Những phát minh cổ đại này có thể làm bạn giật mình vì độ tinh xảo và chính xác của chúng, nhưng thứ đáng kinh ngạc hơn có lẽ chính là những gì mà chúng có thể thực sự làm được.
Robot tưởng chừng chỉ là khái niệm ở thì hiện đại, khi con người đã trở nên quen thuộc với công nghệ và khoa học. Nhưng sự tồn tại của chúng đã được ghi nhận trong lịch sử từ hàng nghìn năm trước đây, khi loài người mới ở buổi sơ khai ban đầu. Những phát minh cổ đại này có thể làm bạn giật mình vì độ tinh xảo và chính xác của chúng, nhưng thứ đáng kinh ngạc hơn có lẽ chính là những gì mà chúng có thể thực sự làm được. Hãy tiếp tục cùng chúng tôi điểm qua những robot còn lại trong loạt bài viết về những robot cổ xưa này.
5. Thầy tu cầu nguyện
Gianello Torriano là một trong những thợ sửa đồng hồ giỏi nhất tại Ý ở thế kỷ 16. Ông phục vụ cho Hoàng đế Charles V trong năm 1529 và đã đi cùng Charles đến tu viện tại San Yustre khi Charles nhường ngôi vua năm 1555. Torriano đã cố gắng xoa dịu chứng trầm cảm của hoàng đế bằng cách tạo ra nhiều robot mini để giải trí cho ông.
Torriano đã tạo ra những người lính thu nhỏ tham gia vào các trận chiến trên bàn ăn, những con chim nhỏ bằng gỗ có khả năng bay lượn trong phòng và thậm chí ra ngoài cửa sổ. Một trong số những phát minh của ông tại thời điểm là robot cực kỳ nổi tiếng - Lady Lute Player, hiện vẫn có thể được nhìn thấy ở Bảo tàng Kunsthistorisches tại Vienna. Hiện giờ, tuy không còn hoạt động, nhưng trước đó nhiều người cho rằng có thể thực hiện các bước đi nhỏ trên một con đường thẳng hay vòng tròn, quay đầu, và thậm chí chơi một vài nốt nhạc trên chiếc lute.
Một tác phẩm khác vô cùng nổi tiếng khác của ông cũng đang được trưng bày tại viện bảo tàng Smithsonian – Thầy tu cầu nguyện. Đó là một robot có thể di chuyển theo hình ô vuông, tự vỗ ngực bằng tay phải, trong khi tay trái nâng lên, hạ xuống một chuỗi tràng hạt. Nó có thể quay và gật đầu, liếc mắt, và thì thầm cầu nguyện.
4. Karakuri Ningyo
Tình yêu của Nhật Bản với robot đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước đây. Các robot Nhật Bản đầu tiên được tạo ra trong thời kỳ Edo (1603-1868). Chúng được gọi là karakuri ningyo (tạm dịch, "búp bê cơ khí") và bao gồm gỗ, dây cót, và bánh răng. Nhật Bản cũng đã sử dụng công nghệ chế tác đồng hồ phương Tây cho các robot này.
Phổ biến nhất ở thời kỳ này là Zashiki karakuri, robot được sử dụng trong các gia đình giúp phục vụ cho nhu cầu giải trí. Chúng có thể làm được nhiều động tác phức tạp, ví dụ như cầm cung bắn tên. Trên thực tế, một số karakuri có thể phục vụ cho các khách trà. Giống như robot nữ tỳ của Philon, các karakuri đã được kích hoạt bằng cách đặt một tách trà trong tay của nó, đồng thời rót trà bằng tay còn lại. Và cũng như xe chở robot của Hero, nó có chứa chốt có thể được điều chỉnh, từ đó giúp người điều khiển dễ dàng thiết kế để xoay trục điều khiển của robot vào 1 trong 2 vị trí có sẵn.
