Một khảo sát mới cho thấy, dân văn phòng dành trung bình 6 tiếng mỗi ngày sử dụng email. Đó là chưa kể thời gian online để mua sắm, tra cứu thông tin hoặc dùng mạng xã hội.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Tony Schwartz, CEO công ty tư vấn The Energy Project, tác giả cuốn sách “The way we’re working isn’t working”.
Một buổi tối, tôi mở sách và nhận ra mình đang đọc đi đọc lại một đoạn mà mãi không tập trung nổi. Tôi hoảng loạn vì sách vốn là nguồn tri thức và nguồn vui của mình. Thế nhưng, giờ số sách tôi mua mà chưa đọc đang chất ngày càng cao trên bàn.
Thay vì đọc sách, tôi lại dành quá nhiều thời gian lên mạng xem những tin tức không cần thiết. Tôi xem lượt truy cập website công ty liên tục, ngắm các sản phẩm online dù ở nhà đã có thừa và nhấp chuột vào những bài viết giải trí lá cải. Trong lúc làm việc, tôi cũng kiểm tra email nhiều hơn mức cần thiết.
Tác giả Nicholas Carr viết trong cuốn sách: “The Shallows: What the Internet is doing to our brains” như sau: “Mạng được thiết lập để trở thành một cơ chế gián đoạn, một cỗ máy chuyên phân tán tư tưởng. Chúng ta sẵn lòng chấp nhận việc mình mất tập trung, sự chú ý và suy nghĩ bị chia lẻ, để đổi lấy những thông tin hấp dẫn hoặc thú vị”.
Nghiện là việc bị thu hút mãnh liệt, liên tục bởi một vật chất hoặc hoạt động nào đó đến mức gây trở ngại cho sinh hoạt thường ngày. Theo định nghĩa trên, gần như tất cả những người tôi quen đều nghiện Internet ở một mức độ nào đó.
Một khảo sát mới cho thấy, nhân viên văn phòng dành trung bình 6 tiếng mỗi ngày sử dụng email. Đó là chưa kể thời gian online để mua sắm, tra cứu thông tin hoặc dùng mạng xã hội.
Não bộ luôn đòi hỏi điều mới mẻ. Sự kích thích không đổi và việc được thỏa mãn ngay tức khắc sẽ tạo ra ham muốn nhiều hơn. Giống như khi nghiện, chúng ta cần ngày càng nhiều thuốc hơn để đổi lấy hiệu quả tương đương.
Việc tiếp cận thông tin mới thoải mái và dễ dàng khiến trí nhớ của chúng ta quá tải. Khi chạm đến giới hạn tiếp nhận, khả năng chuyển kiến thức thành trí nhớ dài hạn giảm sút.
Mới đầu, mọi người sẽ phủ nhận điều này. Tôi cũng tưởng bản thân mình vẫn xoay sở tốt, cho đến khi nhận ra mình dành quá nhiều thời gian trên Internet, khó tập trung, ăn thực phẩm không phù hợp và không tập thể dục đều đặn như trước nữa.
Vì vậy, tôi đã lập kế hoạch lấy lại cân bằng cuộc sống. Trong vòng 30 ngày, tôi sẽ cố điều chỉnh mọi hoạt động của mình, tất cả cùng một lúc.
Vấn đề là con người chỉ có ý chí và tính kỷ luật ở mức độ nhất định. Chúng ta dễ thành công hơn nếu chỉ cố thay đổi một thứ một lúc, tốt nhất là vào thời gian cố định mỗi ngày để nó trở thành thói quen, dần dần sẽ cần ít năng lượng để duy trì hơn.
Sau 30 ngày, tôi thu được một số thành công nhất định. Tôi ăn uống khoa học hơn và cũng tập thể dục đều đặn như trước. Việc duy nhất tôi hoàn toàn thất bại là giảm thời gian truy cập Internet.
Ban đầu, tôi đặt mục tiêu một ngày chỉ kiểm tra email 3 lần. Nhưng tôi lại bị cảm giác cần soạn email và gửi ngay cho ai đó thôi thúc. Khi soạn email, tôi quên mất là những email mới lại tràn vào hộp thư. Vậy nên, dù không email nào yêu cầu phải trả lời ngay, tôi vẫn không kiềm chế nổi mà kiểm tra chúng. Cứ thế, tôi xem hết cái này đến cái khác và chẳng thể giảm thời gian truy cập Internet được.
Tuy nhiên, vài tuần sau, tôi thử cố gắng lần nữa. Tôi rời thành phố để đi nghỉ một tháng. Thời gian này, tôi sẽ không truy cập Internet và chỉ dùng tin nhắn điện thoại. Rất ít người liên lạc với tôi qua tin nhắn, và vì tôi đang đi nghỉ nên thường chỉ có người thân nhắn tin hẹn gặp.
Những ngày đầu, tôi phải khổ sở chịu đựng ham muốn lên Google tìm thông tin cho một vấn đề nào đó. Nhưng dần dần, tôi thấy thoải mái hơn, ít lo lắng và tập trung tốt hơn. Não tôi cũng trở nên trầm tĩnh hơn, đúng như những gì tôi mong muốn.
Tôi mang theo nhiều cuốn sách với độ dài và độ khó khác nhau. Tôi bắt đầu với những cuốn ngắn, sau đó là những cuốn dài khi mình bắt đầu điềm tĩnh và có khả năng tập trung cao hơn. Khi kỳ nghỉ kết thúc, tôi đã có thể dừng ham muốn lên mạng đọc tin liên tục để thỏa mãn não bộ.
Giờ tôi đã quay lại làm việc, dĩ nhiên cũng tiếp tục lên mạng. Internet không biến mất và vẫn chiếm rất nhiều thời gian của tôi. Mục tiêu hiện nay của tôi là tìm cách tốt nhất để cân bằng giữa cuộc sống thực và cuộc sống trên mạng.
Tôi thấy mình có thể kiểm soát tốt hơn. Khi online, tôi cố chú ý vào việc cần làm mà không lướt web lan man. Tôi cũng duy trì việc đọc sách để rèn luyện khả năng tập trung. Buổi tối, tôi sẽ suy nghĩ và quyết định những việc quan trọng mà sáng hôm sau cần hoàn thành. Khi đi ngủ, hầu như tôi không bao giờ để các thiết bị công nghệ trong phòng.
Cuối cùng, mỗi năm tôi sẽ đi nghỉ ít nhất một lần, hoàn toàn không tiếp xúc với công nghệ. Dù chẳng có mấy thời gian rảnh, nhưng tôi biết, chỉ một tuần không lên mạng cũng sẽ giúp mình tràn đầy sức sống trở lại.
Theo Thu Thảo/Cafebiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương