Với mong muốn giúp bà con vùng ngập mặn, hạn có được nước ngọt để dùng, nam sinh lớp 11 đã sáng chế thành công chiếc máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt.
Gần đây, tình trạng nước biển xâm nhập mặn vào đất liền ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đi kèm hạn hán, nắng nóng kéo dài đang khiến cuộc sống của bà con nông dân khốn đốn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây năm nay đến sớm và sâu trên diện rộng, có thể kéo dài đến hết mùa khô. Tình hình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân và gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái.
Đo nồng độ mặn xâm do nước biển xâm nhập tại miền Tây
Miền Tây khốn đốn vì hạn - mặn kỷ lục 100 năm qua
Cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn vì thiếu nước ngọt, trên đồng lúa chết hàng loạt, cây ăn trái, hoa màu héo khô là những gì đang diễn ra tại các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng...
Hiện nay, một số nơi ở miền Tây nước ngọt đang cực kỳ khan hiếm, người dân phải mua nước bình loại 20 lít với giá 10.000-15.000 đồng để sử dụng. Một số gia đình khác thì chấp nhận mua nước ít nhiễm mặn với giá “cắt cổ” từ 30.000-100.000 đồng/m3 để sử dụng.
Tại Bến Tre, độ mặn 5% đã xâm nhập sâu vào đất liền cách các cửa sông khoảng 40-50km, ranh mặn 1‰ đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75km, bao trùm phạm vi toàn tỉnh. Hạn, mặn đã làm thiệt hại trên 10.000ha lúa và nhiều vườn cây ăn trái, rau màu.
Người dân thu mua nước ngọt
Chứng kiến hình ảnh, bà con vùng quê mua từng lít nước ngọt với giá đắt đỏ, lại đi "lấy hàng" ở những nơi xa xôi, cách trở, em Nguyễn Tấn Lợi (17 tuổi, học sinh lớp 11/1, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre) đã nảy ra ý định chế máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng bằng năng lượng mặt trời để phục vụ người dân.
Nếu mới gặp Lợi lần đầu, có lẽ ít người có thể hình dung đằng sau vóc dáng gầy gò, nhỏ nhắn ấy lại tiềm ẩn một bộ óc tài năng chừng vậy.
Kể về "đứa con" của mình, cậu nam sinh có gương mặt hiền lành tâm sự: “Chứng kiến cảnh bà con ở vùng biển, vùng đồng bằng nhưng bị nhiễm mặn phải mua nước ngọt với giá cao nên em mới nảy sinh ý tưởng làm chiếc máy mà có thể chưng cất nước mặn thành nước ngọt".
Nam sinh lớp 11 cho biết thêm, trước đó, trong trường có hai anh chị làm ra chiếc máy chưng cất được xem là phiên bản 1 nhưng hiệu quả chưa cao nên em tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng phương pháp hoàn toàn mới để làm ra chiếc máy của riêng mình với nhiều cải tiến hơn, gọi là phiên bản 2.
Máy chưng cất phiên bản 2 của em Nguyễn Tấn Lợi. Ảnh: Hoa Phan
Được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của thầy Trương Hữu Dũng - Giáo viên vật lý của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Lợi bắt tay vào thực hiện đề tài của mình với lòng háo hức khôn tả. Chuyến "hành trình" bắt đầu từ tháng 5/2015.
Thời gian đó, ban ngày, Lợi vẫn học văn hóa theo chương trình chính khóa. Tối đến, Lợi tranh thủ ôn bài và tìm hiểu tài liệu, mô hình, cơ chế hoạt động chiếc máy. Tận dụng những ngày nghỉ học, em chạy khắp nơi tìm mua vật liệu rồi nhờ các cơ sở hàn tiện gia công, có khi tự tay em làm theo ý mình.
