Trí thông minh nhân tạo: bạn hay thù?

    TVD,  

    “Chúng ta sợ hãi những điều chúng ta không hiểu”

    Khi nói đến trí thông minh nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), chúng ta có thể nghĩ đến những cố máy có khả năng tự suy nghĩ như con người và hoạt động một cách độc lập như trong bộ phim Transcendence. Tất nhiên trí thông minh nhân tạo mà chúng ta tạo ra ngày hôm nay chưa thể có sức mạnh như những gì được thể hiện trong bộ phim.

    Tuy nhiên nó đã khiến nhiều nhà khoa học, trong đó có cả nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking và ông chủ Elon Musk của tập đoàn SpaceX phải đưa ra những lời cảnh báo cho tương lai. Nhà vật lý Stephen Hawking cho biết “Khả năng tự động hóa mang lại nhiều lợi ích không thể chối cãi cho nhân loại nhưng công nghệ siêu thông minh này sẽ trở thành con dao 2 lưỡi, đe dọa sự tồn tại của con người. Bởi một lúc nào đó, chúng ta khó có thể kiểm soát được tất cả”.

    Sẽ có những cỗ máy AI đáng sợ như thế này trong tương lai?

    Sẽ có những cỗ máy AI đáng sợ như thế này trong tương lai?

    Sự phát triển chóng mặt của những cỗ máy biết suy nghĩ

    Khái niệm trí thông minh nhân tạo xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1950 và các nhà khoa học lúc bấy giờ đã dự đoán trước sự phát triển vượt trội của công nghệ này. Trên thực tế cho đến nay chúng ta đã tạo ra những phần mềm có khả năng nói chuyện và tương tác giống như con người, những robot có khả năng tự học tập và hoạt động một cách độc lập. Điều này cho thấy trong tương lai trí thông minh nhân tạo sẽ còn phát triển hơn thế nữa.

    Mới đây, nhà phát minh và nghiên cứu công nghệ tương lai Ray Kurzweil, hiện là giám đốc kỹ thuật tại Google, đã tạo ra một điểm mốc theo thời gian được gọi là “điểm kỳ dị”. Cột mốc này sẽ báo cho chúng ta biết khi nào thì trí thông minh nhân tạo sẽ vượt quá tầm kiểm soát của con người, dựa trên sự tăng trưởng theo cấp số nhân của công nghệ và khoa học theo định luật Moore (mà cữ mỗi hai năm tính năng xử lý của máy tính tăng gần gấp đôi). Kurzweil dự đoán điểm kỳ dị sẽ xảy ra vào năm 2045.

    Trợ lý ảo sẽ là một phần không thể thiếu của thế giới công nghệ trong tương lai.

    Trợ lý ảo sẽ là một phần không thể thiếu của thế giới công nghệ trong tương lai.

    Trong thế giới hiện nay, chúng ta có thể thấy trí tuệ nhân tạo ở mọi nơi mọi lúc, ngay cả trong một chiếc smartphone mà bạn vẫn đang dùng hàng ngày. Siri hay Google Now là những ứng dụng trợ lý rất hữu ích, giúp công việc và cuộc sống của bạn trở nên thoải mái hơn. Hay các ứng dụng và web hiện nay cũng thu thập những thói quen của người dùng để đưa ra nhiều gợi ý phù hợp, giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

    Dẫn đến những lo sợ

    Trước sự phát triển quá nhanh chóng này, có những ý kiến rất khác nhau của các nhà khoa học. Nhà vật lý học Stephen Hawking đã đưa ra cảnh báo vô cùng nghiêm trọng trong cuộc phỏng vấn với đài BBC “Sự phát triển đầy đủ của trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho nhân loại”. Sau khi Hawking được trang bị hệ thống nhận diện giọng nói mới, mà trong đó có sử dụng phần mềm AI để dự đoán từ (Hawking mắc chứng bệnh ALS khiến ông bị liệt nửa người và phải nhờ sự hỗ trợ từ máy móc để giao tiếp).

    Nhà vật lý Stephen Hawking cho rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho nhân loại.