Các dashi karakuri cũng là những robot hết sức thông dụng trong khoảng thời gian này. Chúng được sử dụng trên các phao nổi trong đám rước lễ hội tôn giáo, giống như bức tượng di động của Ctesibius. Những robot tự động này có vai trò chính là diễn lại những huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa. Chúng tạo ấn tượng mạnh đến mức người Nhật đã cố gắng tái hiện lại những vở kịch robot này trên người thật, với từng động tác, từng chi tiết mô phỏng lại hình ảnh của những dashi karakuri xa xưa.
3. Người máy thổi sáo
Voltaire - một đại văn hào, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp nổi danh thế kỷ thứ 18 đã gọi thiên tài cơ khí Jacques de Vaucanson là "Prometheus mới". Ông có thể thổi hồn vào những vật chất vô tri vô giác. Khi còn là một đứa trẻ, Jacques đã tìm hiểu những chiếc đồng hồ trong nhà thờ trong khi đợi mẹ ông thú tội. Jacques nhớ tất cả các bộ phận của nó và có khả năng tái tạo lại nó ở nhà. Khi lớn lên, ông bắt đầu có những thử nghiệm đầu tiên với robot. Một ngày nọ, Jacques bị ốm, và trong cơn mê sảng, ông mơ về một người máy thổi sáo. Ngay sau khi ông khỏi ốm, ông đã bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình.
Được trưng bày lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 2 năm 1738, người máy thổi sáo gần như là một ý tưởng không thể thực hiện. Sáo là một trong những nhạc cụ rất khó để có thể chơi hay, ngay cả với con người. Các nốt nhạc được tạo ra không chỉ bởi sự khéo léo của các ngón tay và hơi thở, mà còn thông qua lượng không khí thổi và cách tạo hình môi của người thổi sáo. Nhưng Jacques de Vaucanson đã làm được điều tưởng như bất khả thi ấy, khi xây dựng thành công một robot có thể chơi 12 giai điệu khác nhau, thông qua việc bắt chước các cơ liên quan đến việc thổi sáo.
Bằng cách sử dụng một hệ thống ống thổi, đường ống, và trọng lượng, Jacques đã có thể kiểm soát không khí đi qua các lỗ. Ông thiết kế môi mở, đóng và di chuyển tiến, lùi. Một lưỡi kim loại có thể cử động để điều chỉnh luồng không khí hay tạm dừng lại. Robot của Jacques đã thực sự thở như một con người.
Khó khăn của Jacques với các ngón tay là mặc dù chúng hoạt động chính xác, nhưng các ngón tay bằng gỗ lại quá cứng để tạo ra những âm thanh chuẩn xác. Để mô phỏng ngón tay thực sự, Jacques thiết kế các ngón tay bằng gỗ với da thật để làm cho chúng mềm mại hơn.
Jacques de Vaucanson còn chế tạo ra nhiều thiết bị tự động khác, nổi tiếng nhất là một con vịt mà có thể …đại tiện sau khi ăn. Nhưng không giống như người máy thổi sáo, con vịt này có thể làm được nhiều trò ảo thuật thú vị, chứ không đơn thuần chỉ bắt chước các chức năng của một sinh vật sống.
2. The Writer
Nếu từng có dịp ghé qua Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Neuchatel phía tây thành Bern, Thụy Sĩ, bạn sẽ có dịp được chứng kiến một cậu bé đang gò lưng trên chiếc bàn với lá thư kín chữ trước mặt cùng chiếc bút trong tay. Chỉ nhìn qua thì cậu bé trông khá giống những chú búp bê đồ chơi thông dụng, nhưng đây là một kỳ quan công nghệ thực sự. Quan sát kỹ hơn và bạn có thể nhìn thấy đôi mắt của cậu chăm chú vào công việc của mình, và đôi khi, cậu còn lắc chiếc bút lông ngỗng sau khi chấm nó vào trong lọ mực.
