Khi ‘hoàng tử, công chúa’ của những chaebol lớn nhất Hàn Quốc khiến dư luận ‘dậy sóng’
Hắt nước vào mặt nhân viên, bắt máy bay quay đầu để đuổi tiếp viên trưởng xuống, con ký vào văn bản sa thải cha... Đó là một số vụ bê bối liên quan đến 'hoàng tử, công chúa' của những tập đoàn gia đình (chaebol) quyền lực nhất Hàn Quốc.
Chị đi tù, em bị điều tra vì hắt nước vào nhân viên quảng cáo
Cho Yang-ho, Chủ tịch Hanjin Group – công ty mẹ của Korean Air Lines - vừa lên tiếng xin lỗi về hành vi ‘ấu trĩ’ của các con, đồng thời cho biết hai cô con gái của ông sẽ từ bỏ mọi chức vụ tại tập đoàn này.
Tuyên bố được đưa ra sau khi cuối tuần trước, cảnh sát Seoul thông báo mở cuộc điều tra Cho Hyun-min, con gái thứ hai của ông Cho – người bị cáo buộc hắt nước vào mặt một nhân viên quảng cáo trong cuộc họp kinh doanh, khi nghe được câu trả lời không vừa ý. Nữ giám đốc 34 tuổi đã gửi email xin lỗi tới mọi người nhưng phủ nhận hành động hắt nước.
3 người con của Chủ tịch Hanjin Group đều khiến dư luận 'dậy sóng' vì cách hành xử thiếu chuẩn mực
Trước đó, vào cuối năm 2014, con gái lớn của ông chủ Hanjin là Cho Hyun-ah ra lệnh đuổi tiếp viên trưởng khỏi chuyến bay từ Mỹ về Hàn Quốc do một tiếp viên phục vụ cho bà hạt mắc ca trong gói thay vì đổ ra đĩa. Chiếc máy bay chở hơn 200 người và sắp cất cánh đã buộc phải quay lại cổng và hạ cánh trễ 11 phút so với dự kiến. Vì hành động này, Hyun-ah bị báo chí Hàn Quốc gán cho biệt danh "công chúa hư".
Bà cũng bị kết án 1 năm tù vì vi phạm luật về an toàn hàng không, nhưng được trả tự do sau 5 tháng và trở lại làm việc trong vai trò Giám đốc điều hành các khách sạn thuộc Korean Air từ hồi tháng 3.
Năm 2005, con trai nhà Hanjin là Cho Won-tae cũng trở thành tâm điểm của dư luận sau khi tấn công một bà cụ 77 tuổi trên đường phố vì người này chỉ trích anh ta lái xe ẩu.
Con sa thải cha, anh em tranh giành quyền lực
Năm 2015, cuộc chiến vương quyền ở Lotte Holdings – một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất của Hàn Quốc từng gây rúng động cả nước này. Sóng gió bắt đầu từ tranh chấp quyền thừa kế giữa 2 con trai của người sáng lập tập đoàn Shin Kyuk-ho.
Ông Shin Dong-bin (giữa) trong vòng vây phóng viên. Ảnh: AFP
Đỉnh điểm của sự việc là con thứ Shin Dong-bin bí mật tiếm quyền cha để sa thải anh trai Shin Dong-joo ra khỏi Lotte. Chưa dừng lại, Dong-bin còn mạo nhận quyền thừa kế và ra quyết định sa thải người cha khỏi chiếc ghế chủ tịch, hoàn tất việc kế nhiệm với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp của gia đình.
Ngay sau khi sự việc lật đổ diễn ra, người anh cả, Dong-joo, khẳng định em trai thao túng số liệu, không báo cáo các khoản lỗ tại Trung Quốc cho cha. Đồng thời, Dong-joo cũng đưa ra một bức thư viết tay khẳng định anh mới là người thừa kế. Tuy nhiên, Dong-bin đã bác bỏ nội dung này và cho biết bức thư "không có tính pháp lý", được viết khi ông Shin không minh mẫn.
Liên quan đến scandal tham nhũng chính trị chấn động Hàn Quốc
Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics bị bắt vào tháng 2/2017 do liên quan đến bê bối tham nhũng khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye mất chức. Các công tố viên cáo buộc ông Lee đã chi hàng chục triệu USD cho một quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil - bạn thân bà Park Geun-hye - để được Chính phủ chấp thuận một thương vụ sáp nhập gây tranh cãi. Ông Lee cũng bị buộc tội khai man, che giấu lợi nhuận phi pháp, biển thủ và giấu tài sản ở nước ngoài.
Người thừa kế của Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong, trong một lần xuất hiện ở tòa án hồi tháng 10/2017 - Ảnh: Reuters
Trong phiên tòa xét xử ông Lee lần đầu hồi tháng 8 năm ngoái, tòa tuyên án ông 5 năm tù. Tuy nhiên trong phiên tòa phúc thẩm ngày 5/2/2018, hội đồng xét xử đã bác bỏ rất nhiều tội danh trong bản án của phiên tòa trước với ông Lee và giảm mức phạt với ông này chỉ còn 2 năm rưỡi tù treo.
Ông Lee Jae-yong sinh năm 1968 và là con trai duy nhất của Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Lee Kun-hee. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Seoul và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Keio, Nhật Bản. Vị doanh nhân này cũng từng theo học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại trường Harvard, Mỹ.
Ở Hàn Quốc, ông Lee thường được gọi là “thái tử Samsung” và đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong những năm gần đây như một phần trong kế hoạch kế vị, trước khi đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2012.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming