NASA đã gửi 1 chiếc cờ lê lên vũ trụ bằng cách nào?

    Chinh Đỗ,  

    Lần đầu tiên, 1 chi tiết phần cứng đã được gửi lên không gian bằng email để phục vụ cho các phi hành gia.

    Vừa qua, từ 1 chiếc máy tính ở California, Mike Chen của Made In Space và các đồng nghiệp đã in 3D thành công 1 chiếc cờ lê bánh cóc trên Trạm Vũ Trụ Quốc Tế(ISS). Sau khi được chỉ huy của ISS – Barry Wilmore cho biết rằng họ đang thiếu 1 dụng cụ, Chen và nhóm của ông đã bắt tay vào thiết kế và gửi nó lên khoảng không vũ trụ.

    “Chiếc cờ lê vừa được sản xuất này là vật thể đầu tiên được chúng tôi thiết kế trên mặt đất và gửi bằng kỹ thuật số lên không gian.” - Chen cho biết. Bằng cách này, dụng cụ sẽ tới tay các phi hành gia nhanh hơn phương pháp thông thường là gửi bằng tên lửa bởi việc đó có thể mất tời vài tháng thậm chí là vài năm.

    Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu công việc bằng cách thiết kế công cụ trên máy tính, sau đó chuyển nó ra thành định dạng 1 bản in được gọi là G-code. Và bản in này được chuyển đến NASA, nơi sẽ truyền nó lên trạm không gian. Khi máy in 3D nhận được bản in này chiếc cờ lê bắt đầu đi vào sản xuất.

    Hình ảnh của chiếc máy in

    Hình ảnh của chiếc máy in 3D trên trạm không gian.

    Nằm trong khuôn viên của trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, Made In Space hiện đang xây dựng các máy in 3D có thể làm việc trong môi trường gần như không trọng lực và tin vui là 1 chiếc máy đầu tiên đã được đưa tới ISS vào tháng 9 vừa qua. Trong vòng 1 tháng, các nhà du hành đã in ra sản phẩm đầu tiên của họ: 1 tấm thay thế cho phần vỏ của chính chiếc máy in.

    Giải thích cho việc đó Niki Werkheiser của NASA chia sẻ: “Chúng tôi chọn chi tiết này để in đầu tiên bởi, nếu chúng ta có thể sử dụng máy in 3D để in các bộ phận quan trọng trong không gian, thì trước hết chúng ta phải có khả năng làm phụ tùng thay thế cho máy in.

    Nếu máy in trở thành 1 thiết bị quan trọng cho các nhà thám hiểm vũ trụ, thì nó phải có khả năng tự tái tạo lại các bộ phận của nó để nó có thể làm việc trong suốt hành trình dài như đến sao Hỏa hoặc 1 vài hành tinh khác. Thậm chí, đến 1 ngày nào đó máy in này có thể in ra nhiều máy in khác nữa”

    Kể từ lần đó đến nay đã có hơn 20 chi tiết được in tại trạm vũ trụ, tuy nhiên những chi tiết này đều được thiết kế sẵn trước khi máy in rời khỏi mặt đất. Được biết, những thành phẩm trên sẽ được gửi trở lại vào năm 2015 để kiểm tra, từ đó, các nhà nghiên cứu sẽ so sánh chúng với những chiếc được in tại trái đất để nghiên cứu sự ảnh hưởng của trọng lực vào quá trình in 3D.

    Nhìn chung, với việc có thể sử dụng máy in 3D trên không gian, điều này sẽ mở ra 1 tương lai tươi sáng hơn cho các phi hành gia. Theo đó, họ sẽ không cần chờ đợi quá lâu để được gửi những bộ phận thay thế quan trọng lên Trạm Không Gian, hơn nữa, công nghệ mới sẽ giúp họ giải quyết các vấn đề ngay lập tức.

    Tham khảo:Iflscience

    >>NASA nhận ngân sách đầu tư khổng lồ năm 2015, tiếp tục dự án thành phố trên mây

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