Những công nghệ có thể biến con người thành Superman

    PV,  

    (Genk.vn) - Công nghệ có khả năng tạo ra những Superman ngoài đời thực.

    Trong 1 thế kỷ qua, con người đã chứng kiến sự đổi thay của những công nghệ kỹ thuật từng bị coi là viễn tưởng, là ma thuật. Và trong vài chục năm tới, hãy xem chúng ta còn có thể làm được những gì...

    1. Công nghệ BCI

     

    Chính xác thì đó là công nghệ giúp liên kết bộ não con người với các thiết bị ngoại vi khác. BCI đã rất phổ biến trong những phim khoa học viễn tưởng trong nhiều thập kỷ, tin hay không thì nó cũng đã được ứng dụng thực tế từ thập kỷ 90 rồi. Công nghệ hoàn toàn an toàn và có ích nên đã không ngừng phát triển cho đến nay.

     

    Lần đầu tiên BCI được biết đến từ năm 1920 khi phát hiện ra những tín hiệu điện phát ra bởi não bộ và chúng cho phép điều khiển một thiết bị cơ khí nhỏ. Chỉ tới năm 1960 thì những nghiên cứu nghiêm túc về BCI mới được thực hiện trên khỉ và trong khoảng 15 năm trở lại đây chúng ta mới có được nhiều ứng dụng ưu việt từ nó.

     

    Hầu hết người ta sử dụng BCI để phục hồi một phần thị lực, thính giác hoặc một bộ phận cơ thể bị tê liệt cho bệnh nhân. Năm 2013, y học đã chứng kiến một trường hợp đột quỵ bị liệt toàn thân nhưng vẫn sử dụng được máy tính thông qua những tín hiệu điện não. Một thiết bị cực nhạy nhận tín hiệu từ bộ phận điều khiển mắt trên não bộ và phân tích các tần số khác nhau để xác định bệnh nhân muốn di chuyển con trỏ tới đâu. Thiết bị đó chỉ trông giống như một chiếc mũ bảo hiểm bình thường.

     

    2. Bộ xương ngoài

     

    Chúng ta không còn xa lạ với Iron Man nữa cho nên khái niệm Bộ xương ngoài đã trở nên gần gũi hơn. Một công ty sản xuất ở Mỹ đã tạo ra hàng trăm bộ giáp như vậy với hợp kim nhôm và titan để trợ giúp các bệnh nhân tê liệt, tổn thương tủy sống có thể đi bộ bình thường.

     

    Công nghệ này cũng đã, đang được công ty Lockheed Martin ứng dụng đắc lực cho những người lính có thể mang vác trọng lượng tới 100kg và đi với tốc độ 16km/h trong thời gian dài. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ được sở hữu những bộ giáp hữu dụng như vậy giá rẻ để khôi phục chức năng khi bị bại liệt hoặc tăng sức lao động, sức chịu đựng trong công việc nặng nhọc.

    3. Cấy ghép thần kinh

     

    Mô cấy ghép khá giống với công nghệ BCI nhưng thiết bị được gắn trực tiếp vào màng não để khắc phục hoàn toàn những tổn thương não, tăng và phục hồi chức năng nhận thức, phản xạ của não hoặc cung cấp một sức mạnh đặc biệt cho cơ thể như việc điều khiển máy móc từ xa...

     

    Việc sử dụng cấy ghép thần kinh để kích thích sâu bộ não được phê duyệt bởi Cục quản lý thực và dược phẩm Hoa Kỳ để điều trị các chứng bệnh khác nhau từ năm 1997. Nó đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị bệnh Parkinson và chứng loạn trương lực cơ, đau mãn tính và trầm cảm ở các mức độ khác nhau.

     

    4. Cơ thể nhân tạo

     

    Chân tay giả đã được sử dụng thay thế chấn thương do tai nạn vài thập kỷ nhưng các bộ phận vừa mang tính thẩm mỹ vừa mang một chức năng tối ưu lại đang được phát triển mạnh. Có nghĩa là, ngoài việc khôi phục lại một chi bị mất bằng một chi robot được điều khiển bằng sóng điện não thì nó còn cho chủ nhân khả năng bê vác, thực hiện nhiều động tác tinh vi mà trước đây họ không làm được. Sắp tới, những cánh tay robot sẽ chân thật đến khó tin, mỗi vết xước trên bề mặt kim loại cũng sẽ khiến chủ nhân của nó đau đớn và cảm nhận như đó là cánh tay thật sự của mình.

     

    Tại Harvard một lĩnh vực mới nổi là công nghệ mô và nano đã tạo ra những mô điện tử với đầy đủ chức năng sinh học tương thích. Khi công nghệ này được mở rộng và phát triển ở mức cao hơn, việc thay thế các bộ phận cơ thể sẽ không còn giới hạn bởi vấn đề khác biệt giữa máy móc và con người nữa.

     

    5. Công nghệ Exocortex

     

    Đây là một hệ thống xử lý thông tin tương tác, tăng cường khả năng của não bộ thông qua sự kết hợp giữa tâm trí và máy móc.

    Điều này không có nghĩa là bộ não bạn sẽ phải lưu trữ thông tin tốt hơn mà nó sẽ xử lý thông tin một cách hiệu quả. Đơn giản là bạn sẽ suy nghĩ nhanh hơn, nhận thức vấn đề tốt hơn và bạn sẽ chẳng cần tới một chiếc máy tính để cộng trừ vài con số nữa.

     

    Bản thân mạng internet cũng là một dạng của công nghệ này như nó đã giúp chúng ta truy cập vào những thông tin cần thiết được chọn lọc, xử lý nhanh chóng. Việc sáp nhập hai bộ vi xử lý máy móc và sinh học về lý thuyết sẽ tạo một sân chơi trí tuệ  và cho phép con người thực hiện những chức năng phức tạp nhất mà hệ thần kinh cấp cao dễ dàng như cách bạn đang đọc bài viết này.

    (Còn tiếp...)

    Theo Nguoiduatin

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