    Nhà vật lý Stephen Hawking cho rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho nhân loại.

    Elon Musk cũng là một người đồng quan điểm với Hawking, ông cho rằng AI là mối đe dọa nguy hiểm nhất trong tương lai, thậm chí còn hơn cả vũ khí hạt nhân. Mặc dù vậy vào tháng 3 vừa qua, Elon Musk cùng với CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đã cùng đầu tư 40 triệu USD nhằm tạo ra một bộ não nhân tạo. Khi bắt đầu dự án này Musk nói rằng “tôi luôn theo dõi tiến độ của dự án này, vì rất có thể nó sẽ trở thành một mối nguy hại.

    Mặc dù lo sợ trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nhưng Musk vẫn đầu tư vào một dự án như vậy. Điều này có thể cho thấy những lợi ích rất to lớn mà trí tuệ nhân tạo có thể đem lại. Cũng có rất nhiều nhà khoa học ủng hộ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, và cho rằng việc máy móc kiểm soát con người như trong phim là một tương lai quá xa vời. Charlie Ortiz, người đứng đầu dự án AI tại viện khoa học Burlington, Massachusetts cho biết “Tôi không thấy bất kỳ lý do gì khiến những cỗ máy khi trở nên thông minh hơn sẽ có thể tiêu diệt hay làm hại con người. Bên cạnh đó còn rất nhiều việc mà con người phải làm trước khi những cỗ máy đạt được sức mạnh như vậy”.

    Sự khác biệt giữa người và máy

    Con người và máy móc có một điểm khác biệt rất lớn đó chính là cảm xúc. Cảm xúc đôi khi khiến chúng ta làm những việc tốt (vui vẻ, hạnh phúc), nhưng đôi khi khiến chúng ta làm cả những việc xấu (căm ghét, giận hờn). Thậm chí những cảm xúc tốt cũng khiến con người làm điều xấu, như cảm xúc vui khi có nhiều tiền bạc.

    Tuy nhiên máy móc không có cảm xúc và có lẽ trong tương lai các nhà khoa học cũng chưa nghĩ đến việc khiến những cỗ máy biết yêu hay ghét. Chính vì vậy mà chúng chỉ làm những công việc được lập trình sẵn mà không có những hành động khác nhằm thỏa mãn cảm xúc. Cũng có nghĩa một cỗ máy không có động cơ gì để đi cướp ngân hàng hay giết một ai đó để trả thù.

    Người và máy kết hợp mới là lúc thực sự đáng lo.

    Người và máy kết hợp mới là lúc thực sự đáng lo.

    Dấu chấm hết hay mở ra kỷ nguyên mới

    Bộ phim Transcendence có thể là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy những khía cạnh đầy đủ về trí tuệ nhân tạo. Mặc dù đây chỉ là tác phẩm viễn tưởng của Hollywood, tuy nhiên nó cho thấy những gì đang diễn ra trong thế giới của chúng ta hiện nay và tương lai. Trí tuệ nhân tạo với kho dữ liệu khổng lồ từ internet và sức mạnh xử lý của những siêu máy tính có thể thay thế hàng triệu bộ não con người và giải quyết vấn đề một cách rất nhanh chóng.

     

    Các nhà làm phim thì rất thích viễn cảnh trí thông minh nhân tạo là sự diệt vong của loài người...

    Các nhà làm phim thì rất thích viễn cảnh trí thông minh nhân tạo là sự diệt vong của loài người...

     

    Tuy nhiên khi đứng trước sức mạnh đó, chúng ta lại sợ rằng mình không thể kiểm soát nó, mặc dù nó là phát minh của con người. Và như một câu thoại trong phim “Chúng ta sợ hãi những điều chúng ta không hiểu”, con người chấm dứt chính phát minh của mình trước cơ hội đưa thế giới sang một trang sử mới.

    Dẫu sao máy móc vẫn chỉ là công cụ của con người, nếu nó được dùng vào mục đích tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Tuy nhiên nếu nó rơi vào tay kẻ xấu thì với sức mạnh đó, chúng ta nên bắt đầu biết sợ.

    >>Liệu Cortana có trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