Càng làm, Lợi càng thấy máy có nhiều vấn đề phát sinh. Em phải làm rất nhiều thực nghiệm vì có quá nhiều trục trặc như nước không đủ độ nóng, không ngưng tụ, bị giải nhiệt… vừa làm vừa sửa, rút kinh nghiệm theo phương pháp "thử và sai".
Video: Học sinh lớp 11 Bến Tre chế tạo máy chưng cất nước mặn sang ngọt
Máy cho ra đời 6 lít nước ngọt/ngày
Dưới thời tiết nắng nóng, oi bức, quệt giọt mồ hôi lăn trên má, Lợi hồ hởi nói tiếp, hơn 6 tháng sau thì chiếc máy chưng cất từ nước mặn sang nước ngọt cũng đã hoàn thành phiên bản 2 sau nhiều lần chỉnh sửa, thay đổi.
Chứng kiến những giọt nước ngọt đầu tiên được làm ra từ chiếc máy của mình khiến Lợi có cảm giác lâng lâng vui lạ, công sức mình bỏ ra không bị phí, đồng thời cũng là động lực giúp em tiếp bước.
Theo Lợi, chiếc máy phiên bản 2 có công suất chưng cất khoảng 6 lít nước ngọt/ngày gồm các bộ phận như ống thủy tinh, kính, bình bảo ôn, ống nhựa, inox, chảo parabol...
Em Lợi trình bày tính năng, cấu tạo hoạt động máy phiên bản 2 với PV VTC News. Ảnh: Hoa Phan.
Chiếc máy phiên bản 2 có công suất nhỏ khi chỉ sử dụng 1 ống thủy tinh chân không đun nóng, vẫn còn một số hạn chế như cồng kềnh, nặng, thao tác chậm, lượng nước chưng cất ít, chủ yếu phục vụ trong hộ gia đình chỉ để uống.
Trong thời gian tới em đang có ý tưởng làm chiếc máy phiên bản 3 với 7 ống thủy tinh, công suất trên 30 lít nước ngọt mỗi ngày, nhỏ gọn hơn, giá mỗi chiếc máy sẽ khống chế từ 2-3 triệu đồng, còn khi đã sản xuất đại trà theo hướng công nghiệp có thể giá máy sẽ rẻ hơn” - Lợi phân tích.
Hiện tại, Lợi đang chuẩn bị đưa chiếc máy phiên bản 2 đi tham dự kỳ thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh. Nói về vấn đề giải thưởng, thầy Dũng nhấn mạnh, đối với cá nhân thầy cũng như em Lợi, có giải hay không giải thầy trò không đặt nặng đến.
Khu vực bình bảo ôn. Ảnh: Hoa Phan.
Vấn đề thầy trò chúng tôi cùng quan tâm nhất, đó là việc ứng dụng thực tế để bà con nông dân vùng quê nghèo đang bị hạn hán, nhiễm mặn có nước ngọt dùng kịp thời, chống khát nhanh chóng, với giá thành rẻ, chất lượng. Bởi vì, hiện tại trên thị trường giá của mỗi chiếc máy chưng cất nước ngọt lên đến hàng chục triệu đồng, người dân nghèo không thể mua được" - thầy Dũng nói.
Đánh giá về học trò mình, thầy Đặng Bửu Truyển - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre hoan nghênh, biểu dương tinh thần cầu tiến của Lợi và hy vọng những sáng chế của cậu học trò sẽ giúp ích được cho người dân.
Theo VTC News
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Độc lạ: Startup Mỹ dùng kim cương làm mát GPU, giảm nhiệt khủng và tiết kiệm điện vượt xa mong đợi
Akash tuyên bố rằng công nghệ của họ có thể giảm nhiệt độ điểm nóng của GPU từ 10 đến 20 độ C, giúp trung tâm dữ liệu tiết kiệm hàng triệu USD chi phí làm mát
Người sáng tạo nội dung này bị phạt gần 7 tỷ Đồng vì bay drone quấy rối người vô gia cư