"Khát" nhân lực AI: 12 sinh viên chưa ra trường lương 6.000 USD/tháng, ĐH Bách Khoa mở luôn chuyên ngành AI, điểm đầu vào tối thiểu 27!
"Đối với năm tuyển sinh 2019, để được vào học ngành AI của ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm đầu vào tuyển sinh phải trên 27 điểm. Với trên 27 điểm này, các em đã thuộc vào top 0,5% của các thí sinh khối A cả nước", ông Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết.
Cuối tháng 7, câu chuyện 12 tân cử nhân ĐH Bách Khoa ra trường được trả lương 6.000 USD/tháng gây xôn xao dư luận. Mới đây, đại diện trường đại học cho biết thêm: 12 sinh viên này được offer ở thời điểm sắp tốt nghiệp, sẽ làm về trí tuệ nhân tạo (AI) cho SmartGrid. Năm 2019, AI cũng đã được bổ sung vào chương trình học của ĐH Bách Khoa, với điểm đầu vào tối thiểu 27 điểm.
Chia sẻ về câu chuyện đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) trong trường đại học, ông Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Đến năm 2017, ĐH Bách Khoa mở ngành đào tạo đầu tiên, đào tạo Thạc sỹ ngành Khoa học dữ liệu. Đến 2019, trường mở ngành cử nhân về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo .
"Hãy cùng xem tình hình tuyển sinh như thế nào!", ông Tùng nói.
Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi, khi họ có thể trả mức lương 6.000 USD/tháng cho một kỹ sư AI
"Đối với năm tuyển sinh 2019, để được vào học ngành AI của ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm đầu vào tuyển sinh phải trên 27 điểm. Với trên 27 điểm này, các em đã thuộc vào top 0,5% của các thí sinh khối A cả nước. Các em có tiềm năng rất lớn trở thành các Tech Leaders, tới đây sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành AI nói riêng cũng như các lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung của cả nước".
Theo ông Tùng, hiện ĐH Bách Khoa có hơn 100 giảng viên, nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển ứng dụng AI trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.
Về đầu ra, mới đây, 12 sinh viên sắp ra trường của ĐH Bách Khoa được offer mức lương 6.000 USD/tháng/người làm về AI cho SmartGrid.
"Có rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn nếu con số này đưa ra, họ sẽ rất khó tuyển dụng. Nhưng tôi muốn đưa ra một thông điệp rằng: Hiện tại, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo không chỉ giữa các công ty Việt Nam với nhau mà còn giữa các công ty Việt Nam với các công ty quốc tế".
"Và chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi, khi họ có thể trả mức lương 6.000 USD/tháng cho một kỹ sư AI", ông Tùng nói.
Nguồn nhân lực AI vốn khan hiếm, những người xuất sắc nhất Việt Nam thường lựa chọn đi học ở nước ngoài mà đã đi thì không trở lại.
Nguồn nhân lực AI là một bài toán khó giải của doanh nghiệp. Chia sẻ tại sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam do Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng Báo điện tử VnExpress tổ chức, ông Lê Hồng Việt - GĐ Công nghệ FPT - cho biết đây đang là thách thức với FPT, khi thị trường khan hiếm nhân lực làm AI. Những người xuất sắc nhất Việt Nam thường lựa chọn đi học ở nước ngoài mà đã đi thì không trở lại.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cho biết doanh nghiệp không có cơ hội sở hữu nguồn nhân sự chất lượng. Cách duy nhất là hợp tác, đưa ra những bài toán cụ thể, đặt hàng với các trường đại học, viện nghiên cứu. Ở góc độ ngân hàng, ông mong muốn nhân sự cấp độ quản lý trung, cao được đào tạo sự hiểu biết tương đối.
Ông Bùi Hải Hưng - Viện trưởng Viện nghiên cứu AI của Vingroup cũng đồng tình với ý kiến này.
"Đào tạo tài các trường đại học là cơ sở nòng cốt, mấu chốt để giải quyết vấn đề nhân lực. Chúng ta nên tập trung vào vấn đề con người - trước hết là giáo viên. VinAI có định hướng hỗ trợ các trường đại học về lĩnh vực nghiên cứu, giúp đỡ các giảng viên hứng thú với vấn đề nghiên cứu, tiếp cận với thế giới", đại diện VinAI cho biết.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android