Được chế tạo bởi một thợ đồng hồ Thụy Sĩ tên là Pierre Jacquet-Droz, trong những năm cuối thập niên 1770, The Writer bao gồm 6000 bộ phận được lập trình hoàn toàn thủ công và có khả năng phối hợp nhịp nhàng với nhau. Cậu bé trở nên sinh động hơn với một tay quay được lên dây cót. Nó có thể viết bất cứ loại thư từ nào với độ dài lên đến 40 chữ với tối đa là 4 dòng. Hệ thống lập trình cho phép nó có thể viết mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào ở bên ngoài. Thậm chí nó có thể ngắt đoạn ở giữa dòng, và sau đó soạn thảo một đoạn khác.
Jacquet-Droz đã làm mọi người kinh ngạc với những robot của mình. Trước phiên xét xử của vua Ferdinand VI ở Tây Ban Nha - người cho rằng những sáng tạo sống động như thật của ông là sản phẩm của phù thủy, ông đã biện hộ cho mình bằng cách mời Đại thẩm phán kiểm tra robot của mình và cơ chế bên trong của nó, để chứng minh rằng nó hoạt động bằng những nguyên lý hoàn toàn tự nhiên.
The Writer là một trong bộ ba người máy được Jacquet-Droz chế tạo từ năm 1767 đến năm 1774. Hai sáng chế còn lại, không phức tạp bằng The Writer, đó là Lady Musician và The Draftman. Điều khiến cho các robot trở nên đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thu nhỏ. Tất cả các cơ chế vận hành người máy đều ở bên ngay bên trong chúng mà không cần đến bất kỳ công cụ hỗ trợ nào đi kèm. Thu nhỏ làm cho đồng bộ hóa tất cả các phần khó khăn hơn, nhưng làm cho các robot có tuổi thọ hơn 200 năm này càng trở nên “bá đạo” hơn.
1. The Drawing Boy
Được trưng bày tại Viện Franklin ở Philadelphia, một robot có tuổi đời hai thế kỷ với tên gọi là The Drawing Boy đã tiếp nối bước chân của người anh em The Writer trên con đường tạo ra những phép mầu thực sự. The Drawing Boy là kiệt tác của một thợ đồng hồ Thụy Sĩ khác, Henri Maillardet. Cũng như The Writer, nó là một phần gây ảnh hưởng mạnh mẽ với bộ phim Hugo của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese, bộ phim mà các robot đã tham gia diễn xuất.
The Drawing Boy là một kiệt tác tuyệt vời với sự phức tạp của nó. Một chồng quay bằng đồng kiểm soát chính xác các chuyển động mềm mại và sống động như thật của cánh tay. Nó không phải chỉ là vấn đề hình học đơn thuần như di chuyển cánh tay dọc theo trục x, y, z. Ví dụ như, để vẽ ra một đường chéo, cánh tay sẽ cần di chuyển trở lại sau khi di chuyển sang 2 bên, nếu không, nó sẽ vẽ một vòng cung.
Khi đã hoàn thiện, các robot có thể tạo ra một bản vẽ trong khoảng ba phút với độ sai lệch chỉ vào khoảng vài mm. Độ chính xác bất ngờ này được thực hiện bởi bộ phận chủ yếu được làm thủ công. Điều đáng chú ý ở đây là việc các robot này có chứa các “cam” - hay bộ nhớ tạm thời cho phép “cậu bé” có thể viết ba bài thơ (hai bài bằng tiếng Pháp và một bằng tiếng Anh) và vẽ bốn bức tranh, bao gồm cả một ngôi chùa ở Trung Quốc.
Một vài cam đơn giản kiểm soát các chuyển động của mắt và đầu. Với những bộ nhớ này, The Drawing Boy có khả năng trình diễn một tiết mục có thể khiến bạn phải kinh ngạc: Cậu sẽ ngừng lại một chút, ngẩng đầu lên, và mắt nhìn xa xăm, như thể đang suy nghĩ để vẽ gì tiếp theo. Sau đó, cậu lại cúi đầu và cánh tay lại tiếp tục công việc của mình.
Tham khảo: listverse
>>Những phát minh robot vĩ đại mà không hề sử dụng công nghệ hiện đại (Phần I)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"