năng lượng dù bạn vẫn ăn đầy đủ. Nếu bạn thấy mệt mỏi kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, hãy đi khám và yêu cầu làm xét nghiệm đường máu.
Giải pháp: Điều trị bao gồm thay đổi lối sống như chế độ ăn, luyện tập, liệu pháp insulin, thuốc hỗ trợ quá trình chuyển hoá đường.
Nguyên nhân 10: Mất nước
Mệt mỏi là một dấu hiệu của mất nước. Bất cứ khi nào cơ thể bạn cũng cần nước để làm việc và giữ tinh thần ở trạng thái tốt nhất. Bạn khát nước; đó là khi cơ thể bạn thực sự mất nước.
Giải pháp: Uống đủ nước trong ngày sao cho nước tiểu của bạn có màu sáng. Uống ít nhất 2 cốc nước mỗi giờ hoặc hơn thế trước mỗi hoạt động thể thao. Sau đó, nhâm nhi từng chút trong suốt thời gian luyện tập và cuối cùng thì uống 2 cốc nữa.
Nguyên nhân 11: Bệnh tim mạch
Nếu bạn thấy mệt mỏi trong công việc, sinh hoạt hàng ngày như dọn dẹp nhà cửa, sân vườn là một dấu hiệu có thể cho thấy trái tim của bạn đang có vấn đề. Nếu tình trạng này tăng dần, bạn thấy khó khăn để hoàn thành các công việc thường ngày, hãy đi khám chuyên khoa tim mạch.
Giải pháp: Để kiểm soát và phục hồi năng lượng tốt nhất cho các bệnh nhân tim mạch, cần thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Nguyên nhân 12: Làm ca đêm
Làm ca đêm gây rối loạn đồng hồ sinh học. Bạn sẽ thấy mệt mỏi mỗi khi bạn cần tỉnh táo để làm việc.
Giải pháp: Sau khi làm ca đêm, hãy về nhà và ngủ một giấc. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng ban ngày khi bạn cần nghỉ ngơi. Phòng của bạn cần đủ tối, yên tĩnh và mát mẻ để bạn có giấc ngủ tốt nhất. Nhưng nếu bạn vẫn còn vấn đề về giấc ngủ, hãy đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân 13: Dị ứng thức ăn
Một số bác sĩ cho rằng dị ứng thức ăn thể ẩn có thể làm bạn buồn ngủ. Nếu mệt mỏi tăng sau bữa ăn, bạn có thể dị ứng nhẹ với một loại thức ăn nào đó bạn vừa ăn. Nó không đủ để gây ngứa hay phát ban mà chỉ đủ gây mệt mỏi.
Giải pháp: Thử loại bỏ các loại thức ăn một lúc để xem tình trạng mệt mỏi của bạn có cải thiện hay không. Bạn cũng có thể đi khám và làm các xét nghiệm dị ứng thức ăn.
Nguyên nhân 14: Hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS – chronic fatigue syndrome) và bệnh đau cơ xơ hoá
Nếu bạn mệt mỏi hơn 6 tháng, và nghiêm trọng tới mức bạn không thể làm được các hoạt động hàng ngày, rất có thể bạn mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS) hoặc bệnh đau cơ xơ hoá. Cả hai có thể có nhiều triệu chứng khác nhau nhưng mệt mỏi dai dẳng không rõ nguyên nhân là một trong những triệu chứng chính.
Giải pháp: Không có cách điều trị nhanh chóng hai bệnh này. Nhưng bệnh nhân có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn bằng cách thay đổi lịch sinh hoạt hàng ngày, có thói quen ngủ tốt hơn, hay tập các bài thể dục nhẹ nhàng...
Giải pháp nhanh chóng nếu bạn bị mệt mỏi mức độ nhẹ
Khi bạn chỉ mệt mỏi nhẹ thì không cần các biện pháp mang tính chuyên môn mà chỉ cần luyện tập thể thao. Nghiên cứu cho thấy, những người mệt mỏi sau khi thực hiện những chương trình tập luyện nhẹ, họ hồi phục rất nhanh và có thể trở lại làm việc như bình thường. Trong một nghiên cứu, người tham gia chỉ cần ngồi trên một chiếc xe đạp đứng yên trong 20 phút và đạp với tốc độ chậm. Thực hiện khoảng 3 lần/tuần là đủ để chiến đấu với mệt mỏi.
Nguồn: WebMD.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?