Đánh nhau với láng giềng để giải quyết tranh chấp; Kéo vali rỗng đi khắp phố phường; Mặc nội y sặc sỡ hoặc ra nghĩa trang ăn tết... là những phong tục đón năm mới khá kỳ lạ trên thế giới.
Đánh nhau với láng giềng để giải quyết tranh chấp cũ ở Peru
Mỗi năm, tỉnh Chumbivilcas và một số khu vực khác của Peru lại tổ chức lễ hội Takanakuy vào thời điểm chuẩn bị đón năm mới. Ở độ cao hơn 3.600m so với mặt nước biển, những người đến với lễ hội sẽ hòa mình vào những cuộc vui chơi, ăn uống, ca hát và nhảy múa xuyên ngày đêm.
Tuy nhiên, khi cuộc vui lên đến đỉnh điểm, những người đàn ông sẽ lao vào “tẩn” nhau thật lực, để giải tỏa những hiềm khích còn lại trong năm cũ, sẵn sàng đón năm mới hòa đồng, đoàn kết hơn.
Đón giao thừa tại nghĩa trang ở Chile
Phong tục đón năm mới tại nghĩa trang ở thành phố Talca bắt đầu hình thành năm 1995 khi một gia đình nhảy qua hàng rào nghĩa trang để vào đón năm mới cùng người cha quá cố. Sau này, phong tục ngày càng lan rộng trong cộng đồng Talca nên cứ vào mỗi đêm giao thừa là người dân tập trung tại nghĩa trang để đón tết cùng người thân đã mất.
Nhảy sóng 7 lần ở Brazil
Người dân Brazil thường tìm tới các bờ biển khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa. Họ tin rằng hành động nhảy qua sóng 7 lần, tượng trưng việc tôn vinh nữ thần biển Yemanja sẽ mang lại những điều tốt lành trong năm mới.
Đùa với… lửa ở Scotland
Hogmanay là lễ hội năm mới đầy nguy hiểm của Scotland, diễn ra vào 31/12 hàng năm. Trong dịp này, đàn ông sẽ diễu hành qua các con phố trong khi vẫn giữ trên tay các quả cầu lửa đang cháy rừng rực.
Các quả cầu lửa liên tục được trao qua lại trên đầu họ. Theo người địa phương, những quả cầu lửa sẽ đem tới sự trong sạch và ánh dương. Lễ hội này có từ thời Viking.
Ăn 12 trái nho ở Tây Ban Nha
Vào đêm giao thừa, người dân Tây Ban Nha sẽ ăn đúng 12 trái nho khi thời khắc giao thừa điểm, họ tin những điều may mắn, an lành sẽ đến trong năm mới.
Mặc nội y sặc sỡ ở Mỹ Latinh
Ở một số quốc gia, đồ nội y đẹp nhất sẽ được để dành cho ngày cuối cùng của năm. Công dân Bolivia chào đón năm mới bằng cách mặc những chiếc quần lót sặc sỡ màu sắc (màu ưa thích của họ thường là màu đỏ, vàng). Họ tin rằng, điều này sẽ đem lại sự giàu có cho năm tiếp theo, đồng thời giúp họ tìm ra người yêu của mình.
Kéo vali rỗng đi khắp phố phường ở Colombia
Ở Colombia và một số quốc gia Mỹ Latinh, người dân sẽ kéo một chiếc vali rỗng đi quanh khu phố mình sống vào đêm giao thừa. Họ tin rằng như vậy, năm mới của họ sẽ có nhiều chuyến du lịch thú vị.
Ném đồ cũ qua cửa sổ ở Nam Phi
Đúng thời khắc giao thừa, người Nam Phi sẽ ném hết đồ đạc cũ qua cửa sổ. Phong tục này khá phổ biến ở thế giới nhưng riêng Nam Phi việc làm này khá quan trọng và nhất định phải làm đêm giao thừa. Họ sẵn sàng ném cả giường cũ, lò sưởi, bộ salon cũ qua cửa sổ mà không cần biết ai đi phía dưới.
Do đó, nếu bạn là du khách đến Nam Phi vào đúng dịp này, tốt nhất không nên ra đường vào đêm giao thừa để tránh bị chấn thương vì một vật gì đó “từ trên trời rơi xuống”.
Đập vỡ đĩa trước cửa nhà hàng xóm ở Đan Mạch
Với người châu Á sự đổ vỡ vào năm mới báo hiệu điềm không may thì với người dân Đan Mạch đó lại là sự may mắn. Họ sẽ đập vỡ bát đĩa vất ở cửa nhà hàng xóm để chúc cho gia đình này gặp nhiều may mắn. Gia đình nào có càng nhiều đĩa vỡ trước cửa càng vui ừng vì họ có được một năm mới tràn đầy hạnh phúc.
Tìm chồng vào năm mới ở Ireland
Phụ nữ độc thân Ireland mong đợi thời khắc giao thừa hơn bao giờ hết vì họ có cơ hội tìm được bạn đời trong năm mới. Đêm đó, các cô gái đặt một chiếc lá tầm gửi dưới gối với mong muốn tìm được người chồng tương lai cho mình. Đồng thời điều này cũng giúp họ thoát khỏi những vận xui không may trong năm tới.
Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"